Phù trong viêm cầu thận cấp: Những điều cần biết

Phù là triệu chứng nổi bật nhất khi mắc viêm cầu thận cấp, khởi phát rầm rộ là tiến triển toàn thân, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh và đe dọa tính mạng.

1. Đặc điểm của phù trong viêm cầu thận cấp như thế nào?

Phù là triệu chứng rất thường gặp, là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên mà người bệnh tự bản thân mình cảm nhận được trước khi đến khám. Ban đầu, họ cảm giác cơ thể mình giống như mập hơn rõ rệt dù không ăn uống bồi bổ gì đáng kể. Điều này thể hiện kín đáo qua việc mang giày dép thấy chật, đeo nhẫn chật hay hằn nếp gấp của thắt lưng quần lên da, bụng phình to ra, óc ách. Tuy vậy, tình trạng tăng cân này lại không khiến người bệnh khỏe hơn mà là mệt mỏi, lừ đừ, thở mệt và cảm giác nặng mặt, sưng nề hai mí mắt khi thức dậy.

Sau đó, tình trạng phù ở hai chi dưới cũng dễ phát hiện ra sớm. Mu bàn chân hai bên dày lên, lan dần lên cổ chân, xương chày, gối và vùng bẹn. Lớp da căng bóng, trắng sáng, không còn sờ được thấy mắt cá, bờ xương chày bình thường nằm ngay dưới da, ấn vào thấy mềm xẹp, khi buông tay ra để lại lớp lõm sâu để một thời gian lâu mới mờ dần. Đối với bệnh nhân hạn chế đi lại và nằm tại giường, phù tập trung ở vùng thấp trũng chịu trọng lực cao nhất như lưng, mông, vai gáy và dễ gây loét tì đè. Phần mô lỏng lẻo ở cơ quan sinh dục ngoài cũng thấy sưng nề, ở nam giới, hai túi bìu căng, nặng như chứa đầy nước; ở nữ giới, phần môi lớn, âm hộ cũng tích nước phồng to.

Song song với phù toàn thân tăng dần thì lượng nước tiểu cũng ít đi, tiểu đục và đôi khi tiểu ra máu. Đo huyết áp thấy tăng cao và khó đáp ứng với các thuốc hạ áp thông thường.

Khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng phải đứng một lúc trong nhà vệ sinh mới đi tiểu được
Bệnh nhân có thể thấy lượng nước tiểu cũng ít đi, tiểu đục và đôi khi tiểu ra máu

2. Cơ chế phù trong viêm cầu thận cấp là gì?

Trong cơ thể, nếu tim được ví như chiếc máy bơm thì hai quả thận sẽ là hai chiếc máy lọc các loại độc tố, sản phẩm của các quá trình chuyển hóa thải ra ngoài qua dòng nước tiểu. Bình thường màng lọc của cầu thận chỉ cho nước hòa tan cùng các chất độc và điện giải đi qua, tái hấp thu và giữ lại các phân tử có kích thước lớn như tế bào máu, protein, các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi màng lọc bị tổn thương do viêm cầu thận cấp, các chất đều dễ dàng bị thoát ra ngoài theo nước tiểu khiến nồng độ chất đạm trong máu sụt giảm nghiêm trọng.

Khi đó, áp lực keo trong lòng mạch vốn dĩ được tạo ra bởi nồng độ chất đạm không còn được duy trì. Áp lực thủy tĩnh nhằm tống máu đi trong lòng mạch lại tăng cao hơn do hệ quả của tăng huyết áp.

Chính vì vậy, hiệu số giữa áp lực thủy tĩnh và áp lực keo tạo khoảng cách quá lớn, dịch không thể được giữ lại trong lòng mạch mà thoát ra ồ ạt vào mô kẽ, làm bệnh nhân phù to cả người hoặc tràn vào các khoang tự nhiên gây ra tràn dịch màng phổi, màng tim, màng bụng.

3. Nguy hiểm của phù trong viêm cầu thận cấp ra sao?

Thận
Viêm cầu thận cấp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Viêm cầu thận cấp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm; trong đó, phần lớn là hệ lụy của tình trạng phù gây ra.

Đầu tiên, do dịch thoát nhiều vào mô kẽ, người bệnh bị phù to cả người, đi lại khó khăn. Bên cạnh vấn đề này, nếu dịch tràn vào màng tim, màng phổi với thể tích quá lớn mà cơ thể không kịp thích nghi thì có thể đè sụp buồng tim, xẹp phổi, chèn ép hệ tuần hoàn, dẫn đến tụt huyết áp, suy hô hấp và tử vong. Song song đó, khi thể tích tuần hoàn không còn được đảm bảo, máu bơm đến các cơ quan bị thiếu hụt. Một cơ quan quan trọng của cơ thể là não khi không đủ máu nuôi sẽ dẫn đến rối loạn tri giác, người bệnh lơ mơ, mê man và hôn mê. Đồng thời, máu cũng giảm tưới đến thận, làm nặng thêm tình trạng suy thận cấp, sự ứ đọng các chất độc lại trong máu với nồng độ tăng lên cao dần sẽ gây rối loạn chức năng của các cơ quan khác.

Không chỉ như vậy, khi người bệnh tiểu ra đạm, đạm trong máu suy giảm chắc chắn sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, hệ thống miễn dịch cũng bị suy yếu, bệnh nhân dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng thông thường tại cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Đồng thời, hệ thống đông máu cũng bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ tạo huyết khối và gây tắc mạch.

4. Cách điều trị phù trong viêm cầu thận cấp như thế nào?

Khi bị viêm cầu thận cấp trong giai đoạn đầu, cơ thể phù nhiều và tiểu ít, kèm tăng huyết áp thì việc điều trị chủ yếu là dùng lợi tiểu. Các thuốc lợi tiểu vừa giúp giảm phù thông qua việc làm tăng lượng nước tiểu, qua đó vừa giúp hạ huyết áp, giảm kali máu, điều chỉnh toan kiềm và cải thiện chức năng thận.

Đây là các thuốc có tác dụng trên các kênh vận chuyển nước dọc chiều dài ống thận, hạn chế tái hấp thu nước, pha loãng và tăng thể tích hình thành nước tiểu, tăng thải trừ natri, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự bài xuất của một số chất điện giải như thuốc lợi tiểu làm giảm kali máu qua cơ chế phong toả men carbonic anhydrase, thuốc lợi tiểu giữ kali máu qua cơ chế kháng aldosteron hoặc giả kháng aldosteron, thuốc lợi tiểu thẩm thấu... Các thuốc lợi tiểu thường dùng là Furosemide, Mannitol và liều lợi tiểu được điều chỉnh mỗi ngày tùy vào mức độ đáp ứng cải thiện triệu chứng.

Sau tuần lễ đầu, khi tình trạng viêm tại cầu thận đã được khống chế dần với kháng sinh và khi cơ thể đã giảm phù, thể tích nước tiểu tăng lên đáng kể, chức năng thận có thể hồi phục lại gần hoàn toàn thì liều lợi tiểu sẽ giảm dần trước khi ngưng hẳn. Lúc này, người bệnh sẽ thấy cơ thể dễ chịu hơn, đi lại nhẹ nhàng, dễ thở và ăn uống ngon miệng, chứng tỏ bệnh cũng đã vào giai đoạn thoái lui.

Phù là triệu chứng vừa kín đáo, vừa rầm rộ khi mắc bệnh viêm cầu thận cấp. Những hiểu biết trên đây giúp nhận ra sớm các dấu hiệu bất thường, từ đó mau chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và xử trí thích hợp, tránh để lại biến chứng nặng nề đáng tiếc trong khi viêm cầu thận cấp vốn dĩ luôn có tiên lượng rất khả quan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

68.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • vi-sao-viem-cau-than-gay-tang-huyet-ap-va-phu
    Vì sao viêm cầu thận gây tăng huyết áp và phù?

    Viêm cầu thận gây tăng huyết áp, ảnh hưởng đến khả năng làm sạch máu, lọc chất thải ra khỏi cơ thể và khiến bệnh nhân bị phù toàn thân. Do đó, rất nhiều người băn khoăn không biết vì ...

    Đọc thêm
  • giảm phù mặt khi mang thai
    Cách giảm phù mặt khi mang thai

    Phụ nữ khi mang thai là khoảng thời gian cơ thể thay đổi nhiều nhất. Thời gian này thường sẽ gặp tình trạng buồn nôn/nôn, tăng cân, chảy máu, chuột rút, đau lưng, đau bụng,... và phù. Vậy cách giảm ...

    Đọc thêm
  • Viêm cầu thận
    Bệnh viêm cầu thận cấp hình thành thế nào?

    Hội chứng viêm cầu thận cấp là tình trạng viêm cầu thận tiến triển nhanh, hình thành từ các bệnh nhiễm trùng, miễn dịch hoặc viêm mạch. Chẩn đoán sớm viêm cầu thận cấp điều trị kịp thời là rất ...

    Đọc thêm
  • dieu-tri-viem-cau-o-tre-nho
    Điều trị viêm cầu thận ở trẻ nhỏ

    Thận chứa nhiều cuộn mạch máu nhỏ, được gọi là cầu thận, có nhiệm vụ lọc các chất thải từ ​​máu vào nước tiểu. Viêm cầu thận là một dạng bệnh thận, khiến cho thận khó hoạt động theo đúng ...

    Đọc thêm
  • Kisinstad
    Công dụng thuốc Kisinstad

    Thuốc Kisinstad được sử dụng điều trị chống viêm ở tai mũi họng, mắt, sản khoa, phù do viêm,... Thuốc Kisinstad có thành phần chính là Alpha-chymotrypsin. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng, cách dùng và những ...

    Đọc thêm