Các xét nghiệm chẩn đoán sảy thai

Siêu âm và xét nghiệm máu là hai xét nghiệm chẩn đoán sảy thai cơ bản được dùng. Trong chẩn đoán sảy thai liên tiếp, phụ nữ cần kiểm tra thêm các vấn đề về gen và di truyền để xác định nguyên nhân gây sảy thai.

1. Sảy thai là gì?

Sảy thai được định nghĩa là sự ra đời sớm của thai nhi trước khi bào thai có thể sống được. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới, sảy thai là sự kết thúc thai kỳ trước 20 tuần hoặc bào thai sinh ra trọng lượng nhỏ hơn 500g.

Hơn 80% trường hợp sảy thai xảy ra trong khoảng 3 tháng đầu của thai kỳ còn lại 20% xảy ra ở 3 tháng giữa. Các trường hợp sảy thai trước 12 tuần được gọi là sảy thai sớm, còn sảy thai xảy ra từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 20 của thai kỳ là sảy thai muộn.Sảy thai tự nhiên thường diễn ra theo 2 giai đoạn: dọa sảy thai và sảy thai thực sự.

Sảy thai được phân ra làm 2 loại: sảy thai tự nhiên và sảy thai liên tiếp.

  • Sảy thai tự nhiên là những trường hợp sảy thai đột nhiên xảy ra ở những người phụ nữ có thai bình thường.
  • Sảy thai liên tiếp là khi sản phụ bị sảy thai tự nhiên từ 3 lần liên tiếp trở lên. Sảy thai liên tiếp diễn biến thường nhanh, dấu hiệu dọa sảy thai không rõ ràng.

2. Chẩn đoán sảy thai trên lâm sàng

2.1. Dọa sảy thai

Thai nhi
Trong giai đoạn này điều trị sớm có khả năng giữ được thai

Trong giai đoạn này, trứng còn sống, chưa bị bong khỏi niêm mạc tử cung. Điều trị sớm, tiên lượng tốt, có khả năng giữ được thai.

Ra huyết âm đạo là triệu chứng chủ yếu, phụ nữ bị ra máu đỏ hoặc máu đen, số lượng ít, có thể kéo dài nhiều ngày, máu thường lẫn với dịch nhầy. Hầu hết sản phụ bị dọa sảy thai không đau bụng, chỉ có cảm giác tức hoặc nặng bụng dưới. Nếu đau nhiều, liên tục nghĩa là do cơn co tử cung, tiên lượng xấu, khó giữ được thai.

Khám thực thể bên ngoài ít có giá trị vì tử cung và phần thai đang còn nhỏ nên khó phát hiện triệu chứng. Thăm âm đạo: cổ tử cung dài, đóng kín, thân tử cung mềm, to tương ứng với tuổi thai.

Cận lâm sàng:

  • Test HCG dương tính
  • Siêu âm: có hiện tượng bóc tách một phần nhỏ của bánh rau hay màng rau, từ tuần thứ 6 thấy bờ túi ối đều và rõ, có âm vang của phôi. Tuần thứ 8 có nhịp tim thai.

2.2. Sảy thai thực sự

Phụ nữ khi đã bị sảy thai thường bị đau bụng vùng hạ vị từng cơn, nhưng đều hơn do cơn co tử cung. Ra huyết âm đạo nhiều, đỏ, loãng lẫn máu cục chứng tỏ rau đã bong nhiều, hoặc có thể không ra máu nhiều nhưng lại kéo dài dây dưa trên 10 ngày.

Khi thăm khám âm đạo thấy cổ tử cung xóa mỏng, hé mở. Phần dưới tử cung phình to do bọc thai bị đẩy xuống phía cổ tử cung làm cổ tử cung có hình như con quay. Đôi khi sờ thấy bọc thai nằm ở lỗ cổ tử cung.

2.3. Sảy thai sót rau

Bệnh nhân thường đã có triệu chứng dọa sảy thai trước đó, sau đó xuất hiện đau bụng nhiều hơn, ra máu nhiều hơn, có thể phát hiện có một mảnh mô được tống xuất ra khỏi âm đạo, tuy nhiên ra máu âm đạo vẫn tiếp diễn và vẫn còn đau bụng âm ỉ.

Thăm âm đạo thấy cổ tử cung vẫn còn hé mở hoặc đã đóng kín, tuy nhiên thân tử cung còn to hơn so với bình thường. Bệnh nhân có thể có biểu hiện nhiễm trùng. Siêu âm có thể thấy hình ảnh sót rau trong buồng tử cung.

2.4. Sảy thai băng huyết

Biểu hiện thường gặp của sảy thai băng huyết là ra máu âm đạo nhiều, máu tươi. Bệnh nhân có thể bị shock mất máu.

Thăm âm đạo thấy nhiều máu tươi lẫn máu cục, thường có phần thai thập thò ở cổ tử cung hoặc trong âm đạo. Trường hợp bệnh nhân đến muộn, thai đã bị sảy thì không còn các triệu chứng này mà chỉ nổi bật các triệu chứng chảy máu.

2.5. Sảy thai nhiễm khuẩn

Sản phụ ra máu âm đạo kéo dài kèm theo hội chứng nhiễm trùng: sốt, mạch nhanh, người mệt mỏi, lờ đờ, xét nghiệm bạch cầu tăng, CRP tăng.

Thăm âm đạo thấy cổ tử cung hé mở, máu âm đạo sẫm màu, hôi. Tử cung mềm, ấn đau.

Băng huyết sau sinh
Biểu hiện thường gặp của sảy thai băng huyết là ra máu âm đạo nhiều, máu tươi

3. Xét nghiệm chẩn đoán sảy thai

3.1. Xét nghiệm chẩn đoán sảy thai tự nhiên

Chẩn đoán xác định về sảy thai nói chung không khó, chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.

Các xét nghiệm giúp xác định chắc chắn thai phụ có sảy thai hay không. Siêu âm và xét nghiệm máu là hai xét nghiệm và kỹ thuật cơ bản để chẩn đoán sảy thai:

Siêu âm

Siêu âm thường được chỉ định đầu tiên để kiểm tra sự phát triển của thai và xem có tim thai hay không. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ thường sử dụng siêu âm qua đường âm đạo bằng cách đưa một đầu dò nhỏ vào trong âm đạo. Điều này có thể sẽ làm thai phụ có cảm giác hơi khó chịu nhưng không gây đau.

Thai phụ có thể lựa chọn siêu âm qua thành bụng, nhưng độ chính xác thấp hơn. Siêu âm không gây nguy hiểm cho thai nhi và không làm gia tăng nguy cơ sẩy thai.

Xét nghiệm máu

Thai phụ cần được làm các xét nghiệm máu để định lượng hormone liên quan đến thai kỳ, như Beta-human chorionic gonadotropin (β-hCG) và progesterone. Các xét nghiệm có thể lặp lại sau 48 giờ nếu:

  • Nồng độ ở mức ranh giới.
  • Kết quả siêu âm không rõ ràng.
  • Xét nghiệm quá sớm trong thai kỳ.

Sảy thai đôi khi không chẩn đoán xác định được ngay sau khi siêu âm hoặc xét nghiệm máu. Ví dụ như khi không thấy được tim thai trên siêu âm ở giai đoạn sớm của thai kỳ (nhỏ hơn 6 tuần). Trong trường hợp này, thai phụ sẽ được làm lại siêu âm và/hoặc xét nghiệm máu sau một hoặc hai tuần.

3.2. Xét nghiệm chẩn đoán sảy thai liên tiếp

Sảy thai liên tiếp là khi thai phụ sảy thai trên 3 lần liên tục, các xét nghiệm dưới đây có thể dùng để tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, một nửa số trường hợp sảy thai thường không rõ nguyên nhân.

Lập bộ nhiễm sắc thể

Nếu thai phụ sảy thai lần thứ 3 thì bác sĩ sẽ khuyên thai phụ kiểm tra xem có bất thường nhiễm sắc thể thai nhi hay không. Nếu phát hiện thấy có bất thường, thì cần kiểm tra nhiễm sắc thể, các vấn đề về gen và di truyền liên quan của cả thai phụ và người chồng.

Nếu nguyên nhân là từ nhiễm sắc thể thai phụ hoặc chồng, thai phụ sẽ được giới thiệu đến các bác sĩ di truyền học lâm sàng để tìm giải pháp. Trong một số trường hợp, thụ tinh trong ống nghiệm IVF là một biện pháp hỗ trợ sinh sản có hiệu quả cao được lựa chọn.

Siêu âm

Siêu âm ngã âm đạo dùng để kiểm tra các bất thường về cấu trúc của tử cung. Phương pháp thứ hai là siêu âm 3D để khảo sát vùng bụng dưới và vùng chậu giúp cho chẩn đoán chính xác hơn.

Siêu âm cũng có thể đánh giá xem thai phụ có bị hở eo tử cung hay không. Việc này chỉ có thể thực hiện khi bắt đầu mang thai lại, thường vào thời điểm từ tuần thứ 10 đến 12 của thai kỳ.

Một số trường hợp trường hợp thai ngừng phát triển được chẩn đoán khi siêu âm định kỳ. Trên siêu âm có thể thấy tim thai không hoạt động hoặc túi thai/phôi thai teo nhỏ.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có thể xác định nồng độ kháng thể kháng phospholipid (aPL) và kháng đông lupus. Xét nghiệm này nên được thực hiện hai lần, cách nhau khoảng 6 tuần trước khi phụ nữ muốn mang thai.

Kháng thể kháng phospholipid (aPL) sẽ làm tăng nguy cơ gây huyết khối và thay đổi cách bám của nhau thai. Những thay đổi đó dẫn đến suy giảm lượng máu đến thai và có thể gây ra sảy thai.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: