Trẻ đi ngoài có mùi chua, có phải bị nhiễm khuẩn đường ruột?

Màu sắc và mùi phân của trẻ em là một trong những dấu hiệu giúp phản ánh tình trạng sức khỏe và tăng trưởng của bé. Trường hợp trẻ đi ngoài có mùi chua có thể là triệu chứng sức khỏe bình thường hoặc triệu chứng của nhiều bệnh lý cần được các bậc cha mẹ lưu ý. Cùng tìm hiểu về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi ngoài có mùi chua ở trẻ em qua bài viết dưới đây.

1. Triệu chứng trẻ đi ngoài có mùi chua

Đối với trẻ sơ sinh, tình trạng phân có mùi chua, dạng sền sệt lỏng là thường gặp. Nếu phân trẻ chỉ có mùi chua nhẹ và không kèm theo bất cứ triệu chứng nào bất thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Bởi nguyên nhân có thể là do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu và chưa hấp thu hết các chất dinh dưỡng, khiến cho phân có mùi chua.

Tuy nhiên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác trong trường hợp trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy, kết hợp với các triệu chứng như sau:

  • Trẻ đi ngoài phân lỏng trong thời gian khoảng 24 giờ;
  • Trẻ đi ngoài nhiều với tần suất lớn, trong phân có lẫn máu;
  • Đi ngoài kèm sốt, nôn mửa, đau bụng, xanh xao, mệt mỏi và quấy khóc...
Trẻ đi ngoài có mùi chua
Trẻ đi ngoài có mùi chua là tình trạng thường gặp ở lứa tuổi sơ sinh

2. Nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài có mùi chua

Trẻ đi ngoài có mùi chua có thể do các nguyên nhân sau đây:

2.1. Trẻ không hấp thu hết chất dinh dưỡng

Cơ thể trẻ không hấp thu hết các chất dinh dưỡng được cung cấp, làm cho lượng đường và dinh dưỡng dư thừa gây kích ứng dạ dày, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Nguyên nhân làm cho bé hấp thu kém các chất dinh dưỡng là do hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện, hoặc do cơ thể trẻ không đủ enzym phân giải đường lactose từ sữa mẹ hay sữa công thức.

Một số bệnh lý như nhiễm khuẩn đường ruột sơ sinh, nhiễm ký sinh trùng, rối loạn tiêu hóa... cũng là nguyên nhân làm cho trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua.

2.2. Trẻ bị mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột

Hệ vi sinh vật trong đường ruột còn được gọi là lợi khuẩn, giúp ổn định hệ tiêu hóa của cơ thể. Đối với những trẻ được sinh thường, trong quá trình di chuyển qua âm đạo của mẹ để chào đời, bé được nhận một lượng lợi khuẩn giúp hoàn thiện hệ vi sinh vật đường ruột một cách nhanh chóng. Ngược lại đối với những trẻ sinh mổ không có cơ hội tiếp xúc với lợi khuẩn của mẹ, vì vậy hệ vi sinh vật đường ruột dễ bị mất cân bằng, tạo điều trị cho các vi sinh vật có hại phát triển và khiến phân trẻ sơ sinh có mùi chua.

Ngoài ra, trẻ điều trị bệnh bằng kháng sinh cũng làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, từ đó dẫn đến tình trạng đi ngoài phân chua, nhầy.

2.3. Bệnh Crohn

Crohn là bệnh lý viêm ruột mãn tính đặc thù ở trẻ em, gây viêm nhiễm và kích thích tại bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa. Bệnh lý làm ngăn cản quá trình hấp thu dinh dưỡng, từ đó dẫn đến tình trạng trẻ đi ngoài có mùi chua, kết hợp với các triệu chứng như sau:

  • Trẻ đi ngoài phân lỏng với tần suất lớn, phân có thể lẫn máu;
  • Trẻ bị đau bụng, khó chịu và quấy khóc thường xuyên;
  • Trẻ lừ đừ, mệt mỏi, bỏ bú, sốt và nôn ói.

Bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hấp thu dinh dưỡng của trẻ, làm trẻ chậm tăng cân, suy dinh dưỡng và nghiêm trọng hơn là làm bé chậm đạt được các dấu mốc phát triển quan trọng.

2.4. Bệnh xơ nang

Xơ nang là bệnh lý do di truyền, gây tắc nghẽn phổi và đường tiêu hóa, từ đó làm cho chất nhầy và dịch tiêu hóa trở nên dính và đặc. Đối với trẻ sơ sinh mắc bệnh xơ nang, dịch tiêu hóa dính đặc làm cản trở sự di chuyển của các enzym tuyến tụy đến ruột non để phân hủy và hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, từ đó dẫn đến các triệu chứng về tiêu hóa, trong đó có tình trạng trẻ đi ngoài có mùi chua.

Bệnh xơ nang
Bệnh xơ nang có thể là một trong các nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài có mùi chua

3. Làm gì khi trẻ đi ngoài có mùi chua?

Trường hợp trẻ đi ngoài phân có mùi chua, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý và quan sát thêm các dấu hiệu khác của bé. Nếu bé xuất hiện thêm bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm nhất để được chẩn đoán, điều trị phù hợp.

Một số lưu ý giúp cha mẹ hạn chế và khắc phục tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng như sau:

  • Nếu bé bú mẹ hoàn toàn, mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng của bản thân như ăn nhiều rau xanh, sữa chua, trái cây, thức ăn giàu đạm (cá, thịt)... Bên cạnh đó, mẹ cũng cần hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, giảm lượng tinh bột và đường trong khẩu phần ăn hàng ngày;
  • Nếu bé có bú sữa công thức ở ngoài có thể gây ra tình trạng phân có mùi chua trong 2 – 3 ngày đầu dùng sữa do chưa quen với các thành phần trong sữa. Trường hợp tình trạng trên không được cải thiện, mẹ cần cân nhắc đổi loại sữa khác cho bé;
  • Mẹ cần lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ trong sinh hoạt, ăn uống cho cả mẹ và bé nhằm hạn chế các nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa;
  • Trường hợp phân bé có mùi chua là do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung lợi khuẩn cho bé.

Để an toàn cho sức khỏe của bé, khi con gặp tình trạng đi ngoài phân chua mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra nhằm có những tư vấn phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

171.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan