Cảnh giác nhiễm trùng tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ Lê Thị Phương đã có 29 năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa.

Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ sau sinh là tai biến thường gặp trong số các tai biến sản khoa. Sản phụ cần cảnh giác trước các triệu chứng cảnh báo nhiễm trùng sau sinh để kịp thời được chẩn đoán và điều trị bệnh, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

1. Nhiễm trùng tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ sau sinh – tai biến thường gặp

Khi sản phụ chuyển dạ sinh thường, đôi khi âm đạo mở ra chưa đủ rộng để đầu em bé lọt ra ngoài. Trong trường hợp này, thủ thuật rạch tầng sinh môn được thực hiện để giúp sản phụ sinh em bé suôn sẻ hơn. Đây là thủ thuật rạch một đường ngắn ở vùng giữa âm đạo và hậu môn (còn gọi là tầng sinh môn) trong quá trình âm đạo mở rộng để sinh em bé. Việc chủ động cắt sẽ tốt hơn để âm đạo bị rách. Sau khi lấy nhau thai ra, bác sĩ sẽ dùng thuốc tê để giảm đau và khâu tầng sinh môn lại.

Sau khi cắt tầng sinh môn, sản phụ có thể bị đau, vết khâu bị mưng mủ, bục chỉ, ngứa,... Đây có thể là dấu hiệu nhiễm khuẩn tầng sinh môn sau sinh. Bên cạnh đó, sản phụ cũng dễ bị nhiễm khuẩn âm đạo sau sinh, nhiễm khuẩn âm hộ sau sinh (tình trạng số lượng vi khuẩn phát triển quá mức) do nhiễm vi khuẩn trong quá trình chuyển dạ.

2. Triệu chứng nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo sau sinh

Các triệu chứng cảnh báo nhiễm khuẩn sau sinh gồm:

  • Sốt hay ớn lạnh;
  • Đau bụng dưới nhiều;
  • Ngứa vùng âm hộ và âm đạo;
  • Cảm giác nóng rát, đau nhiều khi đi tiểu;
  • Không thể kiểm soát trung tiện;
  • Chảy máu nhiều hơn, ra máu cục;
  • Tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo viêm tấy đỏ, sưng to;
  • Vết khâu tầng sinh môn có mủ;
  • Ra nhiều dịch có mùi hôi, khi thăm khám rất đau đớn;

3. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo sau sinh

Cảnh giác nhiễm trùng tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ sau sinh
Tất cả các vi khuẩn thông thường như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, vi khuẩn yếm khí, trực khuẩn Coli gây nhiễm khuẩn sau sinh

Tất cả các vi khuẩn thông thường như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, vi khuẩn yếm khí, trực khuẩn Coli,... đều có thể gây nhiễm khuẩn sau sinh. Chúng thường xuyên có mặt ở môi trường, khi gặp điều kiện thuận lợi như khi thăm khám đỡ đẻ, làm các thủ thuật sản khoa, chúng sẽ xâm nhập cơ thể qua các tổn thương ở âm hộ, âm đạo, vết rạch tầng sinh môn hoặc vùng rau bám ở đáy tử cung. Mức độ nhiễm khuẩn nặng hay nhẹ tùy thuộc vào sức khỏe của sản phụ, độc tính của loại vi khuẩn và tính kháng kháng sinh của chúng tùy thuộc vào thời điểm phát hiện và điều trị nhiễm trùng.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo, âm hộ và tầng sinh môn sau sinh gồm: Dinh dưỡng kém, thiếu máu, béo phì, nhiễm độc thai nghén, ối vỡ non, ối vỡ sớm, bế sản dịch, chuyển dạ kéo dài, các thủ thuật như bóc rau, khám âm đạo nhiều lần trong quá trình chuyển dạ, theo dõi thai nhi bằng hình thức xâm nhập vào tử cung, băng huyết sau sinh, sản phụ trẻ tuổi,...

4. Biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng tầng sinh môn, âm hộ và âm đạo sau sinh

Sau sinh, nếu được vệ sinh đúng cách, vết khâu tầng sinh môn sẽ lành trong khoảng 2 - 4 tuần tùy cơ địa của từng sản phụ. Các biện pháp giúp giảm đau và phòng ngừa nhiễm khuẩn sau sinh gồm:

  • Chườm lạnh để giảm đau, giảm viêm sưng. Sản phụ có thể dùng gạc lạnh hoặc túi đá lạnh chườm lên vết khâu, sau đó lau khô bằng khăn sạch;
  • Dùng thuốc giảm đau theo đơn của bác sĩ để không ảnh hưởng tới chất lượng sữa mẹ;
  • Chọn tư thế ngồi ít tạo áp lực lên vết khâu hoặc có thể ngồi lên đệm hơi để giảm đau khi ngồi;
  • Chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sạch sẽ và khô ráo theo lời khuyên của bác sĩ, đặc biệt là sau khi tiểu tiện. Sản phụ nên lau sạch vùng đáy chậu, âm hộ 2 lần/ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi đi vệ sinh nên rửa nhanh bằng vòi sen và lau khô nhẹ nhàng. Khi lau nên lau từ trước ra sau để giảm nguy cơ nhiễm trùng từ hậu môn;
  • Dùng thuốc làm mềm phân nếu đại tiện gây đau đớn. Nên ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước để hạn chế táo bón;
  • Không nên thụt rửa sâu bên trong, dùng tampon hay quan hệ tình dục cho tới thời điểm được bác sĩ cho phép;
  • Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động mạnh để tránh gây hại cho vết thương;
  • Tập các bài tập sàn chậu và đi lại thường xuyên để giúp máu lưu thông và thúc đẩy vết thương nhanh lành;
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên mỗi 4 - 6 tiếng, đảm bảo không làm tổn thương đến vết khâu để vết thương luôn sạch sẽ, giảm sự tích tụ của vi trùng, độ ẩm và giảm nguy cơ nhiễm trùng;
  • Nên mặc quần lót thoáng mát, mềm mại, giặt sạch và phơi khô trước khi mặc để tránh nhiễm khuẩn;
  • Tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài việc thực hiện theo những lưu ý trên, sản phụ đừng quên chú ý quan sát tình trạng vết khâu tầng sinh môn cũng như vùng âm hộ, âm đạo. Khi vùng kín có các dấu hiệu sưng đỏ, đau, sốt, chảy máu, hở vết khâu, chảy dịch,... chứng tỏ đang có biểu hiện viêm hoặc nhiễm trùng, sản phụ nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.

Với những sản phụ sinh thường, rách tầng sinh môn khi sinh không chỉ khiến sản phụ đau đớn mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe sau này. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có phương pháp “Đẻ không đau”, với phương pháp này, quá trình vượt cạn của mẹ sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, giúp mẹ vượt cạn nhẹ nhàng, sinh con khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

173K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan