Cách dùng thuốc viêm họng dành cho mẹ cho con bú

Cơ thể mẹ sau sinh thường rất yếu, rất dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp, trong đó bệnh viêm họng là tình trạng phổ biến nhất. Vậy mẹ bị viêm họng có nên cho con bú tiếp không và mẹ cho con bú bị viêm họng uống thuốc gì?

1. Mẹ đang cho con bú rất dễ bị viêm họng

Sau khi sinh con, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu do mất nhiều máu. Việc trở về từ bệnh viện cũng mang theo nhiều vi khuẩn có hại tấn công vào cơ thể, đặc biệt là đường hô hấp khiến mẹ bị viêm họng. Thêm vào đó sức khỏe của sản phụ sau sinh thường yếu do phải chăm sóc trẻ. Em bé sơ sinh luôn quấy khóc bất kể ngày hay đêm khiến mẹ phải luôn túc trực bên cạnh con, từ đó sức khỏe bị giảm sút.

Các bà mẹ đang cho con bú dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân xấu bên ngoài môi trường, vì vậy sự lây lan nhanh của vi khuẩn, virus cúm khiến mẹ bị viêm họng là điều không thể tránh khỏi.

2. Bà mẹ bị viêm họng cho con bú có sao không?

Mẹ bị viêm họng có nên cho con bú hay không còn tùy thuộc vào mẹ cho con bú bị viêm họng uống thuốc gì. Mẹ vẫn có thể cho trẻ bú sữa mẹ nếu mẹ sử dụng các loại thuốc điều trị không qua sữa mẹ. Trên thực tế có một số loại thuốc điều trị viêm họng có thể đi vào sữa mẹ, nếu bé bú phải sữa chứa thuốc, bé có thể bị ảnh hưởng bởi tác dụng/tác dụng phụ của thuốc. Do đó, nếu bà mẹ đang cho con bú bị viêm họng có ý định sử dụng thuốc, tốt nhất mẹ nên đi khám và hỏi bác sĩ về những lưu ý khi dùng thuốc trong quá trình cho con bú. Tránh tự ý dùng thuốc khi đang cho con bú vì điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho bé.

3. Mẹ cho con bú bị viêm họng uống thuốc gì?

Thuốc viêm họng dành cho mẹ cho con bú nào phù hợp, không gây ảnh hưởng đến bé là những băn khoăn rất thường gặp. Theo khuyến cáo, phụ nữ đang cho con bú nếu bị viêm họng tốt nhất không nên uống các loại thuốc Tây hay thuốc kháng sinh do những thuốc này có thể gây ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mẹ và bé. Một số loại thuốc viêm họng cho mẹ cho con bú:

  • Paracetamol, Ibuprofen: đây là 2 loại thuốc giảm đau hạ sốt, kháng viêm an toàn có thể dùng làm thuốc viêm họng cho mẹ cho con bú. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho mẹ dùng thuốc trị ho để giúp giảm triệu chứng ho nếu có.
  • Tránh sử dụng các loại thuốc thông mũi khi mẹ bị viêm họng vì các loại thuốc này có thể cản trở việc cung cấp sữa mẹ.

4. Phòng ngừa lây nhiễm cho em bé khi mẹ bị viêm họng

Ngoài việc nhanh chóng sử dụng thuốc viêm họng cho mẹ cho con bú giúp mẹ cải thiện nhanh chóng, mẹ cần có phương pháp phòng ngừa lây lan viêm họng cho trẻ và những người xung quanh. Dù mẹ đang bị viêm họng nhưng vẫn cần phải nuôi con bằng sữa mẹ vì đây là nguồn dinh dưỡng quan trọng của trẻ, lúc này mẹ cần áp dụng đồng thời những phương pháp sau đây:

  • Hạn chế tiếp xúc với trẻ, tránh ôm ấp, hôn hít trẻ;
  • Không cho trẻ bú mẹ trực tiếp mà nên sử dụng những dụng cụ hút sữa vào bình để trẻ sử dụng dần;
  • Khi mẹ chăm sóc trẻ như thay tã, tắm rửa, mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ, đeo khẩu trang nếu đang có tình trạng hắt hơi hoặc ho nhiều;

Nếu bệnh viêm họng của mẹ chuyển biến nặng hơn như sốt kéo dài, mẹ cần cách ly với trẻ, hạn chế cho trẻ bú mẹ từ 2-3 ngày cho đến khi bệnh tình của trẻ chuyển biến tốt hơn.

5. Cách trị viêm họng cho mẹ sau sinh không dùng thuốc

Ngoài việc dùng thuốc viêm họng cho mẹ cho con bú, mẹ có thể thử một số cách điều trị tại nhà đơn giản để giảm nhanh triệu chứng và không gây ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ dành cho bé:

5.1. Trà hoa cúc

Mẹ đang cho con bú bị viêm họng nếu uống trà hoa cúc có thể giúp mẹ giảm đau và tránh nhiễm trùng.

5.2. Nước muối ấm tốt cho mẹ đang mắc bệnh viêm họng

Súc miệng bằng nước muối 3 lần mỗi ngày sẽ giúp cổ họng được sát khuẩn, giảm đau, giảm sưng rất hiệu quả.

5.3. Nước ép mầm lúa mì

Đây là loại thức uống rất giàu chất diệp lục, có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn phát triển và làm giảm đau họng cho bà mẹ đang cho con bú.

5.4. Nước chanh ấm

Pha 1 muỗng cà phê nước cốt chanh trong một cốc nước ấm sẽ giúp thu nhỏ mô họng bị sưng, tạo ra môi trường thù địch với vi khuẩn và virus.

5.5. Uống mật ong và chanh

Pha một muỗng cà phê mật ong vào một tách trà nóng hoặc sử dụng một ít nước cốt chanh rồi hòa chung với 1 muỗng cà phê mật ong trong 1 ly nước ấm. Uống hỗn hợp này 2 lần/ngày không chỉ giúp mẹ giảm đau mà còn giúp bảo vệ cổ họng của mẹ tốt hơn. Mật ong có tác dụng sát khuẩn, chanh lại làm giảm tắc nghẽn đờm nhầy hiệu quả.

5.6. Giấm táo

Súc miệng bằng giấm táo pha với một ít nước ấm có thể giúp mẹ bị viêm họng giảm các triệu chứng khó chịu.

5.7. Nước gừng

Gừng là có khả năng giết chết vi khuẩn ở cổ họng, giúp phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng đau họng hiệu quả. Chỉ cần dùng vài lát gừng nhỏ cho vào một ly nước ấm, uống đều đặn mỗi ngày có thể đẩy lùi cơn đau họng vừa an toàn vừa hiệu quả.

5.8. Bạc hà

Bạc hà là thảo dược có tính kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt, giúp mẹ đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Để nâng cao hiệu quả kháng viêm của bạc hà, mẹ có thể pha thêm một muỗng cà phê mật ong vào cốc trà bạc hà nóng, uống mỗi ngày trong thời gian mẹ bị viêm họng.

5.9. Chú ý việc ăn uống, sinh hoạt

  • Mẹ nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, uống nhiều nước ấm, ăn tỏi sống giúp cải thiện khả năng miễn dịch.
  • Ngoài ra mẹ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi đầy đủ để nhanh hồi phục, tránh đi đến những nơi đông người bởi những địa điểm này chứa rất nhiều tác nhân gây bệnh, bụi bặm và dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan