Làm cách nào để giảm bớt nếu bầu vú quá căng sữa?

Cương tức sữa sau sinh là hiện tượng vú cứng, sưng, đau do có quá nhiều sữa mẹ. Căng tức sữa sau sinh có thể khiến vú trở nên to, căng, sần và mềm. Vết sưng có thể lên đến tận nách và các tĩnh mạch trên bề mặt bầu ngực có thể trở nên rõ hơn.

1. Nguyên nhân của căng tức sữa sau sinh

Căng tức sữa sau sinh (Engorgement) là hậu quả của việc tăng lưu lượng máu trong vú của bạn trong những ngày sau khi sinh. Lưu lượng máu tăng lên giúp ngực bạn tạo ra nhiều sữa, nhưng nó cũng có thể gây đau và khó chịu.

Sản xuất sữa có thể không xảy ra cho đến 3-5 ngày sau khi sinh. Căng tức sữa sau sinh có thể xảy ra lần đầu tiên trong một hoặc hai tuần đầu tiên sau khi sinh. Nó cũng có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu bạn tiếp tục cho con bú.

Ngoài ra, một số tình trạng hoặc hành vi nhất định có thể khiến bạn có nhiều khả năng gặp phải tình trạng sưng phù, thường liên quan đến chứng căng sữa. Những nguyên nhân này bao gồm:

  • Trẻ bỏ lỡ cữ bú
  • Bỏ qua một lần hút sữa
  • Tạo ra một lượng sữa dư thừa để trẻ thèm ăn
  • Tăng lượng sữa công thức giữa các lần cho con bú, có thể làm giảm lượng bú sữa mẹ sau đó
  • Cai sữa quá nhanh
  • Nuôi trẻ bị ốm
  • Trẻ gặp khó khăn với việc ngậm và bú
  • Không vắt sữa mẹ sau khi sinh vì bạn không định cho con bú sữa mẹ

2. Triệu chứng căng sữa

Các triệu chứng của căng sữa ở mỗi người sẽ khác nhau. Tuy nhiên, khi vú căng sữa, bạn có thể cảm thấy:

  • Ngực bị cứng hoặc bó chặt
  • Ngực mềm hoặc ấm khi chạm vào
  • Ngực nặng nề hoặc đầy
  • Ngực vón cục
  • Ngực sưng lên

Chỗ sưng có thể chỉ ở một bên vú hoặc có thể xảy ra ở cả hai bên. Sưng cũng có thể kéo dài lên vú và vào nách gần đó. Các tĩnh mạch chạy dưới da vú có thể trở nên dễ nhìn thấy bằng mắt thường hơn. Đây là kết quả của việc tăng lưu lượng máu cũng như độ căng của da trên các tĩnh mạch.

Một số người bị căng sữa có thể bị sốt nhẹ và mệt mỏi trong những ngày đầu tiết sữa. Tình trạng này đôi khi được gọi là “sốt sữa”, bạn có thể tiếp tục cho con bú nếu bị sốt. Tuy nhiên, bạn nên thông báo cho bác sĩ về tình trạng tăng nhiệt độ. Đó là vì một số bệnh nhiễm trùng ở vú cũng có thể gây sốt và những bệnh nhiễm trùng này cần được điều trị trước khi chúng trở nên nặng hơn.

Ví dụ, viêm vú là một bệnh nhiễm trùng gây viêm mô vú. Nguyên nhân thường gặp nhất là do sữa bị kẹt trong vú. Viêm vú không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như tụ mủ trong ống dẫn sữa bị tắc.

Báo cáo cơn sốt và bất kỳ triệu chứng nào khác mà bạn gặp phải gần đây cho bác sĩ. Họ có thể sẽ theo dõi các dấu hiệu của bệnh hoặc nhiễm trùng để giúp bạn có thể tìm cách điều trị ngay lập tức.

căng tức sữa
Một số người bị căng sữa có thể bị sốt nhẹ và mệt mỏi trong những ngày đầu tiết sữa

3. Các biến chứng của căng tức sữa

Căng tức sữa có thể gây ra một số biến chứng như sau:

  • Trẻ bắt vú kém: Nếu vú của bạn quá căng và cứng, núm vú có thể bị phẳng. Núm vú phẳng và bầu vú cứng khiến bé khó ngậm đầu vú vào trong miệng.
  • Giảm nguồn cung cấp sữa mẹ: Nếu tình trạng sưng tấy không thuyên giảm và con bạn không thể ngậm vú, sẽ khiến sữa mẹ không được đưa ra ngoài. Khi sữa mẹ vẫn còn bên trong bầu ngực, nó không kích thích sản xuất nhiều sữa mẹ hơn, điều này có thể gây nguy hiểm cho nguồn sữa của bạn. Bạn cũng có thể bị thiếu sữa do lạm dụng chườm lạnh.
  • Trẻ tăng cân kém: Nếu trẻ gặp khó khăn khi ngậm vú của bạn, có thể trẻ không bú đủ sữa mẹ để tăng cân đều đặn.
  • Tăng áp lực dòng sữa mẹ: Áp lực từ việc dự trữ sữa trong bầu ngực có thể dẫn đến phản xạ tiết sữa hoạt động quá mức và làm cho sữa mẹ chảy ra ngoài rất nhanh. Việc xả sữa nhiều hoặc dòng sữa chảy nhanh có thể khiến bé bị sặc và nuốt quá nhiều không khí khi bé đang cố gắng nuốt sữa mẹ.
  • Từ chối bú mẹ: Con bạn có thể chán nản vì khó ngậm để bắt vú, không bú đủ sữa mẹ hoặc sữa chảy rất nhanh. Những vấn đề thường liên quan đến căng sữa này có thể dẫn đến trẻ không chịu bú sữa mẹ.
  • Các vấn đề khác về vú: Tình trạng căng sữa có thể dẫn đến các vấn đề về vú khác bao gồm đau đầu vú, chảy sữa, tắc ống dẫn sữa và viêm vú.
  • Cai sữa sớm: Nhiều phụ nữ xuất viện trong vòng vài ngày sau khi sinh con, vì vậy tình trạng căng tức sữa sau sinh thường bắt đầu tại nhà. Vì tình trạng này có thể gây đau đớn cho mẹ và gây khó khăn cho trẻ khi ngậm và bú sữa mẹ, đây là nguyên nhân phổ biến của việc cai sữa sớm.
Bé có thể bỏ bú khi mắc bệnh viêm mũi họng
Con bạn có thể chán nản vì khó ngậm để bắt vú, không bú đủ sữa mẹ hoặc sữa chảy rất nhanh

4. Làm thế nào để giảm bớt tình trạng căng tức sữa sau sinh?

Dù nguyên nhân là gì, sự căng tức và căng sữa có thể gây đau. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể thực hiện điều trị ngay tại nhà:

  • Cho trẻ bú mẹ thường xuyên: Cho trẻ bú mẹ thường xuyên, ít nhất 1 đến 3 giờ một lần suốt cả ngày và đêm.
  • Cho trẻ bú bao lâu tùy thích, nhưng ít nhất 20 phút cho mỗi lần bú.
  • Nếu bạn thấy trẻ buồn ngủ, hãy đánh thức trẻ để cho bú.
  • Sử dụng kỹ thuật vắt bằng tay hoặc máy hút sữa để hút bớt một ít sữa mẹ trước mỗi lần cho con bú. Điều này sẽ giúp giảm căng tức, làm mềm vú của bạn và giúp bé ngậm đầu vú mẹ dễ dàng hơn.
  • Xoa bóp vú của bạn khi trẻ bú để giúp đẩy nhiều sữa cho trẻ bú hơn.
  • Sau mỗi lần cho con bú, hãy đặt một miếng gạc lạnh lên vú để giúp giảm đau và sưng tấy.
  • Thay đổi các tư thế cho con bú để trẻ hút hết sữa từ các vùng vú của bạn.
  • Nói chuyện với bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau không kê đơn như Tylenol hoặc Motrin để giúp giảm đau và viêm.
  • Chỉ cho trẻ bú từ một bên trong suốt một cữ bú để giúp bú hết sữa bên đó. Sau đó mới bắt đầu cho bú bên đối diện.
  • Không cho trẻ uống sữa công thức hoặc nước giữa các lần cho con bú. Bé sẽ bú ít sữa mẹ hơn khi đến giờ bú và bạn có nhiều khả năng bị căng sữa.
  • Tắm nước ấm hoặc chườm ấm cho ngực ngay trước khi cho con bú. Tuy nhiên, bạn không nên chườm nóng ngực giữa các lần cho con bú vì nó có thể khiến tình trạng sưng tấy nặng hơn.
  • Nghỉ ngơi nhiều.
  • Để ý các dấu hiệu chảy sữa, tắc ống dẫn sữa hoặc nhiễm trùng vú.
  • Nếu bạn đang cho trẻ cai sữa, hãy thử cai sữa với tốc độ chậm hơn. Nếu bạn cai sữa dần dần cho con, bạn có thể hoàn toàn không bị căng sữa.
Trẻ bú sữa công thức có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn so với trẻ bú mẹ
Bạn không nên cho trẻ uống sữa công thức giữa các lần cho con bú bởi trẻ có thể bú ít đi

5. Cách phòng ngừa căng tức sữa sau sinh

Bạn không thể ngăn ngừa sự căng sữa trong những ngày đầu tiên sau khi sinh, cho đến khi cơ thể bạn biết cách điều chỉnh sản xuất sữa.

Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa các đợt căng sữa sau này bằng các mẹo và kỹ thuật sau:

  • Cho bú sữa mẹ hoặc hút sữa thường xuyên. Cơ thể bạn tạo sữa thường xuyên, bất kể lịch trình cho con bú. Cho trẻ bú ít nhất một đến ba giờ một lần. Hãy hút sữa nếu con bạn không đói hoặc bạn đi vắng.
  • Sử dụng túi đá để giảm nguồn cung cấp. Ngoài việc làm mát và làm dịu các mô vú bị viêm, chườm đá và chườm lạnh có thể giúp giảm nguồn sữa. Đó là bởi vì túi chườm mát làm tắt tín hiệu “giảm sản xuất” trong bầu ngực của bạn, đây là tín hiệu để cơ thể bạn tiết ra nhiều sữa hơn.
  • Hút bỏ một lượng nhỏ sữa mẹ. Nếu bạn cần giảm áp lực, bạn có thể vắt sữa bằng tay hoặc hút bằng máy. Tuy nhiên, đừng hút hoặc vắt quá nhiều. Nó có thể phản tác dụng đối với bạn và cuối cùng cơ thể bạn có thể cố tiết ra nhiều sữa hơn để bù đắp cho lượng sữa bạn vừa loại bỏ.
  • Cai sữa mẹ từ từ. Nếu bạn cai sữa cho trẻ quá nhanh thì kế hoạch cai sữa của bạn có thể phản tác dụng, do khiến vú của bạn sẽ có quá nhiều sữa. Hãy từ từ cai sữa cho trẻ để cơ thể bạn có thể điều chỉnh theo tình trạng giảm nhu cầu.
  • Nếu bạn không cho con bú, bạn có thể đợi sữa mẹ ngừng sản xuất. Trong một vài ngày tới, cơ thể bạn sẽ hiểu rằng nó sẽ không cần sản xuất sữa nữa và nguồn cung cấp sẽ giảm dần, điều này sẽ làm ngừng căng sữa.
  • Không vắt sữa hoặc hút sữa. Do khi tiếp tục vắt hoặc hút sữa, bạn đã báo hiệu cho cơ thể biết rằng, cơ thể cần tiếp tục sản xuất sữa và bạn có thể kéo dài sự khó chịu do căng tức sữa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthline.com, verywellfamily.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

164.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan