Nhu cầu về nước ở trẻ theo từng độ tuổi như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.Huỳnh Bảo Toàn - Bác sĩ Nhi Sơ sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Nha Trang.

Nhu cầu nước của trẻ theo độ tuổi là khác nhau. Theo đó, nhu cầu này cũng khác nhau tùy vào cân nặng của trẻ hoặc tùy vào các điều kiện như thời tiết, hoạt động, tình trạng sức khỏe,... Vậy nhu cầu về nước ở trẻ là bao nhiêu?

1. Nhu cầu về nước và vai trò của nước đối với trẻ

Trung bình, trong cơ thể người, nước chiếm khoảng 60% - 70% trọng lượng cơ thể, ở trẻ em, tỉ lệ này cao hơn.

Trong cơ thể người, nước đóng vai trò rất quan trọng, cụ thể:

  • Cấu thành các tế bào và các mô
  • Hỗ trợ quá trình trao đổi chất
  • Điều tiết và cân bằng lượng dịch
  • Điều hòa thân nhiệt
  • Vận chuyển và đào thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể
  • Giúp máu lưu thông dễ dàng

Ở trẻ em cũng như người lớn, nhu cầu về nước mỗi ngày tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, tình trạng sức khỏe, hoạt động thể lực, ... Khi không đảm bảo nhu cầu nước (thiếu hoặc thừa nước) có thể dẫn đến một số vấn đề sau:

  • Thiếu nước: Làm tăng nồng độ các chất hòa tan trong dịch và máu; tích tụ các chất cặn bã trong cơ thể; cơ thể dễ bị tự nhiễm độc, yếu và dễ mắc bệnh táo bón.
  • Thừa nước: Thận và tim phải hoạt động nhiều hơn; mất các chất khoáng và vitamin do bị đào thải ra ngoài thông qua nước tiểu hoặc mồ hôi.
Nước trong cơ thể
Tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ em cao hơn ở người lớn

2. Cách tính nhu cầu nước của trẻ

Nhu cầu về nước của trẻ có thể được tính dựa vào cân nặng hoặc năng lượng mà trẻ nạp vào. Cụ thể

2.1 Cách tính nhu cầu nước của trẻ theo cân nặng

  • Trẻ từ 1 - 10kg: 100ml/kg cân nặng.
  • Trẻ từ 11 - 20kg: 1.000ml/10kg đầu + 50ml/kg/1kg cân nặng tăng thêm.
  • Trẻ từ 21kg trở lên: 1.500ml/20kg đầu + 20ml/1kg cân nặng tăng thêm.

2.2 Cách tính nhu cầu nước của trẻ theo năng lượng

  • Trẻ vị thành niên: 1,5ml/kcal.

3. Nhu cầu nước của trẻ em theo độ tuổi

Dưới đây là nhu cầu nước của trẻ cụ thể theo từng độ tuổi.

  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: Lưu ý, trẻ dưới 6 tháng tuổi không cần uống nước, sữa mẹ hoặc sữa công thức pha theo đúng chỉ dẫn đã cung cấp đủ nước cho trẻ. Không cho trẻ uống thêm nữa sau khi bú sữa mẹ hoặc sữa công thức vì có thể gây ngộ độc nước giai đoạn đầu với các triệu chứng như buồn ngủ, hạ thân nhiệt, phù mặt, ... Ngoài ra, thừa nước còn khiến trẻ tiểu nhiều và làm giảm nồng độ natri trong máu, ảnh hưởng đến não.
Sữa công thức pha xong để được bao lâu?
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức
  • Trẻ sơ sinh từ 6 - 12 tháng tuổi: Nhu cầu nước của trẻ dưới 12 tháng tuổi (trên 6 tháng tuổi) là từ 200 - 300ml/ngày. Trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức pha theo đúng chỉ dẫn vẫn cung cấp đủ nước cho trẻ, chỉ cần bổ sung cho trẻ lượng nước vừa phải, phù hợp với loại thức ăn khô hoặc đặc mà trẻ nạp vào. Có thể cho trẻ uống từ 15 - 30ml nước (tương đương 2 muỗng) sau mỗi lần ăn để giúp trẻ vệ sinh khoang miệng, đồng thời kích thích vị giác trong giai đoạn trẻ tập ăn dặm.
  • Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên: Lúc này, tùy vào nhu cầu của trẻ, hoặc dựa vào cách tính nhu cầu nước theo cân nặng để cho trẻ uống đủ nước. Trẻ trên 1 tuổi có thể tự cầm bình hoặc ly để uống. Cha mẹ có thể giúp trẻ hình thành thói quen uống nước để đảm bảo nhu cầu nước của cơ thể, tránh để quá khát mới uống sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động của nhiều cơ quan.

Đảm bảo nhu cầu về nước của trẻ theo từng độ tuổi bên cạnh cho trẻ uống nước cần theo dõi màu sắc nước tiểu mà trẻ thải ra. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc trắng trong là trẻ đã đủ nước, còn màu vàng đậm hơn là thiếu nước.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

69.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan