Nhiều người vẫn có những hiểu nhầm thường gặp về loãng xương như nguyên nhân, đối tượng mắc bệnh cũng như cách phòng ngừa hiệu quả. Những quan niệm sai lầm này có thể khiến việc điều trị và bảo vệ xương trở nên kém hiệu quả. Vậy đâu là những hiểu nhầm phổ biến về loãng xương và phòng ngừa bệnh thế nào sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương (còn gọi là xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương suy yếu, giảm mật độ, trở nên giòn và dễ gãy, ngay cả khi gặp chấn thương nhẹ.
Bệnh tiến triển âm thầm trong thời gian dài nhưng khi xương yếu đi rõ rệt, người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu như:
- Đau mỏi xương khớp không rõ nguyên nhân, thường xảy ra ở lưng, hông hoặc đầu gối.
- Giảm chiều cao, do cột sống bị ảnh hưởng, mất đi sự chắc chắn.
- Cột sống cong, gù vẹo, làm thay đổi dáng đứng, ảnh hưởng đến tư thế.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh chỉ được phát hiện loãng xương khi đã có dấu hiệu gãy xương. Ngoài ra, tuổi càng cao, nguy cơ loãng xương càng lớn do rối loạn quá trình tạo và hủy xương, làm mật độ xương suy giảm.
2. Những hiểu nhầm thường gặp về loãng xương
2.1. Có thể cảm nhận được khi xương yếu đi
Đây là một trong những hiểu nhầm thường gặp về loãng xương. Bệnh loãng xương tiến triển âm thầm, không gây đau hay triệu chứng rõ ràng cho đến khi xương trở nên yếu và dễ gãy. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở vùng chậu, cổ tay và cột sống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cùng khả năng vận động của người bệnh.
Do đó, việc phòng ngừa gãy xương là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong điều trị loãng xương.
2.2. Chỉ cần bổ sung đủ canxi và vitamin D, xương sẽ được bảo vệ
Thực tế, canxi và vitamin D có thể giúp giảm 16% nguy cơ gãy xương. Tuy nhiên, hiệu quả này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, thói quen vận động và tình trạng sức khỏe (HIV, AIDS, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy nhược thần kinh,...).
Bệnh loãng xương là một trong số các bệnh xương khớp thường gặp hiện nay, và đang có xu hướng gia tăng. Bệnh gặp nhiều ở người cao tuổi, trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Vậy đâu là nguyên nhân gây loãng xương và ai là người dễ bị loãng xương?
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Phạm Trung Hiếu , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Đặc biệt, việc sử dụng một số loại thuốc cũng ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ loãng xương. Chẳng hạn, các thuốc kháng axit như Pantoprazole, Omeprazole, Ranitidine có thể làm tăng nguy cơ gãy xương lên 60% sau bốn năm sử dụng.
2.3. Chỉ tuổi già mới bị loãng xương
Người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc loãng xương và gãy xương nhưng bên cạnh tuổi tác, còn nhiều yếu tố khác góp phần gây ra tình trạng này. Do đó, bất kỳ tuổi tác nào cũng cần biết đến hiểu nhầm thường gặp về loãng xương để ngăn ngừa hiệu quả.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, thói quen vận động, bệnh lý và việc sử dụng thuốc, yếu tố di truyền cùng lối sống như hút thuốc lá, tiêu thụ quá nhiều caffeine hoặc đồ uống có cồn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này, thậm chí ở cả người trẻ.
2.4. Đàn ông không bị loãng xương
Xương nam giới thường chắc khỏe hơn và có nguy cơ gãy thấp hơn so với phụ nữ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nam giới vẫn chiếm khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân.

2.5. Chỉ té ngã mới khiến xương bị gãy
Phần lớn các trường hợp gãy xương xảy ra do té ngã. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xương quá yếu đến mức có thể tự gãy mà không cần tác động mạnh, còn gọi là gãy xương tự phát.
Chỉ một áp lực nhỏ như tựa lưng vào bề mặt cứng quá mức hoặc thậm chí chỉ đi bộ, cũng có thể dẫn đến gãy xương ở những bệnh nhân này.
2.6. Gãy xương là mối lo duy nhất của loãng xương
Loãng xương là một bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong. Khoảng 25% người bị gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 6-12 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do biến chứng sau phẫu thuật thay khớp háng bao gồm rối loạn nhịp tim, biến chứng gây mê, viêm phổi, đau tim và nhiễm trùng ở người cao tuổi. Do đó, gãy xương không hoàn toàn là mối lo duy nhất từ loãng xương mà còn có một số biến chứng khác.
2.7. Không thể cải thiện tình trạng xương xốp
Người bị loãng xương không thể phục hồi mật độ xương về mức bình thường là một trong những hiểu nhầm thường gặp về loãng xương. Một số người có mật độ xương thấp bẩm sinh, nên không thể tăng cao hơn mức tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, xương vẫn có thể được cải thiện nhờ điều trị.
Các loại thuốc loãng xương có thể giúp tăng mật độ xương từ 1-3% mỗi năm trong khoảng 3-4 năm đầu, giúp giảm nguy cơ gãy xương và duy trì sức khỏe xương khớp. Tuy nhiên, mật độ xương không thể tăng vô hạn mà chỉ có thể cải thiện đến một mức độ nhất định.
3. Cách phòng tránh loãng xương
Sau khi đã tìm hiểu về những hiểu nhầm thường gặp về loãng xương, chúng ta cần nắm rõ các biện pháp để phòng ngừa loãng xương. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa:
- Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên với cường độ vừa phải.
- Tắm nắng khoảng 30 phút mỗi ngày trước 9 giờ sáng.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung canxi và vitamin D theo nhu cầu. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, không hút thuốc, giảm tiêu thụ rượu, bia, chất kích thích và nước ngọt có ga.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Dựa trên kết quả đo mật độ xương và tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ loãng xương cũng như đưa ra hướng dẫn phù hợp.

Ngoài ra, những đối tượng nên kiểm tra loãng xương định kỳ:
- Phụ nữ sau mãn kinh.
- Người từng bị gãy xương, có thể trạng gầy, hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình bị gãy xương do loãng xương.
- Người đang hoặc sẽ phải sử dụng glucocorticoid kéo dài (trên 3 tháng) với liều trên 7,5 mg prednison/ngày.
- Phụ nữ sử dụng liệu pháp hormone thay thế trong thời gian dài.
- Người mãn kinh sớm hoặc đã cắt buồng trứng trước 40 tuổi.
- Người có bất thường về cột sống.
- Phụ nữ mãn kinh có tiền sử mắc các bệnh lý có thể gây loãng xương thứ phát.
Dựa trên kết quả kiểm tra và triệu chứng của bệnh loãng xương, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, thường là kết hợp giữa việc dùng thuốc, chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.