Ảnh hưởng của bướu sợi tuyến

Nếu bạn có một khối u nhỏ ở vú thì cũng đừng quá lo lắng, bởi đây có thể là bướu sợi tuyến, một dạng tăng sinh tế bào lành tính xảy ra ở phụ nữ trẻ tuổi. Ảnh hưởng của bướu sợi tuyến vú rất hiếm khi trở thành ung thư nhưng các khối u này vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh.

1. Bệnh bướu sợi tuyến là gì?

Bướu sợi tuyến là một khối u lành tính ở vú. Mọi người thường hay nhầm lẫn bướu sợi tuyến với ung thư vú. Tuy nhiên bướu sợi tuyến khác với ung thư vú là tế bào bướu tăng sinh lành tính có giới hạn, không xâm lấn tới các cơ quan khác trong cơ thể, chúng chỉ giới hạn trong các mô vú. Thành phần bướu sợi tuyến bao gồm mô tuyến vú, mô sợi và mô liên kết.

Bướu sợi tuyến vú thường được phân thành 2 loại gồm:

  • Bướu sợi tuyến vú dạng đơn giản: Thành phần cấu tạo đồng nhất với nhau, hầu như không làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú;
  • Bướu sợi tuyến vú dạng phức tạp: Loại bướu này có nhiều thành phần khác nhau, bao gồm cả canxi lắng đọng. Nếu bạn có loại u này, rủi ro mắc bệnh ung thư vú cao hơn 1,5% so với những người khác.

Hiện tại chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra bướu sợi tuyến vú, nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ hormone đóng một vai trò trong việc hình thành bướu. Bướu sợi tuyến có liên quan đến các hormone sinh sản vì bệnh này thường xảy ra trong độ tuổi sinh sản. Các khối u có thể to hơn khi người phụ nữ mang thai hoặc sử dụng liệu pháp hormone. Sau khi mãn kinh, cùng với sự sụt giảm của hormone trong cơ thể, các khối u có thể thu nhỏ.

Các nguyên nhân khác góp phần gây ra bướu sợi tuyến vú là uống thuốc tránh thai trước tuổi 20.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bướu sợi tuyến vú

Người bị bướu sợi tuyến vú khi ấn vào da có thể cảm thấy khối u ở trong vú. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của bướu sợi tuyến vú bao gồm:

  • Các khối bướu sợi tuyến vú chắc và hình dạng rõ ràng;
  • Bướu sợi tuyến vú thường không đau và có thể di chuyển.
  • Các khối bướu sợi tuyến có thể có các kích thước khác nhau. Hầu hết đường kính của bướu chỉ khoảng 1 – 2cm. Đôi khi, người bệnh còn không thể sờ thấy chúng.

3. Ảnh hưởng của bướu sợi tuyến vú

Phần lớn trường hợp người bệnh bị bướu sợi tuyến vú không kèm theo biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp hiếm gặp (khoảng 0,002 – 0,125%), bướu sợi tuyến vú có nguy cơ phát triển thành u ác tính (ung thư). Do đó, bác sĩ vẫn luôn khuyến khích người bệnh nên điều trị nếu có bất kỳ khối u nào trong người.

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bướu sợi tuyến vú bằng cách khám lâm sàng. Tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, bạn có thể cần phải thực hiện siêu âm vú hoặc chụp nhũ ảnh như sau:

  • Khi siêu âm vú, người bệnh được yêu cầu nằm trên mặt phẳng, sau đó bác sĩ sẽ dùng thiết bị đầu dò cầm tay để tái tạo hình ảnh bên trong vú lên màn hình;
  • Đối với chụp nhũ ảnh, vú bệnh nhân sẽ được ép bởi 2 mặt phẳng để cho ra hình ảnh chính xác nhất, từ đó bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bướu hiện tại.

Để kiểm tra xem đó có phải là khối u ung thư hay không, bác sĩ có thể đề nghị chọc hút vú bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết vú. Đây là kỹ thuật sử dụng kim nhỏ chọc vào mô vú và lấy một vài mảnh nhỏ của khối u để gửi đến phòng xét nghiệm. Qua kiểm tra bằng kính hiển vi, bác sĩ có thể xác định đó là bướu hay ung thư.

4. Mẹ bị bướu sợi tuyến có cho con bú được không?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất với hệ tiêu hóa của trẻ, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Khi trẻ qua giai đoạn 6 tháng đầu đời, nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng cũng sẽ lớn hơn mà sữa mẹ không đủ để đáp ứng nên cần phải bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng khác.

Do đó bị bướu sợi tuyến có cho con bú được không là vấn đề nhiều bà mẹ quan tâm khi gặp phải tình trạng này. Theo đó, việc hình thành bướu sợi tuyến vú không ảnh hưởng tới việc cho trẻ bú sữa mẹ, do đó nếu bé vẫn còn cần sữa mẹ thì bạn cứ cho bé bú bình thường. Việc cho bé bú sẽ giúp làm giảm căng sữa và sự khó chịu ở ngực.

5. Cách điều trị bướu sợi tuyến vú

Tùy từng vào từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân như kích thước bướu, tình trạng sức khỏe ... mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp phù hợp nhất.

Các cách điều trị bướu sợi tuyến vú bao gồm:

  • Bướu sợi tuyến vú nhỏ hơn 2cm, người bệnh không đau và không có bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe người bệnh thì việc điều trị có thể không cần thiết. Bác sĩ thường chỉ định tái khám định kỳ, siêu âm vú, chụp nhũ ảnh và sinh thiết nhờ kim nhỏ...
  • Kích thước bướu sợi tuyến vú lớn: Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật lấy trọn khối bướu.

Bướu sợi tuyến vú thường là lành tính, chính vì vậy khi được bác sĩ chỉ định theo dõi mà không cần điều trị thì bạn cũng nên lo lắng thái quá, chỉ cần theo dõi và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Còn đối với những bệnh nhân có bướu sợi đã trải qua phẫu thuật điều trị, việc duy trì lối sống sinh hoạt lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học là điều vô cùng quan trọng để hạn chế tình trạng khối u tái phát.

6. Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh

Bạn có thể tự kiểm soát bướu sợi tuyến vú nếu áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Tái khám và chụp nhũ ảnh định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ;
  • Tự khám vú tại nhà thường xuyên để kiểm tra xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào không;
  • Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên;
  • Thực hiện chế độ ăn uống thích hợp: Trong chế độ ăn uống, người bệnh cần đảm bảo cung cấp đủ lượng i-ốt; tăng cường rau xanh và hoa quả tươi; giảm ăn thịt đỏ, nhộng tằm hay trứng vịt lộn và các thực phẩm có hàm lượng nhôm, sắt tự do vượt quá ngưỡng.

Nhìn chung các bệnh lý tuyến vú rất phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là ung thư vú – đứng đầu về tỷ lệ mắc trong số các bệnh ung thư ở nữ. Vì vậy nếu bạn nhận thấy các biểu hiện bất thường cảnh báo ung thư như vú nổi cục cứng di động ít, hạch nách, núm vú tiết dịch bất thường, sốt... thì hãy đến gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan