Cách sử dụng miếng dán tránh thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hiện nay một số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường đặt mua miếng dán tránh thai để sử dụng nhằm ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn. Đây là biện pháp tránh thai tạm thời nhưng có hiệu quả cao nếu thực hiện đúng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

1. Miếng dán tránh thai là gì?

Miếng dán tránh thai là một miếng mỏng khoảng 4.5 cm, dán trực tiếp lên da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Miếng dán sẽ phân phối liên tục 2 hormon là hormon progestin (norelgestromin) và hormon estrogen (ethinyl estradiol), tương tự với hormon được cơ thể sản xuất tự nhiên.

Miếng dán tránh thai có tác dụng gì
Miếng dán tránh thai được dán trực tiếp lên vùng bắp tay

2. Cơ chế tránh thai bằng miếng dán

Cơ chế tránh thai của miếng dán là ngăn cản sự rụng trứng. Nếu trứng không rụng, tinh trùng không thể thụ tinh và không thể có thai. Ngoài ra, miếng dán cũng làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại, làm cho tinh trùng khó gặp trứng.

Nếu miếng dán được dán và thay đúng lúc, hiệu quả tránh thai của phương pháp này là hơn 95%. Việc chậm hoặc quên dán một tuần hoặc bóc miếng dán ra quá sớm làm giảm đáng kể hiệu quả của miếng dán, nên có thể vẫn mang thai.

3. Cách sử dụng miếng dán tránh thai

Bạn phải dùng miếng dán theo chu kỳ kinh nguyệt bản thân. Thời điểm bắt đầu sử dụng là một ngày sau hết kinh, dán lên da và giữ nguyên vị trí trong 1 tuần. Tuần kế tiếp, đúng ngày đó bạn bóc miếng dán cũ ra và thay một miếng mới. Miếng dán mới có thể dán ở bất kỳ vị trí nào, không nhất thiết ở vị trí cũ. Tuần thứ 4 của chu kỳ thì không dán miếng dán mới và kinh nguyệt sẽ xảy ra. Chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo thì lặp lại như chu kỳ trước.

Nếu là lần đầu tiên dùng, bạn phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày để phòng ngừa mang thai. Nếu các miếng dán kế tiếp được dán và bỏ đúng thời điểm, không cần dùng thêm các phương pháp tránh thai khác. Không dùng đồng thời miếng dán tránh thai và viên uống tránh thai.

Bạn vẫn có thể sinh hoạt bình thường khi dán miếng tránh thai. Nên nhớ không bóc hoặc thay đổi vị trí miếng dán khi đã dán vào da. Không dùng băng dính để giữ miếng dán, đặc biệt không sửa lại miếng dán bằng bất cứ cách nào. Làm như vậy có thể thay đổi lượng hormone phân phối vào cơ thể. Miếng dán rất khó bị bong và rơi ra, trừ khi miếng dán được dán không đúng.

Cách dán: khi dán miếng dán tránh thai trên da, chú ý áp mặt có thuốc của miếng dán vào sát da, miết ngón tay trên miếng dán trong khoảng 10 giây. Có thể miết ngón tay dọc theo mép miếng dán để đảm bảo miếng dán dính chắc trên da.

Không bóc hoặc thay đổi vị trí miếng dán tránh thai
Chú ý áp mặt có thuốc của miếng dán tránh thai vào sát da

4. Một số lưu ý khi sử dụng miếng dán

  • Không được dán miếng dán tránh thai lên vú, vùng da đang bị đỏ hoặc kích ứng, bị trầy xước
  • Không nên dán miếng dán tránh thai mới lên vị trí miếng dán tránh thai cũ để tránh hiện tượng kích ứng da.
  • Không nên trang điểm, sử dụng các loại kem bôi, sữa, phấn hoặc các sản phẩm khác lên vùng da đang dán miếng dán và vùng da sắp được dán miếng dán để tránh làm giảm tính kết dính của miếng dán tránh thai.
  • Không được dán miếng dán tránh thai lên vùng da bị bệnh da liễu vì nó có thể làm cho tình trạng bệnh nặng lên.

5. Tác dụng phụ của miếng dán tránh thai

Miếng dán tránh thai có tác dụng phụ tương tự thuốc tránh thai uống, gồm tăng nhẹ nguy cơ huyết khối ở chân, phổităng huyết áp.

Các tác dụng phụ của miếng dán tương đối nhẹ và có thể gồm: kích ứng nhẹ da ở vùng dán, đau đầu, cương tức đầu ngực, ra máu âm đạo bất thường, tăng cân nhẹ, buồn nôn và nôn, chướng bụng

Các chống chỉ định của miếng dán là hút thuốc lá, tăng huyết áp, ung thư vú hoặc tử cung, có tiền sử bị huyết khối, đái tháo đường chưa được kiểm soát hoặc tiền sử đau tim hay đột qụy.

Đặc biệt, miếng dán tránh thai không có tác dụng bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS, herpes sinh dục và lậu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

107.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan