Trẻ 4 tháng tuổi biết làm những gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

4 tháng tuổi là thời điểm đánh dấu những thay đổi của trẻ về thể chất. Ở thời điểm này, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về khả năng và nhu cầu của con để bé phát triển toàn diện về thể chất và trí não.

1. Các số đo tiêu chuẩn của trẻ 4 tháng tuổi

Ở giai đoạn 4 tháng tuổi, trẻ có sự phát triển một cách nhanh chóng. Bé tăng cân khá nhanh nên bố mẹ cần cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho bé thông qua sữa mẹ. Vậy bé 4 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg là vừa? Chiều dài, vòng đầu của bé như thế nào? Các chỉ số tiêu chuẩn đối với trẻ 4 tháng tuổi là:

  • Chiều dài: Bé trai dài khoảng 59,7 – 69,6cm, trung bình là 64,6cm; bé gái dài 58,6 – 68,2cm, trung bình là 63,4cm;
  • Cân nặng: Bé trai nặng khoảng 5,9kg – 9,1kg, trung bình là 7,5kg; bé gái nặng khoảng 5,5 – 8,5kg, trung bình là 7kg;
  • Vòng đầu: Bé trai có vòng đầu là 39,7 – 44,5cm, trung bình 42,1cm; bé gái có vòng đầu là 38,8 – 43,6cm, trung bình 41,2cm;
  • Vòng ngực: Bé trai có số đo vòng ngực là 38,3 – 46,3cm, trung bình là 42,3cm; bé gái có số đo vòng ngực là 37,3 – 44,9cm, trung bình là 41,1cm;
  • Thóp: Thóp trước của bé vẫn chưa khép lại, thóp sau và đường khớp đã khép lại.

2. Trẻ 4 tháng biết làm gì?

2.1 Về mặt xã hội, cảm xúc

  • Biết cười có ý thức, đặc biệt là cười với người khác;
  • Biết bắt chước một vài chuyển động và biểu cảm gương mặt như cười, cau mày,...
  • Thích chơi với người khác, có thể khóc nếu ngừng chơi.

2.2 Về mặt ngôn ngữ và giao tiếp

  • Tiếng khóc tương đối dày, khỏe;
  • Bắt đầu bập bẹ học nói, phát âm theo cảm xúc, bắt chước âm thanh bé nghe thấy;
  • Biết cách dùng những tiếng cười khác nhau để thể hiện sự thích thú, hiếu kỳ đối với các vật xung quanh;
  • Khóc bằng nhiều kiểu khác nhau để thể hiện bé đói, mệt, đau,...
  • Biết dùng giọng điệu để biểu đạt sự không vui;
  • Có thể cười một cách tự phát khi nhìn thấy gương mặt quen thuộc và phát ra âm thanh nhiều;
  • Chú ý tới hình ảnh của mình khi soi gương, tự cười nói và bắt đầu điều chỉnh phản ứng với người khác;
  • Khi bú, bé đặt hai tay lên bầu vú mẹ hoặc bình sữa như một cách giao tiếp riêng.

2.3 Về khả năng nhận thức, học hỏi

  • Thể hiện cho cha mẹ biết khi bé buồn hoặc vui;
  • Phản ứng lại với những tác động bên ngoài như âm thanh, hình ảnh;
  • Với đồ vật bằng một tay;
  • Kết hợp tốt giữa tay và mắt, có thể nhìn đồ chơi và đưa tay ra với;
  • Mắt nhìn theo vật chuyển động từ bên này sang bên kia;
  • Đôi khi cho đồ vật vào miệng để khám phá;
  • Nhìn chăm chú gương mặt người khác;
  • Nhận ra người thân và đồ vật ở một khoảng cách nhất định.
Trẻ em
Trẻ 4 tháng tuổi tiếng khóc tương đối dày và khỏe

2.4 Về khả năng vận động, phát triển thể chất

Vận động thô

  • Khi nằm ngửa trên giường, hai tay của bé tự động khép lại, để trước ngực, hai tay nắm lấy nhau, đôi lúc còn biết đưa chân;
  • Khi nằm sấp, cánh tay bé sẽ đưa về phía trước, ngóc đầu lên nhìn người trước mặt hoặc đồ chơi một cách chắc chắn, không cần trợ giúp;
  • Khi nằm sấp, bé có khuynh hướng lật người bị động, lăn trở lại vị trí nằm ngửa một cách không tự chủ;
  • Khi đỡ lấy ngực, bụng của bé và giữ bé ở trạng thái lơ lửng thì phần đầu, chân và thân của bé có thể ngang bằng nhau;
  • Khi đỡ bé ngồi dậy, đầu của bé thường gập về trước; khi lắc lư thân hình bé, đầu bé thỉnh thoảng cũng lắc lư nhưng cơ bản đã ổn định;
  • Bé có thể dồn lực xuống chân khi được đặt đứng trên mặt phẳng cứng;

Vận động tinh

  • Có thể chủ động nắm lấy đồ chơi có tay cầm và lắc lư;
  • Đưa tay hoặc những vật bé thích vào miệng;
  • Tầm nhìn của bé có thể di chuyển từ vật đến tay và ngược lại;
  • Khi đắp chăn mỏng cho bé, hai tay của bé có thể kéo chăn;
  • Nếu có sự chống đỡ, bé có thể ngồi thẳng khoảng 10 – 15 phút và đầu đã ổn định, lưng đã chắc chắn.

2.5 Thời gian ngủ của bé

Ở tháng thứ 4, cả bé và cha mẹ đều sẽ có những đêm ngon giấc. Ở độ tuổi này, bé thường có thể ngủ liên tục 7 – 8 tiếng, thêm hai giấc ngủ ngắn trong ngày. Một em bé 4 tháng tuổi sẽ cần được ngủ khoảng 14 – 16 tiếng/ngày.

2.6 Sự phát triển giác quan của bé

Trong 3 tháng đầu, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt màu sắc tương phản. Vì vậy, trẻ sơ sinh thường thích màu sắc tươi sáng và các vật có màu trắng – đen. Tầm nhìn của bé đã rõ tới khoảng 20/40.

Em bé 4 tháng tuổi có thể nhận ra sự tương phản màu sắc tinh tế, có thể nhìn khắp phòng nhưng bé vẫn thích nhìn gần hơn. Đôi mắt của bé cũng di chuyển bình thường, có thể nhìn theo vật thể hoặc những người khác trong phòng.

2.7 Kỹ năng ăn của bé

Các bác sĩ thường khuyên phụ huynh không nên cho trẻ ăn thức ăn đặc cho đến khi được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nhiều bé phát triển nhanh, cân nặng lớn có thể không được cung cấp đủ dưỡng chất từ sữa mẹ, sữa công thức. Nếu bé sẵn sàng, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thức ăn dặm ở tháng thứ 4.

Trước khi cho bé ăn, phụ huynh cần giữ đầu và cổ của bé. Thức ăn đầu tiên của bé nên là ngũ cốc tăng cường chất sắt, được trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bột ngũ cốc cho bé nên làm loãng để bé quen với thức ăn. Em bé tuổi này vẫn có phản xạ dùng lực ở lưỡi đẩy mạnh khi đưa thìa vào miệng. Nếu bé đẩy trở ra khi đưa muỗng bột ngũ cốc vào miệng thì cha mẹ nên đợi thêm 1 – 2 tuần rồi mới cho bé ăn dặm.

Trẻ em
Trẻ 4 tháng tuổi có thể chủ động nắm lấy đồ chơi có tay cầm và lắc lư

3. Lưu ý khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi

3.1 Chú ý về giấc ngủ của bé

Giấc ngủ của trẻ 4 tháng tuổi đã bắt đầu ổn định, cha mẹ dần có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Ở độ tuổi này, trẻ có thể ngủ liên tục 7 – 8 tiếng vào ban đêm nên cha mẹ không nên quá lo lắng là trẻ sẽ đói, đánh thức con dậy để bú sữa. Bên cạnh đó, để giúp bé ngủ ngon hơn, mẹ có thể hát cho bé nghe, bật đèn mờ trong phòng để bé bớt sợ. Nếu bé giật mình tỉnh dậy giữa đêm, cha mẹ nên cố gắng dỗ cho bé sớm ngủ lại.

3.2 Ngăn ngừa hăm tã cho trẻ

Cha mẹ có thể ngăn ngừa hăm tã cho bé bằng cách thay tã thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm. Sau mỗi lần thay tã, mẹ cần vệ sinh, lau rửa sạch sẽ cho con. Dùng khăn mềm để lau sẽ tránh gây xây xước làn da nhạy cảm của bé. Khi quấn tã cho trẻ, cha mẹ cần chú ý để tã hơi lỏng, sử dụng tã thông khí tốt để ngăn ngừa hăm tã.

3.3 Chú ý khi trẻ chuẩn bị mọc răng

Ở giai đoạn 4 tháng tuổi, nhiều trẻ sắp mọc răng, bắt đầu chảy dãi. Lúc này, có thể trẻ sẽ cho tất cả các đồ vật xung quanh vào miệng. Do đó, cha mẹ cần cẩn thận khi cho con chơi với các đồ vật nhỏ, tránh trường hợp bé cho vào miệng gây nghẹn, nghẹt thở,...

3.4 Làm gì để giúp bé phát triển tốt?

  • Ôm và nói chuyện với bé, cười nhiều và luôn vui vẻ;
  • Lập thời gian biểu chặt chẽ cho việc ăn, ngủ của bé;
  • Lưu tâm tới những điều bé thích và không thích để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bé;
  • Bắt chước âm thanh của trẻ;
  • Tỏ ra hào hứng, cười với bé khi bé phát ra âm thanh để khuyến khích bé nói chuyện;
  • Dành thời gian đọc sách và hát cho bé nghe;
  • Cho bé chơi những đồ chơi hợp với lứa tuổi như tranh ảnh màu, xúc xắc, đồ treo nôi,...
  • Chơi các trò chơi như ú òa;
  • Tạo không gian an toàn cho bé để bé khám phá xung quanh;
  • Đặt đồ chơi gần bé, dạy bé nắm lấy;
  • Giữ bé đứng thẳng trên mặt sàn, hát hoặc nói chuyện với bé.

3.5 Trao đổi với bác sĩ nếu bé có một số biểu hiện bất thường

  • Không nhìn theo đồ vật khi chuyển động;
  • Không cười với người khác;
  • Không phát ra âm thanh;
  • Không nhấc đầu lên một cách chắc chắn;
  • Không cho tay vào miệng;
  • Không dồn lực xuống chân khi đặt bé đứng trên mặt phẳng cứng;
  • Có vấn đề trong chuyển động một hoặc hai mắt theo các hướng.

Khi được 4 tháng tuổi, trẻ đã có nhiều kỹ năng và muốn khám phá xung quanh, học thêm những kỹ năng mới. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý tới việc tạo môi trường tốt nhất cho bé để bé phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Bác sĩ Lê Thanh Cẩm đã có kinh nghiệm 15 năm trong chẩn đoán & điều trị các bệnh lý Nhi khoa; từng có thời gian công tác tại khoa Nhi - Bệnh viện Đà Nẵng và Trung tâm Phụ Sản Nhi Đà Nẵng. Thế mạnh của bác là chẩn đoán và điều trị bệnh lý nhi; hồi sức, cấp cứu nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

406.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan