Phòng ngừa bệnh lao màng bụng

Lao màng bụng là tình trạng tổn thương viêm đặc hiệu của màng bụng do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis, thường là thứ phát sau ổ lao khác. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới, nhưng thường gặp nhiều ở tuổi thanh niên, ở nữ giới gặp nhiều hơn ở nam.

1. Bệnh lao màng bụng là gì?

Trong giai đoạn sớm, bệnh lao màng bụng khó phát hiện vì triệu chứng lâm sàng mờ nhạt, nghèo nàn, còn ở giai đoạn cuối những biểu hiện lâm sàng rất phong phú do bệnh đã làm tổn thương các cơ quan khác. Nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ tiến triển phức tạp với nhiều biến chứng nặng nề có thể đe dọa tính mạng. Bệnh lao màng bụng có thể chữa khỏi hoàn toàn tuy nhiên thời gian dùng thuốc lâu, phối hợp nhiều loại thuốc, dùng thuốc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, vì vậy phòng bệnh lao màng bụng cũng như phòng bệnh lao nói chung là vô cùng quan trọng.

2. Cơ chế lây truyền trong bệnh lao

Lây qua đường hô hấp
Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp

Cơ chế lây truyền: Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao, các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi (hạt khí dung có đường kính khoảng 1 – 5 micromet bay lơ lửng trong không khí khoảng từ vài giờ đến 24 giờ). Khả năng lây lan giảm mạnh sau điều trị từ 2 – 4 tuần, do vậy phát hiện và điều sớm bệnh lao sẽ làm giảm lây lan trong cộng đồng.

Nhiễm lao: là tình trạng có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng không sinh trưởng được do sự khống chế của hệ thống miễn dịch, vi khuẩn tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động và có thể hoạt động sau này khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Người nhiễm lao không có biểu hiện lâm sàng của bệnh lao, số lượng vi khuẩn lao ít, có thể phát hiện tình trạng nhiễm lao thông qua các xét nghiệm miễn dịch học như phản ứng Mantoux, hoặc xét nghiệm IGRA (xét nghiệm trên cơ sở giải phóng interferon gamma)

Bệnh lao: Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Người bệnh có các dấu hiệu của bệnh lao, số lượng vi khuẩn ở người bệnh lao nhiều hơn với số lượng vi khuẩn ở người nhiễm lao.

Nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao: Khoảng 10% trong suốt cuộc đời những người khỏe mạnh có hệ thống miễn dịch bình thường bị nhiễm lao từ lúc nhỏ sẽ chuyển thành bệnh lao. Với những người suy giảm miễn dịch như đồng nhiễm HIV thì nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao hoạt động sẽ tăng lên rất cao, khoảng 10% /năm.

Một số yếu tố liên quan đến sự lây truyền bệnh lao:

  • Sự tập trung của các hạt khí dung trong không khí bị chi phối bởi số lượng vi khuẩn do người bệnh ho khạc ra và sự thông khí tại khu vực phơi nhiễm.
  • Thời gian tiếp xúc với các hạt khí dung bị nhiễm vi khuẩn lao
  • Trạng thái gần với nguồn các hạt khí dung mang vi khuẩn lao
  • Hệ thống miễn dịch suy giảm: HIV, tiểu đường, và suy dinh dưỡng...
  • Những người sử dụng thuốc lá, rượu có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm lao và bệnh lao.
  • Các yếu tố môi trường: Không gian chật hẹp, thông khí không đầy đủ, tái lưu thông không khí có chứa các hạt khí dung chứa vi khuẩn lao.

3. Phòng bệnh lao màng bụng

Tiêm
Tiêm vắc xin lao giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao

Phòng bệnh lao màng bụng là áp dụng các biện pháp nhằm: Giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao và Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao.

Kiểm soát nhiễm khuẩn lao là sự kết hợp các biện pháp nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ lan truyền của bệnh lao trong cộng đồng. Bao gồm:

Kiểm soát vệ sinh môi trường: Giảm đậm độ các hạt nhiễm khuẩn trong không khí bằng thông gió tốt bằng cách:

  • Cửa đi và cửa sổ của buồng khám, khu chờ và buồng bệnh cần được mở cho thông gió tự nhiên hoặc dùng quạt điện đúng chiều để làm loãng các hạt nhiễm khuẩn và đẩy vi khuẩn ra ngoài, dưới ánh nắng mặt trời vi khuẩn lao sẽ dễ bị tiêu diệt.
  • Bố trí vị trí làm việc hợp lý theo chiều thông gió: Không để không khí đi từ người bệnh đến cán bộ y tế.

Thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường:

  • Dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác (cán bộ y tế), khi hắt hơi, ho.
  • Khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên.
  • Lấy đờm xét nghiệm đúng nơi quy định, ngoài trời, môi trường thông thoáng. Nếu không, cần ở nơi có thông gió tốt, ít khả năng tiếp xúc của nhân viên y tế và người khác. Không nên đặt nơi lấy đờm ở những phòng nhỏ đóng kín hoặc nhà vệ sinh.

Giảm tiếp xúc nguồn lây:

  • Cách ly: Nên có nơi chăm sóc điều trị riêng cho người bệnh lao phổi AFB (+), đặc biệt với người bệnh lao đa kháng thuốc.
  • Trong các cơ sở đặc biệt như trại giam, cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở bảo trợ xã hội có khả năng lây nhiễm rất cao, cần cách ly thỏa đáng những người bệnh để điều trị mới tránh được các vụ dịch nghiêm trọng.
  • Nhân viên y tế cần tuân thủ quy trình khám, chăm sóc người bệnh: khi khám, hỏi bệnh, thực hiện tư vấn để người bệnh quay lưng lại. Thân thiện qua hành động, cử chỉ, lời nói chứ không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp.
  • Để bảo vệ cho người nhiễm HIV đến khám: cần xác định những người nghi lao (ho khạc) để hướng dẫn họ dùng khẩu trang, giấy che miệng,

chuyển đến khu chờ riêng hoặc phòng cách ly (nếu có) và ưu tiên khám trước để giảm thời gian tiếp xúc.

Thực hiện phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế:

  • Các cơ sở y tế phải thực hiện đầy đủ Quy chế kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và Hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm lao tại các cơ sở y tế
  • Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, có thể lây truyền từ mẹ sang con, trong đó lao phổi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.
  • Vi khuẩn lao lan truyền ra ngoài không khí dưới hình dạng những hạt vi thể nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy được khi người mắc bệnh lao có triệu chứng ho, hắt hơi hay nói chuyện. Người khỏe mạnh có thể hít phải những hạt vi thể chứa vi trùng lao và nhiễm bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn lao còn có khả năng xâm nhập vào cơ thể nếu chúng ta sử dụng các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
  • Phần lớn người bị nhiễm lao là do tiếp xúc nhiều và thường xuyên với người bệnh. Vì vậy, nếu gia đình có người mắc bệnh lao phổi thì cần cho người bệnh sinh hoạt riêng, môi trường sống cần sạch sẽ, thoáng mát. Cần chú ý hạn chế trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với người bệnh.
  • Trong trường hợp cơ thể xuất hiện các triệu chứng ho kéo dài, ra nhiều mồ hôi ban đêm, mệt mỏi, chán ăn, sốt về chiều thường xuyên thì cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để làm các xét nghiệm phát hiện bệnh lao và chữa trị kịp thời.

Tiêm vắc xin lao (Bacille Calmette-Guérin) do Chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện nhằm giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. Để có tác dụng hiệu quả, cha mẹ cần cho trẻ tiêm đúng kỹ thuật, đúng thời gian và liều lượng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

578 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan