Những điều cần biết về liệu pháp estrogen

Trong thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen tự nhiên trong cơ thể bị suy giảm mạnh, gây ra các tình trạng nghiêm trọng như rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai, khô âm đạo, suy giảm hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Liệu pháp estrogen được coi là một giải pháp hữu hiệu để điều trị các triệu chứng này.

1. Liệu pháp estrogen là gì?

Liệu pháp estrogen

Các bác sĩ thường đề nghị một liều estrogen thấp cho những phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Estrogen có nhiều dạng khác nhau chẳng hạn như vòng âm đạo, gel, thuốc xịt, thuốc viên hoặc miếng dán, trong đó dạng thuốc viên và miếng dán hàng ngày là phổ biến nhất.

  • Thuốc estrogen: Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho các triệu chứng mãn kinh. Một số dạng thuốc có sẵn bao gồm estrogen liên hợp (Cenestin, Estrace, Estratab, Femtrace, Ogen và Premarin) hoặc estrogen-bazedoxifene (Duavee). Bạn nên tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ khi sử dụng thuốc để tránh gây ra các phản ứng phụ không mong muốn. Hầu hết các loại thuốc estrogen được uống mỗi ngày một lần. Một số có lịch trình dùng thuốc phức tạp hơn.
Thuốc estrogen
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc

  • Miếng dán estrogen: Miếng dán được dán trên vùng da bụng của bạn. Tùy thuộc vào liều lượng, một số miếng dán được thay thế cứ sau vài ngày, trong khi một số khác có thể được đeo trong một tuần, ví dụ như Alora, Climara, Estraderm và Vivelle-Dot. Menostar có liều estrogen thấp hơn các miếng dán khác và nó chỉ được sử dụng để giảm nguy cơ loãng xương. Nó không có tác dụng điều trị các triệu chứng mãn kinh khác.
  • Estrogen tại chỗ: Liệu pháp estrogen tại chỗ sử dụng các dạng bao gồm dạng kem, gel và thuốc xịt. Ví dụ dạng gel (như Estroge và Divigell), kem (như Estrasorb) và thuốc xịt (như Evamist). Cũng như miếng dán, loại điều trị estrogen này được hấp thụ qua da trực tiếp đi vào máu và dùng mỗi ngày một lần. Estrogel được áp dụng trên các vùng như cánh tay, từ cổ tay đến vai. Estrasorb được áp dụng cho chân. Evamist được áp dụng cho cánh tay.
  • Estrogen âm đạo: Estrogen âm đạo có dạng kem, vòng âm đạo hoặc viên estrogen âm đạo. Nói chung, các phương pháp điều trị này dành cho những phụ nữ gặp rắc rối về âm đạo, đặc biệt là khô âm đạo, ngứa, rát hoặc đau khi giao hợp. Cụ thể là: viên nén âm đạo (Vagifem), kem (Estrace hoặc Premarin) và vòng âm đạo (Eopes hoặc Femring).

Lịch trình liều lượng sử dụng liệu pháp này là khác nhau và tùy thuộc vào từng sản phẩm. Hầu hết các vòng âm đạo cần phải được thay thế ba tháng một lần. Viên nén âm đạo thường được sử dụng hàng ngày trong một vài tuần; sau đó, bạn có thể giảm liều xuống khoảng hai lần một tuần. Dạng kem có thể được sử dụng hàng ngày, vài lần một tuần, hoặc theo một lịch trình nhất định.

Liệu pháp hormon estrogen/Progesterone/Progestin

Liệu pháp kết hợp estrogen và protesterone
Liệu pháp estrogen kết hợp với progesterone giúp làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, niêm mạc tử cung

Liệu pháp hormon estrogen/progesterone/progestin còn được gọi là liệu pháp kết hợp, vì nó kết hợp liều estrogen và progestin lại với nhau- một dạng tổng hợp của progesterone. Liệu pháp kết hợp này thường dành cho những phụ nữ chưa thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Uống estrogen kết hợp với progesterone giúp làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, niêm mạc tử cung.

Ngoài ra, liệu pháp này cũng được sử dụng như một hình thức kiểm soát sinh sản hiệu quả. Progesterone có thể giúp điều trị nhiều triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khó ngủ,...

  • Progestin đường uống: Được sử dụng dưới dạng thuốc viên, thuốc progestin bao gồm medroxyprogesterone acetate (Provera) và thuốc progestin tổng hợp (norethindrone, norgestrel). Nhiều chuyên gia hiện đang điều trị cho phần lớn bệnh nhân mãn kinh của họ bằng progesterone tự nhiên thay vì progestin tổng hợp. Progesterone tự nhiên không có tác dụng tiêu cực đối với lipid và là lựa chọn tốt cho phụ nữ có mức cholesterol cao.
  • Progestin trong tử cung: Đây là phương pháp sử dụng các dụng cụ tránh thai (IUD) khi bạn bước vào thời kỳ mãn kinh. Bác sĩ thường khuyến cáo bạn nên đặt các vòng tránh thai này cho tới khi mãn kinh kết thúc.

2. Tại sao nên sử dụng liệu pháp estrogen?

Bước sang độ tuổi mãn kinh, lượng estrogen ngày càng giảm nhiều, gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng estrogen, chính vì vậy cơ thể đòi hỏi phải được bổ sung estrogen thay thế để giảm thiểu và ngăn chặn những rối loạn do thiếu estrogen.

Liệu pháp estrogen giúp làm giảm các triệu chứng vận mạch, ngoài da, teo ở hệ niệu dục và rất tốt cho hệ thống xương. Nó còn làm giảm hiện tượng xốp và tiêu xương, tránh xảy ra gãy xương.

Thêm vào đó, nó cũng có lợi cho hệ tim mạch, hạn chế bệnh tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu. Ngoài ra, việc bổ sung estrogen còn có nhiều lợi ích tích cực khác chẳng hạn như tăng tưới máu não, tăng ham muốn tình dục, tăng cường trí nhớ và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Liệu pháp estrogen thường được chỉ định cho các bệnh lý sau: Sau khi cắt buồng trứng, rối loạn tiền mãn kinh và mãn kinh, dậy thì muộn, điều trị rối loạn kinh nguyệt, điều trị bệnh nam hóa (phụ nữ mọc râu, trứng cá), điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Mãn kinh
Liệu pháp estrogen có chức năng lớn đối với phụ nữ tuổi mãn kinh

3. Nguyên tắc sử dụng liệu pháp estrogen

Bạn nên hiểu rõ ràng, mục đích sử dụng liệu pháp estrogen chỉ nhằm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống chứ không có tác dụng “cải lão hoàn đồng. Nghĩa là, dùng estrogen không thể làm cho cơ thể trẻ lại như hồi thanh xuân. Tùy vào từng đối tượng sử dụng khác nhau mà hiệu quả điều trị cũng khác nhau, liệu pháp này phải kiên trì sử dụng trong thời gian dài chứ không có tác dụng thần kỳ trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Bạn nên dùng liệu pháp estrogen liên tục và có thể kết hợp với progesteron ít nhất là 10 ngày/tháng (trung bình từ 10-14 ngày). Bạn nên bắt đầu sử dụng sớm ngay ở thời kỳ chuyển tiếp sang mãn kinh.

Nên lưu ý rằng, không sử dụng liệu pháp estrogen đại trà cho phụ nữ mãn kinh mà chỉ áp dụng cho những trường hợp có các triệu chứng khó chịu nặng và không thể tự vượt qua được. Ðặc biệt khi sử dụng estrogen, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ xem có cần thiết phải điều trị estrogen thay thế không? Nếu có yêu cầu điều trị thì phải được khám lâm sàng cẩn thận, ngoại trừ những người có nguy cơ cao về ung thư và các chống chỉ định sử dụng estrogen. Bạn cũng nên thường xuyên theo dõi cẩn thận và chặt chẽ thông qua việc khám lâm sàng định kỳ hoặc làm các xét nghiệm.

Những trường hợp không được sử dụng liệu pháp estrogen, bao gồm:

  • Người trong gia đình có bà, mẹ, chị hoặc em bị ung thư cổ tử cung, ung thư vú.
  • Những người ra huyết âm đạo không rõ nguyên nhân
  • Người có khối u tử cung, cổ tử cung, buồng trứng
  • Mắc các bệnh về gan mật
  • Đang mang thai
  • Có khối u lành tính hoặc ác tính ở vú
  • Bị lạc nội mạc tử cung
  • Người mắc bệnh tim mạch
  • Tai biến mạch máu não
  • Bị tiểu đường, huyết áp cao
  • Bệnh Lupus ban đỏ

4. Nguy cơ khi sử dụng liệu pháp estrogen

Phụ nữ nên khám định kỳ bệnh gì
Trao đổi với bác sĩ về liệu pháp estrogen nhằm tránh các rủi ro không đáng có

Liệu pháp estrogen là một con dao hai lưỡi, bên cạnh những mặt lợi cũng kèm theo nhiều tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh. Nếu bạn sử dụng không tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ và dùng trong một khoảng thời gian dài có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như:

  • Làm quá sản nội mạc tử cung
  • Gây nguy cơ ung thư nội tử cung
  • Các bệnh về vú như đau, cương và ung thư vú
  • Làm tăng huyết áp
  • Tăng các bệnh huyết khối
  • Gia tăng tình trạng nám, sạm da

Mặc dù estrogen có tác dụng tái tạo xương và phòng ngừa bệnh loãng xương trong thời kỳ mãn kinh, tuy nhiên nó cũng làm tăng nhanh sự cốt hóa các đầu xương. Trong thời kỳ xương đang phát triển (dưới 20 tuổi), nếu dùng estrogen (trong thuốc chữa chậm dậy thì hay thuốc tránh thai) kéo dài sẽ khiến cho các đầu xương cốt hóa nhanh, khó cao lên được.

Khi sử dụng estrogen liều cao, thuốc ức chế ngược làm cơ thể ngừng sản xuất estrogen, trứng không phát triển và không bám vào niêm mạc tử cung, do đó ngăn cản sự thụ thai và làm ngừng quá trình bài tiết sữa. Đối với nam giới khi dùng liều cao có thể gây teo tinh hoàn, ngừng sản xuất tinh trùng và teo cơ quan sinh dục ngoài. Một số tác dụng phụ khi bổ sung estrogen như căng tức ngực, nhức đầu, buồn nôn, vàng da, ứ mật, tăng canxi máu, tăng cân, chứng vú to và giảm ham muốn tình dục ở nam giới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan