Mệt mỏi sau sinh và cách đối phó

Mệt mỏi sau sinh là tình trạng xảy ra phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau sinh. Nếu sau khi nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ mà tình trạng trên vẫn kéo dài và kèm theo những biểu hiện bất thường về sức khỏe khác thì có thể đây chính là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý cần sớm được điều trị.

1. Vì sao phụ nữ dễ cảm thấy bị mệt mỏi sau sinh

Mệt mỏi sau sinh diễn ra khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh, tình trạng nà có thể kéo dài trong nhiều tháng. Cơ thể bạn lúc này đang trong quá trình hồi phục thể chất từ quá trình mang thai và sinh nở.

Việc thức đêm để chăm trẻ sơ sinh có thể xảy ra thường xuyên, khiến bạn cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và quá trình hồi phục sức khỏe diễn ra chậm hơn.

Một số lý do phổ biến khiến bạn mệt mỏi sau sinh, bao gồm:

  • Thiếu ngủ: Khi gia đình chào đón một thành viên mới, người mẹ khó có thể tận hưởng được một giấc ngủ trọn vẹn, việc phải thường xuyên thức đêm, dậy sớm, giấc ngủ chập chờn vì phải chăm sóc con nhỏ cũng là lý do dễ hiểu vì sao phụ nữ sau sinh hay bị mệt mỏi.
  • Mất sức, mất máu khi sinh con: Người mẹ có thể mất đến hàng giờ, tiêu tốn rất nhiều sức lực và năng lượng để đưa em bé ra ngoài. Đây chính là cuộc vượt cạn thành công nhất của người mẹ. Tình trạng mệt mỏi của người mẹ càng trở nên tồi tệ hơn khi người mẹ bị mất một lượng máu lớn, vết mổ chưa kịp hồi phục, tác dụng phụ của thuốc giảm đau, thuốc gây tê...
  • Cho con bú: Để duy trì thể lực và tạo sữa cho con bú, sau sinh người mẹ cần nhiều năng lượng hơn. Trong khi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không đầy đủ, việc tiêu hao một phần năng lượng quá lớn khiến người mẹ không kịp phục hồi sẽ làm tăng thêm cảm giác mệt mỏi, đuối sức.
  • Bệnh lý gây mệt mỏi: Để bù đắp những thiếu hụt và phục hồi hoàn toàn sau sinh, cơ thể cần một thời gian nhất định. Tuy nhiên, vì một bệnh lý nào đó khiến tình trạng mệt mỏi không thể tự khắc phục được kèm theo đó là những dấu hiệu bất thường về mặt sức khỏe khác, khi đó cần đặc biệt lưu tâm tới bản thân hơn.
Trầm cảm sau sinh
Có nhiều nguyên nhân khiến cho phụ nữ dễ cảm thấy bị mệt mỏi sau khi sinh

Ngoài ra, mệt mỏi sau sinh cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý, chẳng hạn như:

  • Trầm cảm sau sinh: Theo các chuyên gia, phụ nữ xuất hiện cảm giác mệt mỏi cực độ 1 – 2 tuần khi em bé chào đời có thể tiến triển thành trầm cảm sau sinh trong vòng 4 tuần sau sinh với những biểu hiện đặc trưng như kiệt sức mất năng lượng, tâm trạng buồn bã, lo lắng, bồn chồn, bất an thường xuyên, mất hứng thú hầu như mọi thứ, dễ khóc, trí nhớ, khả năng tập trung giảm sút...
  • Cơ thể suy nhược sau sinh: Biểu hiện mệt mỏi trong suy nhược cơ thể sau sinh khác với mệt mỏi đơn thuần, chúng thường xuất hiện một cách triền miên, kéo dài dù bạn đã nghỉ ngơi cũng không cải thiện. Kèm theo đó là các triệu chứng khác như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau nhức mình mẩy, khó ngủ, hay quên, mất tập trung, dễ nổi cáu, tâm trạng thất thường, mất hứng thú với mọi việc...Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục sẽ khiến bạn không những bị tổn thương về sức khỏe mà còn về mặt tinh thần.
  • Thiếu máu sau sinh: Đây là bệnh lý mà rất nhiều chị em phải đối mặt trong quá trình mang thai và sinh nở. Ngoài dấu hiệu mệt mỏi bất thường, thiếu máu sau sinh có thể kèm theo một số biểu hiện khác như da xanh xao, nhợt nhạt, đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, nhức đầu, chóng mặt, móng tay giòn, da tóc khô gãy rụng, sức đề kháng kém dễ bị nhiễm khuẩn... Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do thiếu sắt khi mang bầu, mất máu sau sinh, chế độ dinh dưỡng kém...
  • Chứng huyết áp thấp sau sinh: Chỉ số huyết áp có thể giảm xuống thấp hơn 90/60 mmHg ở những người phụ nữ mắc chứng huyết áp thấp sau sinh, kèm theo đó là cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, tụt huyết áp thường xuyên, đau đầu, nhìn mờ, khó ngủ, chân tay lạnh, hay quên, đãng trí, mất tập trung... Những biểu hiện trên có thể xuất hiện sớm một vài tuần hoặc muộn vài tháng sau khi sinh, thậm chí một số trường hợp còn kéo dài trong suốt quá trình mang thai, sinh nở và nuôi con nhỏ, tùy thuộc vào từng thể trạng khác nhau.
  • Suy giáp: Tình trạng tuyến giáp hoạt động kém làm giảm nồng độ các hormon tuyến giáp trong máu khiến phụ nữ sau sinh cảm thấy mệt mỏi, quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng bị ảnh hưởng. Bên cạnh triệu chứng mệt mỏi, suy giáp có thể gây ra các triệu chứng khác như: Suy nghĩ, vận động chậm chạp, sợ lạnh, tăng cân, táo bón, rối loạn kinh nguyệt, chán ăn, tiêu hóa kém...Khoảng 5-7% phụ nữ sau sinh mắc tình trạng này và cần sớm được can thiệp y tế.
Mang thai khi bị suy giáp có nguy hiểm không?
Suy giáp làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể

2. Cách đối phó với tình trạng mệt mỏi sau sinh

Ưu tiên của bạn lúc này chính là tiết kiệm năng lượng cho bản thân. Điều đó có thể có nghĩa là bạn cần dành thời gian để bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn thay vì các công việc như dọn dẹp nhà cửa.

Dưới đây là một số cách giúp bạn nạp lại năng lượng cho bản thân:

  • Dành thời gian để nghỉ ngơi: Cố gắng đi ngủ vào ban đêm ngay sau khi em bé được ổn định. Tốt hơn hết, bạn hãy đi ngủ sớm và nhờ bạn đời thực hiện ca chăm sóc em bé buổi tối. Bạn cũng cần chợp mắt và nghỉ ngơi vào giờ nghỉ trưa. Nếu bạn đang cho con bú, hãy nằm nghiêng để chăm sóc em bé, điều này giúp có thể thư giãn trong những lần cho trẻ ăn.
  • Chia sẻ công việc với người thân: Để có nhiều thời gian để nghỉ ngơi bạn có thể chia sẻ các công như việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa hoặc chăm sóc em bé cho người thân trong gia đình.
  • Ăn uống đầy đủ: Chú ý lựa chọn những thực phẩm lành mạnh, cung cấp nhiều năng lượng, như những loại có nhiều carbohydrate và protein phức tạp. Đừng nên sử dụng quá nhiều caffeine và đồ ngọt. Hãy duy trì một chế độ ăn khoa học, đa dạng các nhóm chất, thay vì kiêng khem quá nhiều thứ hoặc lo lắng sớm về vấn đề cân nặng là sai lầm thường gặp của nhiều mẹ sau sinh. Cần tăng cường những thực phẩm bổ dưỡng như thịt bò, thịt lườn gà, trứng, sữa, cá biển, tôm, cua, đậu đỗ, ngũ cốc, đu đủ, bí đỏ, rau xanh đậm...
  • Uống nhiều nước: Phụ nữ sau sinh cần cung cấp đủ lượng chất lỏng cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước, ăn các món dạng lỏng như cháo, súp, canh... Nếu có thể hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất. Tiếp tục dùng vitamin ngay cả sau khi sinh, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú.
  • Tập thể dục: Bằng cách đưa bé ra ngoài đi dạo, trẻ được tiếp nhận không khí trong lành, còn bạn giải tỏa được nỗi mệt nhọc, căng thẳng. Vận động có thể giúp cả hai bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm. Thời gian đầu bạn nên thực hiện với quãng đường ngắn. Khi bạn lấy lại được năng lượng, bạn có thể dần dần tăng tốc độ.
đi bộ
Tập thể dục mỗi ngày để nạp lại năng lượng cho cả mẹ và bé

  • Thư giãn tinh thần: Một số động tác như yoga, thiền, đọc sách, nghe nhạc....sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn, chống lại áp lực, căng thẳng.

Đừng để những mệt mỏi sau sinh kéo dài và biến thành chứng trầm cảm sau sinh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Video đề xuất:

Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh là gì?

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan