Chăm sóc vết khâu sau sinh để tránh nhiễm trùng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Nhiễm trùng vết khâu sau sinh là tình trạng nhiễm trùng xảy ra sau khi sinh mổ hoặc sinh thường tại vị trí vết mổ hoặc vết rạch tầng sinh môn. Do đó, để giảm nguy cơ biến chứng nhiễm trùng vết mổ sau khi sinh, bài viết sau đây sẽ hướng dẫn bà mẹ cách chăm sóc bản thân sau sinh thường và sinh mổ.

1. Chăm sóc vết rạch tầng sinh môn sau sinh thường

Sau khi rạch tầng sinh môn, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ khâu lại tầng sinh môn bằng cách khâu vết thương lại. Các mũi khâu thường có màu đen nhưng có thể có màu khác. Bạn có thể sẽ nhìn thấy vết khâu nhìn vào khu vực giữa âm hộ và hậu môn.

Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ tự tiêu (absorbable sutures) để khâu tầng sinh môn và các chỉ này sẽ tự biến mất trong vòng 2 đến 4 tuần.

Các chỉ khâu ở tầng sinh môn thường bắt đầu tự tiêu trong vài ngày và biến mất sau một hoặc hai tuần. Bạn có thể nhận thấy các mảnh của vết khâu (xuất hiện như những đốm đen nhỏ sót lại trên giấy vệ sinh) khi bạn vệ sinh vùng kín để phòng nhiễm trùng vùng kín sau sinh.

Chỉ khâu tầng sinh môn
Các chỉ khâu ở tầng sinh môn thường bắt đầu tự tiêu trong vài ngày và biến mất sau một hoặc hai tuần

2. Hướng dẫn chăm sóc vết khâu tầng sinh môn

Khi xuất viện trở về nhà, bạn có thể sẽ cảm thấy đau ở vùng đáy chậu. Có thể có một cơn đau dai dẳng hoặc cảm giác nhói hoặc bạn có thể cảm thấy thỉnh thoảng bị giật mạnh.

Bạn có thể giảm bớt cảm giác khó chịu này bằng cách chườm đá lạnh trong một hoặc hai ngày đầu tiên, đặc biệt nếu vết thương vẫn còn sưng và đỏ. Da ở khu vực này rất nhạy cảm. Một số bà mẹ thích chườm vùng chậu hông với tấm khăn ngâm nước cây phỉ (witch hazel), để đông lạnh, sau đó đắp lên quần lót để tạo cảm giác thoải mái.

Điều quan trọng nhất là giữ cho vùng đáy chậu của bạn sạch sẽ. Bắt đầu ngay sau khi bạn về đến nhà, hãy sử dụng một bình xịt chứa đầy nước ấm để làm sạch khu vực này mỗi khi bạn tắm. Vỗ nhẹ cho khô vùng đó thay vì lau để tránh làm rách vết khâu.

Dưới đây là một số mẹo hữu ích khác để giữ cho khu vực vùng kín sạch sẽ sau sinh:

  • Tránh dùng tampons trong 6 tuần đầu sau khi sinh.
  • Mua một bồn tắm mini nông được gọi là bồn tắm ngồi vừa vặn với bệ ngồi bồn cầu và cho phép bạn ngâm các vết khâu để làm sạch và giảm đau. Cần nhớ rằng không được ngâm mình trong nước ấm cho đến ít nhất 24 giờ sau khi sinh.
  • Thay băng vệ sinh cứ sau 2 đến 4 giờ.
  • Chọn băng vệ sinh tẩm thuốc làm mát được bán trên thị trường sử dụng cho bệnh trĩ để giảm đau. Lưu ý, bạn nên tìm sản phẩm không gây dị ứng, cân bằng độ pH và không chứa nước hoa.
  • Mua thuốc xịt làm tê dành riêng cho bà mẹ mới sinh, có thể tìm thấy ở hầu hết các hiệu thuốc. Lidocain dạng gel cũng có thể hữu ích.
  • Ngăn ngừa táo bón bằng cách tăng lượng nước và chất xơ. Nói chuyện với bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân và thuốc nhuận tràng khi cần thiết.
  • Uống thuốc giảm đau không kê đơn như Motrin (ibuprofen) để giúp giảm bớt sự khó chịu.
  • Sử dụng chất khử trùng diệt khuẩn trên tay trước khi làm sạch vùng tầng sinh môn (điều này giúp bạn tránh truyền vi khuẩn từ tay đến vùng tầng sinh môn).
  • Sử dụng khăn lau dành cho em bé thay cho giấy vệ sinh để giảm kích ứng do ma sát.
  • Sử dụng máy sấy thổi ở mức thấp nếu bạn gặp khó khăn khi làm khô vết thương. Giữ máy sấy cách xa da của bạn ít nhất 8 inch.
  • Lau từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ vùng hậu môn đi ra phía trước cửa mình.
Tampon
Tránh dùng tampons trong 6 tuần đầu sau khi sinh

3. Khi nào cần đến cơ sở y tế?

Cũng giống như với tất cả các loại phẫu thuật, nhiễm trùng có thể xảy ra sau khi rạch tầng sinh môn. Gọi cho bác sĩ của bạn hoặc đến phòng cấp cứu nếu bạn bị nhiễm trùng như:

  • Sốt 100 độ F trở lên
  • Tiết dịch có mùi hôi và/hoặc có màu hơi xanh
  • Đỏ và sưng quanh vết khâu
  • Đau dữ dội ở vết mổ
  • Có thể nhìn thấy mủ ở bên trong hoặc xung quanh vết thương

Hãy nhớ rằng ngoài nhiễm trùng, còn có những biến chứng khác có thể xảy ra sau khi cắt tầng sinh môn, thậm chí một số biến chứng có thể nghiêm trọng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc đáng lo ngại nào, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ.

4. Chăm sóc vết khâu sau sinh mổ

Trong phẫu thuật sinh mổ, bác sĩ sẽ rạch hai đường: Vết rạch thứ nhất xuyên qua da bụng dưới, cách đường lông mu khoảng một hoặc hai inch. Vết rạch thứ hai là vào tử cung, đây là nơi bác sĩ sẽ tiếp cận để đưa em bé ra ngoài. Loại vết cắt trên bụng có thể không giống vết cắt trên tử cung. Có hai loại sinh mổ:

  • Mổ theo chiều ngang. Một đường rạch ngang thấp (hoặc “đường cắt bikini”) được sử dụng trong 95% trường hợp sinh mổ ngày nay. Đó là bởi vì nó được thực hiện trên phần thấp nhất của tử cung, nơi mỏng hơn nên dẫn đến chảy máu ít hơn.
  • Mổ theo chiều dọc. Còn được gọi là sinh mổ “cổ điển”, đường cắt này nằm xuống giữa bụng, thường là từ dưới rốn đến đường lông mu. Kỹ thuật này từng phổ biến trước kia, nhưng bây giờ được dành riêng cho những trường hợp cụ thể, như nếu bạn đã có vết sẹo ở đó từ phẫu thuật trước, nếu em bé nằm thấp trong tử cung hoặc ở một vị trí bất thường khác hoặc nếu trường hợp khẩn cấp cần phải sinh ngay lập tức ( ví dụ, suy thai nặng hoặc chảy máu nhiều do nhau tiền đạo). Các vết rạch theo chiều dọc có thể hơi đau hơn và cần thêm thời gian hồi phục.
Bí quyết để vết mổ sau sinh nhanh lành, không sẹo
Chăm sóc vết khâu sau sinh mổ cần được thực hiện mỗi ngày

5. Chăm sóc vết khâu sau sinh mổ

Làm theo các hướng dẫn sau đây sẽ giúp vết khâu sau sinh mổ của bạn mau lành hơn:

  • Giữ vết khâu sạch sẽ. Mỗi ngày một lần (khi bạn tắm), hãy để nước xà phòng nhỏ xuống vết thương. Không cần phải chống thấm nước và bạn nên tránh chà xát mạnh. Khi bạn làm xong, nhẹ nhàng vỗ nhẹ cho khô khu vực này bằng khăn sạch.
  • Có thể sử dụng thuốc mỡ và băng vết khâu của bạn. Một số bác sĩ cho biết bạn có thể bôi thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc mỡ bôi trơn và băng nhẹ vết thương; những một số bác sĩ cho rằng tốt hơn là không bôi gì và để vết thương khô thoáng, không che lại. Do đó, bạn nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về loại nào tốt cho vết khâu của bạn.
  • Để hở vết khâu. Không khí thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương trên da, vì vậy, bất cứ khi nào có thể, hãy để vết sẹo của bạn tiếp xúc với không khí. Điều đó không có nghĩa là bạn phải bán khỏa thân đi lại, bạn có thể mặc một chiếc áo choàng rộng vào ban đêm là đủ để không khí lưu thông.
  • Khám sau sinh. Nếu vết mổ của bạn đã được đóng lại bằng chỉ khâu không tự tiêu, hãy nhớ đến các cuộc hẹn tái khám sau khi sinh để bác sĩ có thể loại bỏ các chỉ khâu này. Để vết khâu lâu hơn khuyến cáo có thể dẫn đến vết sẹo trông mất thẩm mỹ. Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ (ACOG) hiện này khuyến cáo, lần khám bác sĩ sau sinh đầu tiên diễn ra trong vòng ba tuần sau khi sinh thay vì bốn đến sáu tuần như các hướng dẫn trước đây đã đề xuất, ngoài ra, bà mẹ cần khám toàn diện khác trong vòng 12 tuần sau sinh. Đối với sinh mổ, thời gian và tần suất thăm khám với bác sĩ có thể khác nhau, vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về thời điểm khám sau khi sinh con.
  • Không tập thể dục. Bạn cần dành thời gian để các vết sẹo trên tử cung và trên bụng lành lại. Vì vậy, tránh cúi, vặn người hoặc chuyển động đột ngột và không nhấc bất cứ vật gì nặng hơn em bé của bạn. Nếu bạn muốn tập thể dục, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về thời điểm được tập thể dục và bài tập nào phù hợp với bạn.
  • Đi dạo. Chỉ vì bạn không thể tập thể dục ngay bây giờ không có nghĩa là bạn không thể duy trì hoạt động. Trên thực tế, đi lại giúp lưu lượng máu tăng lên tạo điều kiện cho lành vết thương và giảm nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu, hoặc DVT (một cục máu đông phổ biến hơn trong thời kỳ mang thai và thời kỳ sau sinh). Ngay khi bạn có thời gian, hãy đặt bé vào chiếc xe đẩy và đi dạo quanh khu phố của bạn.

6. Khi nào đến gặp bác sĩ sau sinh mổ?

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức:

  • Vết khâu hoặc vùng da xung quanh bị đỏ hoặc sưng tấy
  • Sốt cao hơn 100,4 F
  • Chảy dịch hoặc tiết dịch từ vết mổ
  • Mùi hôi từ vết mổ
  • Vết khâu trở nên cứng lại hoặc bạn cảm thấy ngày càng đau xung quanh vết khâu
  • Đau tăng lên
  • Vết mổ của bạn bị hở

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: whattoexpect.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan