Hút thai trứng có đau không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nạo hút thai trứng là thủ thuật đưa ống hút vào buồng tử cung để hút tổ chức trứng và rau thai ra. Quy trình nạo hút thai trứng nguy hiểm hơn hút thai thông thường bởi tử cung to và mềm nên dễ gặp biến chứng chảy máu, thủng tử cung, hoặc sót trứng.

1. Tổng quan về bệnh thai trứng

Thai trứng, hay còn gọi là chửa trứng, là tình trạng bất thường chiếm khoảng 2% thai kỳ. Trong đó, một phần hoặc toàn bộ bánh nhau bị thoái hóa và tạo thành các túi chứa dịch không còn mạch máu. Những bọc nước này kết lại từng chùm tương tự như những chùm nho nhỏ. Có ba dạng chửa trứng là:

  • Thai trứng toàn phần: Không có thai nhi, nguy cơ bị ung thư nguyên bào nuôi khá cao (8 - 29%)
  • Thai trứng bán phần: Có thai nhi;
  • Thai trứng xâm lấn: Nguy cơ ung thư nguyên bào nuôi với tỷ lệ 15% và di căn khoảng 4%.

Đa phần những trường hợp thai trứng là lành tính, tuy nhiên bệnh lý này có nguy cơ chuyển biến thành ác tính. Cụ thể, khoảng hơn 80% các trường hợp sau khi nạo hút thai trứng sẽ trở về bình thường, 20% còn lại tiếp tục phát triển xâm lấn cơ tử cung, hoặc kèm theo di căn (ung thư nguyên bào nuôi).

Chính vì vậy không được chủ quan đối với tình trạng này, thay vào đó là cần điều trị đúng và theo dõi sát sao nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu cảnh báo. Thai phụ nên đến bệnh viện chuyên khoa có kinh nghiệm về chữa thai trứng để điều trị và phải tuân thủ tuyệt đối chế độ theo dõi sau điều trị như bác sĩ hướng dẫn.

Thai trứng xâm lấn: Những điều cần biết
Thai trứng cần được nạo hút

2. Chuẩn bị trước khi nạo hút thai trứng

2.1. Chỉ định và chống chỉ định

Bác sĩ thường chỉ định nạo hút trứng ngay sau khi được chẩn đoán nhằm đề phòng sảy tự nhiên gây băng huyết. Chỉ định trong trường hợp: Thai trứng toàn phần hoặc bán phần và bệnh nhân vẫn còn nguyện vọng có con.

Chống chỉ định đối với người bị thiếu máu nặng, hoặc phụ nữ không có nguyện vọng có sinh con trong tương lai (phẫu thuật cắt tử cung).

2.2. Tư vấn

Trước khi tiến hành thủ thuật nạo hút thai trứng, bác sĩ sẽ trình bày rõ với nạn nhân những thông tin sau:

  • Tình trạng bệnh hiện tại cũng như các biến chứng ác tính có thể gặp;
  • Các bước thuộc quy trình nạo hút thai trứng, nguy cơ tai biến trong và sau khi thực hiện thủ thuật;
  • Theo dõi sau điều trị, thời gian và khả năng mang thai trong tương lai.

2.3. Dụng cụ và vật liệu

  • Bộ truyền bao gồm dịch, dây và kim;
  • Bơm hút trứng loại 1 hoặc 2 van, máy hút nếu cần thiết;
  • Thuốc co tử cung Misoprostol, Ergometrin, và Oxytocin;
  • Thuốc giảm đau tiêm tĩnh mạch hoặc thuốc gây tê cổ tử cung;
  • Khăn vải vô khuẩn trải ở mông, bụng và 2 đùi;
  • 2 đôi găng tay, áo, mũ, khẩu trang vô khuẩn;
  • Bộ dụng cụ bao gồm: 2 kẹp sát trùng, 1 van âm đạo, 1 kẹp cổ tử cung, thước đo tử cung, ống hút cỡ 6 - 12, dung dịch sát khuẩn, bông hoặc gạc sát khuẩn.

2.4. Người bệnh

  • Khám toàn trạng bệnh nhân, bao gồm mạch, nhiệt độ, huyết áp;
  • Đặt âm đạo Misoprostol trước khi tiến hành thủ thuật 1 giờ để làm mềm cổ tử cung;
  • Truyền tĩnh mạch dung dịch muối hoặc glucose đẳng trương có pha 5 đơn vị Oxytocin;
  • Tiêm thuốc tiền mê nếu cần thiết.

2.5. Ekip thực hiện

  • Rửa tay theo quy định;
  • Mặc áo, đeo khẩu trang và găng tay vô khuẩn.

Như vậy, xung quanh thắc mắc của một số phụ nữ “Hút thai trứng có đau không?”, các bác sĩ cho biết có trường hợp sẽ được gây tê hoặc tiêm thuốc mê trong quy trình nạo hút thai trứng nên bệnh nhân sẽ không cảm nhận được cảm giác đau. Tuy nhiên sau thủ thuật bệnh nhân có thể bị đau bụng râm ran trong vòng vài ngày.

3. Quy trình nạo hút thai trứng

  • Trải khăn vải vô khuẩn;
  • Sát khuẩn âm hộ và âm đạo;
  • Đặt van âm đạo sau đó sát khuẩn lại âm đạo kèm cổ tử cung;
  • Kẹp cổ tử cung và đo buồng tử cung;
  • Hút trứng bằng bơm hoặc máy hút;
  • Đo lại buồng tử cung;
  • Lau sát khuẩn âm đạo và cổ tử cung bằng kẹp mới;
  • Tháo dụng cụ;
  • Lấy bệnh phẩm đã hút và gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh;
  • Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân về kết quả thủ thuật
  • Nhân viên y tế ghi chép hồ sơ;
  • Chỉ định điều trị tiếp theo với kháng sinh hoặc thuốc co tử cung.
Bệnh viện
Nạo vét thai trứng cần đến bệnh viện uy tín

4. Theo dõi sau nạo hút thai trứng

Trong vòng 3 giờ sau khi nạo hút thai trứng, bệnh nhân sẽ được theo dõi toàn trạng, bao gồm mạch, thân nhiệt và huyết áp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ theo dõi dấu hiệu co hồi tử cung và chảy máu âm đạo để kịp thời xử trí các tai biến nếu có xảy ra. Cụ thể:

  • Chảy máu

Nếu bệnh nhân bị chảy máu trong khi đang hút thì cần hồi sức và đẩy nhanh thao tác hút để lấy hết trứng. Khi tử cung co lại sẽ giảm chảy máu, kết hợp thuốc co tử cung Oxytocin, Ergotamin, hoặc Misoprostol.

  • Thủng tử cung

Tiến hành mổ cấp cứu theo 1 trong 2 trường hợp sau:

  1. Bệnh nhân còn nguyện vọng có con: Sau khi mở ổ bụng, bác sĩ cầm tử cung trong tay, phẫu thuật viên khác tiếp tục hút trứng đến khi sạch buồng tử cung và khâu lại lỗ thủng.
  2. Người bệnh không muốn có con nữa: Cắt tử cung toàn phần, nếu bệnh nhân lớn tuổi thì cắt 2 phần phụ.
  • Sót trứng

Tiếp tục dùng kháng sinh, kết hợp thuốc co tử cung và hút lại buồng tử cung đến khi sạch trứng.

Nhìn chung sau khi nạo hút thai trứng, tử cung sẽ co bóp để trở về kích thước ban đầu. Trong thời gian từ 4 - 6 tuần sẽ có hiện tượng ra máu âm đạo với số lượng ít hoặc vừa, kèm theo đau bụng lâm râm tùy theo từng cơ địa người phụ nữ. Phụ nữ cần đi tái khám theo đúng lời hẹn của bác sĩ để đảm bảo được theo dõi sát sao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan