Viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nhiều loại virus và vi khuẩn có thể gây ra viêm họng mủ ở trẻ nhỏ. Trong đó, Streptococcus pyogenes, còn được gọi là Streptococcus nhóm A hoặc liên cầu nhóm A, gây ra viêm họng cấp tính được gọi là viêm họng liên cầu.

1. Viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn

Viêm họng cấp tính là một trong những lý do đến khám phổ biến nhất mà bác sĩ gặp phải trong môi trường chăm sóc cấp cứu hay phòng khám. Thông thường, tỷ lệ mắc bệnh đạt đỉnh điểm là ở thời thơ ấu và thanh thiếu niên, chiếm gần 50% tổng số lần khám hàng năm. Mặc dù tỷ lệ thường gặp khá cao, có một số lượng lớn các trường hợp bị viêm họng nói riêng và nhiễm khuẩn hô hấp nói chung có tác nhân là do virus và tự giới hạn. Tuy nhiên, liên cầu nhóm A hay Streptococcus nhóm A là căn nguyên do vi khuẩn phổ biến nhất đối với viêm họng cấp tính, chiếm 5% đến 15% tổng số ca người lớn và lên đến 20% đến 30% tổng số ca bệnh nhi.

Streptococcus pyogenes, còn được gọi là Liên cầu nhóm A là một loại cầu khuẩn gram dương rất dễ phát triển trong môi trường nuôi cấy, mọc thành chuỗi. Đây là tác nhân vi khuẩn gây viêm họng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên với tỷ lệ mắc cao nhất vào mùa đông và đầu mùa xuân. Hơn nữa, viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn cũng phổ biến hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học hoặc ở những người có quan hệ trực tiếp với trẻ em trong độ tuổi này.

Liên cầu khuẩn nhóm A
Liên cầu khuẩn nhóm A là tác nhân gây viêm họng phổ biến nhất ở trẻ

2. Cách chẩn đoán viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn như thế nào?

Triệu chứng thường gặp của viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn là trẻ than phiền về đau cổ họng, đau tăng khi nuốt khiến cho trẻ ăn kém, bỏ ăn; quan sát thấy họng có màu đỏ và amidan sưng, đôi khi xuất hiện các đốm trắng hay vết mủ trên bề mặt họng. Ngoài ra, trẻ có thể sốt kèm theo sưng đau các hạch ở vùng cổ, nhức đầu, mệt mỏi và phát ban trên da.

Tuy nhiên, các dấu hiệu trên không phải là đặc hiệu cho viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn. Thực vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ riêng tiền sử và khám sức khỏe thông thường là không giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác viêm họng do tác nhân liên cầu khuẩn mà có thể nhầm lẫn với các tác nhân khác. Dù vậy, nếu trẻ có tiền sử bao gồm đau họng, đột ngột sốt, không ho và đã có tiếp xúc với người bị viêm họng do liên cầu khuẩn trong vòng 2 tuần trước đó có thể gợi ý đến viêm họng do tác nhân này tăng cao hơn. Đồng thời, các hình ảnh khi soi hầu họng như phù nề, giả mạc hay chấm xuất huyết cũng là các gợi ý có giá trị.

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn có thể bao gồm nuôi cấy vi khuẩn lấy từ mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh trong máu như một biện pháp đầu tiên để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán viêm họng do liên cầu khuẩn.

3. Làm cách nào để điều trị viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn?

Các mục tiêu chính của việc điều trị viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn bao gồm rút giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của trẻ, ngăn ngừa các biến chứng cấp tính và biến chứng muộn cũng như ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sang người khác.

Nên cho trẻ bị ho lâu ngày đi khám nếu bé có nhiều triệu chứng khó chịu
Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi thấy có dấu hiệu của bệnh

Trẻ bị viêm họng mủ do liên cầu khuẩn nên được điều trị bằng penicillin hoặc amoxicillin vì tính hiệu quả cơ bản và ít tác dụng phụ. Penicillin có thể được kê đơn 250mg x 2 lần hoặc 3 lần mỗi ngày ở các bệnh nhi. Nếu trẻ có triệu chứng mức độ nặng và cần nhập viện để theo dõi nội trú, bác sĩ có thể chỉ định thuốc đường tiêm bắp để đạt sinh khả dụng cao và nhanh hơn với benzathine penicillin G dùng liều một lần là 600.000 đơn vị nếu trẻ dưới 27kg và 1,2 triệu đơn vị nếu trẻ hơn hoặc bằng 27 kg. Nếu amoxicillin được chọn, liều dùng thuốc là 50 mg/kg, một lần mỗi ngày với tối đa 1000 mg mỗi liều hoặc 25 mg/kg hai lần một ngày với tối đa 500 mg mỗi liều. Dù là dùng thuốc đường uống hay tiêm penicillin hoặc amoxicillin, thời gian điều trị nên cần đủ tổng cộng 10 ngày.

Trong trường hợp trẻ từng có tiền sử hay gặp phải dị ứng với penicillin, thuốc được chọn thay thế là clindamycin (7 mg/kg/liều, 3 lần mỗi ngày; tối đa = 300 mg/liều trong thời hạn 10 ngày), clarithromycin (7,5 mg/kg/liều, hai lần mỗi ngày và tối đa 250mg/liều trong thời gian 10 ngày) hoặc azithromycin (12 mg/kg một lần mỗi ngày, tối đa 500mg/liều trong thời gian 5 ngày). Ngoài ra, một kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ thứ nhất (cephalexin 20 mg/kg/liều, hai lần mỗi ngày, tối đa 500mg/liều trong thời gian 10 ngày) cũng có thể được sử dụng cho những bệnh nhân không có phản ứng phản vệ với penicilin.

Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh, các liệu pháp bổ trợ cho trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn cần là giảm đau cho trẻ với acetaminophen hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) cũng như là để hạ sốt. Đối với việc điều trị bổ trợ thường quy bằng corticosteroid cho trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn là không được khuyến cáo.

Sau khi điều trị bằng kháng sinh, các triệu chứng của trẻ có thể nhanh chóng thuyên giảm trong vòng một đến 3 ngày và trẻ đã có thể trở lại đi học, vui chơi chạy nhảy sau 24 giờ điều trị. Lúc này, các phác đồ kháng sinh tiếp tục nhằm mục đích dự phòng tái phát là không được khuyến khích sau một đợt điều trị trừ khi trẻ có tiền sử sốt thấp khớp cấp tính hoặc một biến chứng do liên cầu khuẩn khác. Tương tự như vậy, dự phòng sau phơi nhiễm cũng không được khuyến cáo trừ khi trẻ đã từng có tiền sử sốt thấp khớp cấp mà cần chú trọng vào các biện pháp dự phòng.

Tự mua thuốc kháng sinh uống sau khi hút thai
Sử dụng thuốc để điều trị viêm họng mủ do liên cầu khuẩn ở trẻ

4. Mối nguy hiểm của viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn

Viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn có thể có các biểu hiện ban đầu không quá nổi bật và không đặc hiệu. Tuy nhiên, ngay khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, việc đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám luôn là điều cần thiết. Lúc này, trẻ sẽ được chẩn đoán và điều trị sớm, phòng tránh diễn tiến nặng nề hơn hay những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Các biến chứng có thể gặp trong bệnh lý viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn bao gồm viêm mô tế bào hoặc áp xe amidan, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng hoại tử, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp xe não và viêm tắc tĩnh mạch nhiễm khuẩn tĩnh mạch thừng tinh. Bên cạnh đó, các biến chứng không thể chữa khỏi của viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ là sốt thấp khớp cấp, viêm khớp phản ứng sau liên cầu, sốt ban đỏ, hội chứng sốc nhiễm độc do liên cầu, viêm cầu thận cấp và rối loạn tâm thần kinh tự miễn ở trẻ em liên quan đến liên cầu nhóm A.

5. Cách phòng ngừa viêm họng mủ ở trẻ do liên cầu khuẩn như thế nào?

Vệ sinh tay tốt và các thói quen hô hấp đúng cách có thể giúp làm giảm sự lây lan của tất cả các loại nhiễm trùng do liên cầu nhóm A. Trong đó, vệ sinh tay có vai trò đặc biệt quan trọng sau khi ho và hắt hơi và trước khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống. Đối với thói quen hô hấp đúng cách bao gồm che miệng khi ho hoặc hắt hơi, trẻ cần được hướng dẫn và luyện tập từ lúc nhỏ.

Lưu ý khi rửa tay sát khuẩn cho bé
Rửa tay sạch sẽ là biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ bị lây bệnh

Ngoài ra, việc điều trị trẻ bị viêm họng mủ do liên cầu khuẩn hay các nhiễm khuẩn hô hấp khác bằng thuốc kháng sinh trong 24 giờ hoặc lâu hơn mới có thể loại bỏ khả năng truyền vi khuẩn ra môi trường xung quanh. Vì vậy, những trẻ bị viêm họng do liên cầu nhóm A nên ở nhà cho đến khi trẻ hết sốt và ít nhất 24 giờ sau khi đã được bắt đầu liệu pháp kháng sinh thích hợp.

Tóm lại, nhiễm khuẩn hô hấp với bệnh lý viêm họng mủ do liên cầu khuẩn ở trẻ là một bệnh nhiễm trùng khá phổ biến trong độ tuổi này. Điều trị tích cực với kháng sinh ngay từ đầu cần được thực hiện khi trẻ có các biểu hiện nghi ngờ không chỉ giúp giảm thiểu mức độ của triệu chứng, giảm khả năng lây lan cũng như phòng tránh được các biến chứng về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cdc.gov, ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

752 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan