Trẻ sơ sinh ngủ giấc dài quá có nên đánh thức cho bú?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác đã có trên 10 năm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa và có thế mạnh trong việc khám, chẩn đoán, điều trị bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, dinh dưỡng trẻ em.

Giấc ngủ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tăng trưởng thể chất và phát triển trí tuệ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ em thường có giấc ngủ dài hơn người lớn, đặc biệt trong những tháng đầu đời. Vậy trẻ sơ sinh ngủ nhiều có nên đánh thức để cho bú không? Đây là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ quan tâm.

1. Nhu cầu ngủ của trẻ sơ sinh

Tổng thời gian ngủ trung bình của một trẻ sơ sinh là khoảng 16 - 20 giờ/ngày, và thời gian này sẽ dần ngắn lại khi trẻ lớn lên. Giấc ngủ ở trẻ cũng như ở người lớn, gồm có 2 loại:

  • Giấc ngủ nhanh (giấc ngủ nông): khoảng một nửa thời gian ngủ của trẻ sơ sinh là ngủ nông, mắt trẻ cử động nhanh theo chiều trước - sau;
  • Giấc ngủ chậm (giấc ngủ sâu): trẻ không cử động mắt. Trẻ ngủ sâu khoảng 8 tiếng/ngày, gồm 4 giai đoạn:
    • Giai đoạn 1: buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, mí mắt trẻ sụp xuống hoặc chớp liên tục;
    • Giai đoạn 2: ngủ lơ mơ, trẻ vẫn có thể cử động, vặn mình, giật mình.
    • Giai đoạn 3: ngủ sâu, không cử động, im lặng;
    • Giai đoạn 4: ngủ rất sâu, không cử động, im lặng.

Khoảng một nửa thời gian ngủ của trẻ (8 tiếng) là vào ban ngày, thời gian còn lại trẻ ngủ vào ban đêm. Không có một công thức giấc ngủ nào để đánh giá chính xác nhu cầu ngủ của trẻ. Thông thường, trẻ sơ sinh có thể ngủ 4 tiếng liền, nhưng đôi khi trẻ có thể ngủ liên tục 10 giờ đồng hồ, hoặc số khác lại chỉ ngủ trong 2 giờ. Để xác định liệu trẻ có ngủ đủ hay không, quan trọng là phải dựa vào sự phát triển của trẻ; việc theo dõi giấc ngủ và cân nặng của trẻ lúc này là hết sức cần thiết.

2. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có sao không?

Phụ huynh không nên quá lo lắng về việc trẻ ngủ quá nhiều nếu như giấc ngủ không ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ. Một giấc ngủ sâu có thể đem lại những lợi ích sau:

  • Tăng trưởng chiều cao, phát triển trí tuệ: Trong quá trình ngủ, não bộ của trẻ sẽ tiết ra hormone tăng trưởng - một loại hormone giúp trẻ phát triển chiều cao cũng như tăng trưởng toàn diện;
  • Giúp trẻ thư giãn, thoải mái, và không quấy khóc khi trẻ thức giấc: Cũng như ở người lớn, giấc ngủ ở trẻ có thể giúp cho cơ thể thoải mái, thư giãn;
  • Tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể để có thể phát triển khỏe mạnh.
Trẻ sơ sinh ngủ giấc dài quá có nên đánh thức cho bú?
Trẻ sơ sinh ngủ giúp bé tăng trưởng chiều cao, phát triển trí tuệ

3. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có nên đánh thức?

Trẻ sơ sinh có dạ dày nhỏ nên mỗi lần bú chỉ khoảng 90ml sữa, trong khi nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ lên đến 600ml để đảm bảo cho các hoạt động sinh lý cơ bản, vì vậy trẻ rất mau đói. Đó chính là lý do mà trẻ thường tự thức dậy sau khi ngủ 2 - 3 tiếng để đòi bú mà không cần phải đánh thức. Nhưng cũng có trường hợp trẻ sơ sinh ngủ 4 tiếng liền không dậy, vậy trong trường hợp này có nên đánh thức trẻ không?

Đối với trẻ có giấc ngủ dài nhưng vẫn phát triển tốt, lên cân hợp lý thì có thể tiếp tục cho trẻ bú theo nhu cầu, tuy nhiên cũng không nên để bé ngủ quá lâu mà không cho bú. Đặc biệt, đối với trẻ nhẹ cân, non tháng thì việc đánh thức trẻ dậy để bú càng cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Trẻ cần được cho bú mỗi 2 - 4 tiếng/lần, điều này có thể giúp trẻ dần hình thành chế độ dinh dưỡng điều độ và hợp lý.

4. Cách đánh thức bé dậy để cho bú

4.1. Chạm vào bé

Đây là cách đơn giản để có thể đánh thức trẻ. Mẹ có thể chạm nhẹ vào cánh tay hoặc má trẻ, hoặc cũng có thể lau nhẹ nhàng má trẻ bằng khăn ướt.

4.2. Bỏ quấn khăn

Nếu trẻ được quấn khăn để có giấc ngủ ngon thì khi bỏ khăn quấn, trẻ có thể tỉnh giấc. Việc cởi bỏ bỉm trên người trẻ cũng có thể giúp đánh thức trẻ.

4.3. Nghe nhạc, bật đèn

Mở nhạc nhẹ nhàng cũng là một cách khác để đánh thức trẻ. Có thể kết hợp mở nhạc với bật đèn cường độ sáng vừa phải để trẻ từ từ thức dậy. Không dùng ánh sáng quá mạnh hoặc nhạc quá lớn.

4.3. Cho trẻ bú mẹ

Mẹ có thể đánh thức trẻ bằng việc bế trẻ ra khỏi nôi và đặt trẻ ở tư thế thoải mái để bú. Trẻ có thể mở miệng và bú theo bản năng, và đó cũng là dấu hiệu trẻ bắt đầu thức giấc.

5. Một số lưu ý đối với giấc ngủ của trẻ

Giấc ngủ có vai trò rất quan trọng đối với trẻ sơ sinh, vì vậy khi trẻ ngủ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên cho trẻ nằm ngửa khi ngủ, không nên cho bé nằm sấp;
  • Không quấn quá nhiều khăn, chăn khi trẻ ngủ; không trùm kín phần đầu vì có thể gây ngạt thở. Các vật dụng trên giường như chăn, gối, ... cần sắp xếp gọn gàng;
Trẻ sơ sinh ngủ giấc dài quá có nên đánh thức cho bú?
Quấn chăn nhẹ nhàng cho bé khi ngủ

  • Phòng ngủ của trẻ phải sạch sẽ, thoáng mát, tránh xa khói bếp, khói thuốc lá hay những nơi nhiều khói bụi độc hại khác;
  • Không nên để trẻ ngủ quá lâu mà không đánh thức trẻ cho bú.

Tóm lại, giấc ngủ dài ở trẻ sơ sinh đem lại những lợi ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên để đảm bảo cho nhu cầu dinh dưỡng, trẻ sơ sinh nên được đánh thức để cho bú khi trẻ ngủ quá nhiều.

Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

559.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan