Bệnh lây qua đường tình dục là một nhóm bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra và có thể lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Những bệnh này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết sau!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh lây qua đường tinh dục là gì?
Bệnh lây qua đường tình dục viết tắt là STDs, đây được tên chung của nhóm bệnh nhiễm trùng lây lan chủ yếu qua quan hệ tình dục, bao gồm quan hệ bằng cơ quan sinh dục, hậu môn hoặc miệng. Những bệnh này do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra, có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tinh dịch, dịch âm đạo và các dịch tiết cơ thể khác. Ngoài con đường tình dục, bệnh cũng có khả năng lây truyền qua đường máu hoặc từ mẹ sang con trong thai kỳ, khi sinh nở.
Hiện nay, y học đã ghi nhận khoảng 20 loại bệnh lây truyền qua đường tình dục, với tỷ lệ nhiễm rất cao, đặc biệt ở người trong độ tuổi sinh sản. Các bệnh này thường khó điều trị dứt điểm, nếu không được kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Một số hậu quả phổ biến bao gồm hội chứng đau vùng chậu mạn tính, viêm nhiễm đường sinh dục và trong nhiều trường hợp có thể dẫn đến vô sinh.

2. Hình ảnh và thông tin về bệnh lây qua đường tình dục (STDs)
2.1 Mụn cóc sinh dục (HPV)
Mụn cóc sinh dục là bệnh do virus u nhú ở người (HPV) gây ra, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Đặc biệt, virus HPV có thể lây nhiễm ngay cả khi chỉ có tiếp xúc da kề da. Một số chủng HPV gây mụn cóc thường lành tính, nhưng một số chủng khác có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung hoặc ung thư hậu môn.
Hiện nay, đã có vắc-xin giúp bảo vệ cơ thể khỏi các chủng HPV nguy hiểm nhất. Việc chủ động tiêm phòng là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm virus và các biến chứng liên quan.
Dấu hiệu nhận biết, bao gồm:
- Xuất hiện mụn cóc màu hồng hoặc màu da, có bề mặt phẳng hoặc hình dạng giống như súp lơ.
- Ngoài sự xuất hiện của mụn cóc, bệnh nhân thường không có triệu chứng đi kèm.

2.2 Rận mu
Nhiễm ký sinh trùng rận mu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Loài rận này có thể lây nhiễm từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần, đặc biệt qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng một số loại thuốc.
Các triệu chứng nhận biết, bao gồm:
- Ngứa dữ dội ở vùng lông mu do rận cắn và tiết dịch gây kích ứng da.
- Xuất hiện trứng nhỏ dính chặt vào sợi lông mu.
- Có thể quan sát thấy rận bò trên vùng lông mu.

2.3 Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ là tình trạng nhiễm ký sinh trùng do một loại ve nhỏ xâm nhập vào da để đẻ trứng. Bệnh có thể lây lan qua bất kỳ hình thức tiếp xúc da kề da nào, không nhất thiết chỉ qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, ở những người trẻ tuổi, bệnh thường lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn.
Bệnh có thể được điều trị hiệu quả bằng các loại kem bôi ngoài da đặc trị, giúp tiêu diệt ký sinh trùng và giảm triệu chứng.
Triệu chứng nhận biết:
- Ngứa dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm.
- Xuất hiện phát ban dạng mụn nhỏ, có thể kèm theo vết trầy xước do gãi.
- Các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 đến 6 tuần sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.

2.4 Bệnh lậu
Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là vô sinh ở cả nam và nữ.
Hiện nay, bệnh lậu có thể được kiểm soát bằng kháng sinh, giúp ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng và hạn chế các biến chứng.
Triệu chứng của bệnh lậu sẽ là:
- Nam giới: Cảm giác nóng rát khi đi tiểu và khi xuất tinh, chảy mủ từ dương vật, sưng đau tinh hoàn.
- Nữ giới: Chảy mủ từ âm đạo, đau vùng chậu, đau hông. Triệu chứng có thể nhẹ, dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường tiết niệu.
- Các triệu chứng khác: Nhiễm trùng có thể gây phát ban trên da. Trong một số trường hợp, vi khuẩn lậu có thể lan đến các khớp và có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

2.5 Bệnh giang mai
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Trong giai đoạn đầu, hầu hết bệnh nhân không nhận biết được triệu chứng của bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như liệt, mù lòa và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, bệnh giang mai có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng kháng sinh nếu phát hiện và điều trị sớm.
Triệu chứng của bệnh giang mai, bao gồm:
- Dấu hiệu đầu tiên: Xuất hiện vết loét cứng, tròn, không đau ở cơ quan sinh dục, hậu môn hoặc miệng. Bệnh lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét này.
- Sau đó, bệnh nhân có thể bị phát ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc các vùng khác trên cơ thể. Người bệnh có thể sốt nhẹ, rụng tóc, mệt mỏi, đau nhức cơ thể.
- Giai đoạn muộn: Khi không được điều trị, vi khuẩn có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan quan trọng như tim, gan, não, hệ thần kinh và mắt.

2.6 Bệnh Chlamydia
Bệnh Chlamydia là một trong những bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục phổ biến, do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là vô sinh. Bệnh có thể được chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh, tuy nhiên, do triệu chứng thường không rõ ràng hoặc không xuất hiện, nhiều người không biết mình đã nhiễm bệnh.
Chlamydia có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm cả đường âm đạo, miệng và hậu môn. Do đó, bệnh có thể gây nhiễm trùng tại các vị trí như cổ họng, trực tràng.
Triệu chứng của bệnh Chlamydia ở nam giới:
- Cảm giác ngứa ở đầu dương vật.
- Chảy dịch bất thường (có thể là mủ).
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.
Triệu chứng của bệnh ở nữ giới:
- Ngứa hoặc khó chịu trong âm đạo.
- Chảy dịch âm đạo bất thường, có thể kèm theo mùi hôi.
- Đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.

2.7. Virus Herpes Simplex 1 (HSV-1)
Virus Herpes simplex loại 1 (HSV-1) là tác nhân gây bệnh herpes ở môi, thường không được xem là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Virus này có thể lây lan dễ dàng giữa các thành viên trong gia đình thông qua tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt là qua nụ hôn. Tuy nhiên, nếu có quan hệ tình dục bằng đường miệng không an toàn, HSV-1 cũng có thể gây bệnh ở cơ quan sinh dục.
Triệu chứng của bệnh herpes do HSV-1:
- Xuất hiện mụn nước hoặc vết loét ở môi, thường kèm theo cảm giác nóng rát, ngứa hoặc đau.
- Ở một số trường hợp, virus có thể gây các vết rộp nhỏ hoặc loét ở bộ phận sinh dục.

2.8. Virus Herpes Simplex 2 (HSV-2)
Mụn rộp sinh dục chủ yếu do virus Herpes simplex type 2 (HSV-2) gây ra. Virus này lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp với vết loét của người nhiễm bệnh.
Cũng giống như HSV-1, hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mụn rộp sinh dục. Các loại thuốc kháng virus chỉ giúp kiểm soát bệnh, giảm tần suất tái phát và rút ngắn thời gian xuất hiện triệu chứng.
Triệu chứng của mụn rộp sinh dục:
- Xuất hiện các mụn nước chứa dịch trên bộ phận sinh dục, hậu môn, đùi hoặc mông. Khi vỡ ra, các mụn nước này tạo thành vết loét đau, sau đó đóng vảy khi lành.
- Nếu lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng, các tổn thương có thể xuất hiện ở môi.

2.9. Viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh do virus viêm gan B (HBV) gây ra, có khả năng gây tổn thương gan nghiêm trọng. Đây được gọi là "virus tàng hình" vì nhiều người mang virus trong cơ thể nhưng không có triệu chứng rõ ràng. Điều này khiến họ vô tình lây nhiễm cho người khác mà không hay biết.
Virus viêm gan B lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch cơ thể của người nhiễm bệnh. Các con đường lây nhiễm bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng.
- Truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Hiện nay, viêm gan B chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, thuốc kháng virus có thể giúp kiểm soát sự phát triển của virus. Ngoài ra, việc tiêm phòng vắc xin viêm gan B cũng có thể giúp bảo vệ cơ thể hiệu quả khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.
Triệu chứng của viêm gan B:
- Giai đoạn cấp tính: Một số bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, vàng da hoặc vàng mắt.
- Giai đoạn mạn tính: Nhiễm virus kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.
- Đặc biệt, nhiều người mang virus nhưng không có triệu chứng trong nhiều năm, gây khó khăn trong việc phát hiện bệnh.

2.10. HIV/AIDS
Virus HIV làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, khiến người nhiễm mất khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường. HIV lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chung bơm kim tiêm với người nhiễm bệnh hoặc lây từ mẹ sang con.
Sau khi nhiễm HIV, nhiều trường hợp không có triệu chứng trong nhiều năm. Vì vậy, xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất để xác định tình trạng nhiễm virus.
Việc điều trị HIV sớm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Nếu nghi ngờ đã phơi nhiễm HIV, mọi người cần bắt đầu sử dụng thuốc điều trị dự phòng càng sớm càng tốt để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Đối với người đã nhiễm HIV, điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) giúp kiểm soát bệnh, làm chậm tiến triển của HIV chuyển thành AIDS.
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị giúp loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Tuy nhiên, các thuốc kháng virus có thể ức chế sự nhân lên của virus, giúp duy trì hệ miễn dịch và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ khác giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ hội ở người có hệ miễn dịch suy yếu.
Triệu chứng của HIV/AIDS:
- Nhiều người nhiễm HIV không có triệu chứng trong giai đoạn đầu.
- Một số trường hợp có thể xuất hiện các triệu chứng giống cúm từ 1 - 2 tháng sau khi nhiễm, bao gồm: sưng hạch bạch huyết, sốt, đau đầu, mệt mỏi.
- Loét miệng cũng có thể xảy ra ở một số bệnh nhân.
2.11. Trichomonas
Trichomonas là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Hiện nay, tình trạng bệnh này đã có những thuốc loại thuốc phù hợp giúp điều trị hiệu quả.
Hầu hết nam giới nhiễm Trichomonas không có triệu chứng rõ ràng. Một số trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng nhẹ như tiết dịch số lượng ít hoặc cảm giác nóng rát nhẹ khi đi tiểu.
Trong khi đó nữ giới nhiễm Trichomonas sẽ gặp các triệu chứng như:
- Khí hư nhiều, có màu vàng xanh và mùi hôi khó chịu.
- Ngứa ngáy vùng âm đạo.
- Đau rát khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu.
Các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng 5 - 28 ngày sau khi nhiễm ký sinh trùng.

2.12 Loét hạ cam
Loét hạ cam là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chancroid gây ra. Bệnh phổ biến ở các khu vực châu Phi và châu Á nhưng ít gặp hơn ở một số nước phát triển. Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện các vết loét đau ở bộ phận sinh dục. Hiện nay, bệnh đã có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh.
Triệu chứng của loét hạ cam ở nam giới bao gồm:
- Xuất hiện các vết sưng đau trên dương vật, sau đó tiến triển thành vết loét có mủ.
- Đau nhức ở bộ phận sinh dục và vùng háng.
Nữ giới nhiễm vi khuẩn Chancroid sẽ gặp phải các triệu chứng sau:
- Xuất hiện các vết đau ở vùng sinh dục, có thể phát triển thành vết loét.
- Sưng hạch bạch huyết ở vùng háng, có thể gây đau.

2.13. Bệnh hột xoài (Lymphogranuloma Venereum - LGV)
Bệnh hột xoài, hay còn gọi là u hạt lympho sinh dục, là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do một chủng vi khuẩn Chlamydia hiếm gặp gây ra. Bệnh phổ biến hơn ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Tương tự như các dạng nhiễm Chlamydia khác, bệnh hột xoài có thể được điều trị hiệu quả bằng kháng sinh.
- Xuất hiện vết loét trên bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
- Bệnh nhân có thể bị nhức đầu, sốt, mệt mỏi.
- Sưng đau hạch bạch huyết ở háng.
- Nếu quan hệ qua đường hậu môn, bệnh có thể gây chảy máu trực tràng, tiết dịch bất thường và đau vùng hậu môn.

2.14. Bệnh viêm vùng chậu
Bệnh viêm vùng chậu (Pelvic Inflammatory Disease - PID) không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng thường là biến chứng của các bệnh lây qua đường tình dục (STDs) không được điều trị, đặc biệt là nhiễm Chlamydia trachomatis và Neisseria gonorrhoeae (vi khuẩn gây bệnh lậu).
Bệnh xảy ra khi vi khuẩn lây lan và gây nhiễm trùng tại tử cung và các cơ quan sinh sản nữ. Việc điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em phụ nữ.
Triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu, bao gồm:
- Đau bụng dưới, có thể âm ỉ hoặc dữ dội.
- Sốt.
- Khí hư bất thường, có màu sắc hoặc mùi bất thường.
- Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu.
- Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, khiến bệnh khó phát hiện sớm.

2. Ai có nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục (STDs)?
Bất kỳ người nào có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), bất kể giới tính, chủng tộc, địa vị xã hội hay xu hướng tình dục.
Theo nghiên cứu, thanh thiếu niên có nguy cơ mắc STDs cao hơn so với người lớn tuổi. Thống kê cho thấy, đến tuổi 25, khoảng một nửa số người trưởng thành có quan hệ tình dục đã từng mắc STDs.
Những người có nhiều bạn tình có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do tăng tần suất tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Đặc biệt, một số bệnh lây qua đường tình dục như giang mai và bệnh hột xoài (LGV) đang có xu hướng gia tăng trong nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
3. Phụ nữ còn trinh có thể mắc bệnh lây qua đường tình dục không?
Phụ nữ chưa quan hệ tình dục vẫn có nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục, bởi vì nhiều loại bệnh có thể lây truyền qua bất kỳ hình thức hoạt động tình dục nào, bao gồm cả tiếp xúc da kề da và quan hệ tình dục qua đường miệng. Điều này đặc biệt đúng với những bệnh lây qua đường tình dục gây ra tổn thương hoặc vết loét ở bộ phận sinh dục.
4. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục?
Cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục là tránh xa mọi quan hệ tình dục không an toàn, duy trì quan hệ một vợ một chồng và đảm bảo rằng bạn tình không bị nhiễm bệnh. Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục (STDs), có thể thực hiện những biện pháp sau:
- Hỏi bạn tình về tình trạng sức khỏe của họ, xem họ có mắc các bệnh lây qua đường tình dục không.
- Yêu cầu bạn tình kiểm tra sức khỏe trước khi quan hệ tình dục.
- Sử dụng bao cao su trong suốt quá trình quan hệ.
- Tránh quan hệ tình dục nếu bạn tình có dấu hiệu của các bệnh lây qua đường tình dục.
- Nắm rõ các triệu chứng của các bệnh lây qua đường tình dục và thường xuyên kiểm tra sức khỏe cá nhân.
5. Bao cao su có thể ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục một cách tuyệt đối?
Bao cao su là một biện pháp có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ lây truyền một số bệnh lây qua đường tình dục (STDs), tuy nhiên, không thể đảm bảo bảo vệ tuyệt đối khỏi tất cả các bệnh này.
Các bệnh lây qua đường tình dục có thể được ngăn ngừa hiệu quả nhờ bao cao su, bao gồm:
- Bệnh lậu.
- Chlamydia.
- HIV.
- Trichomonas.
Tuy nhiên, bao cao su có hiệu quả hạn chế trong việc phòng tránh các bệnh sau:
- Herpes sinh dục.
- Giang mai.
- Mụn cóc sinh dục.
Những bệnh lý này có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương trên da không được bao cao su che phủ.
Ngoài ra, bao cao su gần như không có tác dụng trong việc phòng tránh: Bệnh rận mu, bệnh ghẻ.

6. Có nên chia sẻ với đối tác?
Nếu nghi ngờ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, cần thông báo cho đối tác càng sớm càng tốt. Việc lây nhiễm vẫn có thể xảy ra ngay cả khi đã bắt đầu điều trị hoặc đang sử dụng bao cao su.
Đối với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ khuyến cáo nên điều trị đồng thời cho cả hai người để đạt hiệu quả tốt nhất và ngăn ngừa tái nhiễm.
Dù đây có thể là một cuộc trò chuyện khó khăn, nhưng việc trao đổi thẳng thắn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai, giúp bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.
7. Bệnh lây qua đường tình dục và mang thai
Việc xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) trong thai kỳ là vô cùng quan trọng. Nhiều bệnh có thể lây từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, trong quá trình sinh nở hoặc sau khi trẻ chào đời.
Các ảnh hưởng của STDs đối với thai nhi và trẻ sơ sinh bao gồm:
- Thai chết lưu.
- Sinh non, trẻ nhẹ cân.
- Tổn thương thần kinh.
- Mù lòa.
- Bệnh lý về gan.
- Nhiễm trùng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiện nay đã có các phương pháp điều trị giúp giảm thiểu những nguy cơ này. Việc điều trị trong thai kỳ có thể giúp chữa khỏi một số bệnh lây truyền qua đường tình dục và làm giảm nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.

8. Bệnh lây qua đường tình dục có thể quay trở lại không?
Hầu hết các phương pháp điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) không giúp ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm. Một liệu trình điều trị bằng thuốc có thể giúp loại bỏ các bệnh như lậu, giang mai, chlamydia, trichomonas, nhưng nếu tiếp xúc lại với tác nhân gây bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn hoàn toàn có thể xảy ra.
Nếu đối tác không được điều trị, nguy cơ lây nhiễm qua lại sẽ tiếp tục diễn ra. Việc không áp dụng các biện pháp phòng tránh đúng cách có thể dẫn đến tái nhiễm nhanh chóng hoặc thậm chí mắc thêm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Có rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục và trong một thời điểm, một người có thể mắc nhiều bệnh cùng lúc nếu không biết cách tự bảo vệ. Dù hiện nay đã có phương pháp điều trị cho một số bệnh, nhưng vẫn còn những bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Vì vậy, việc thực hiện quan hệ tình dục an toàn là biện pháp quan trọng giúp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.