Nạo sót nhau, sót thai sau sảy thai hoặc sau đẻ

Nạo sót nhau, sót thai sau khi sảy thai hoặc sau đẻ tuy là thủ thuật không mấy phức tạp nhưng nếu không được xử lý đúng cách có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ sau này.

1. Vì sao phải nạo sót nhau, sót thai?

Sau khi trứng được thụ tinh, tử cung sẽ hình thành nhau thai. Nhau thai có vai trò liên kết, truyền dinh dưỡng và oxy từ máu của mẹ đến thai nhi, giúp bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ nhiễm trùng.

Sau khi sinh, nhau thai không còn vai trò gì đối với cơ thể. Thông thường, sau khi sinh khoảng nửa tiếng, nhau thai sẽ được tử cung đẩy ra ngoài. Nếu sản phụ đẻ mổ, bác sĩ sẽ lấy nhau thai ra. Trường hợp một phần nhau thai vẫn còn sót lại trong tử cung được gọi là sót nhau thai.

Sót nhau thai là tình trạng rất nguy hiểm, có thể dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí là băng huyết, đe dọa tính mạng của người bệnh. Do đó khi bị sót nhau thai, sản phụ cần được nạo sót nhau càng sớm càng tốt.

2. Triệu chứng sót nhau, sót thai

Triệu chứng sót nhau thai đặc trưng nhất chính là ra máu bất thường. Sản phụ sau sinh sẽ ra sản dịch ở khu vực âm đạo. Nhiều người lầm tưởng việc ra máu do sót nhau chỉ đơn giản là sản dịch. Tuy nhiên, cần phân biệt sản dịch và ra máu bất thường sau sinh bằng cách nhìn màu sắc, trạng thái của vết máu.

Nếu bị sót nhau thai sẽ thấy huyết ra nhiều, màu đỏ tươi có lẫn máu cục. Ngoài ra, sẽ có một vài triệu chứng đi kèm như:

  • Sốt
  • Đau bụng
  • Người mệt mỏi, choáng do mất máu.

Hầu hết các trường hợp sót thai thường gặp phải ở các trường hợp nạo hút thai tại các cơ sở y tế không đảm bảo.

3. Quy trình nạo sót nhau, sót thai

Kỹ thuật nạo sót nhau, sót thai phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Phụ sản. Bác sĩ sẽ phải rửa tay, mặc áo, đội mũ, đi găng tay, đeo khẩu trang vô khuẩn khi thực hiện thủ thuật.

Trước khi tiến hành nạo sót nhau, sót thai, bệnh nhân sẽ được thăm khám toàn thân, đo huyết áp, kiểm tra nhiệt độ, lấy thông tin tiền sử bệnh lý. Sau đó, sẽ tiến hành thăm khám phụ khoa, đối với trường hợp sót thai bác sĩ sẽ xác định tuổi thai, tình trạng xảy, tình trạng tử cung. Nếu không có vấn đề bất ổn gì, bác sĩ sẽ giải thích cặn kẽ về tình trạng hiện tại và quá trình tiến hành thủ thuật để bệnh nhân yên tâm điều trị.

Sự phát triển của thai nhi tuần 23
Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân trước khi tiến hành thủ thuật

Quy trình nạo sót nhau, sót thai

  • Tiến hành sát khuẩn âm hộ và toàn bộ vùng tầng sinh môn
  • Sát khuẩn âm đạo và cổ tử cung
  • Một vài trường hợp bệnh nhân cần được thông tiểu
  • Sau đó, bác sĩ tiến hành đặt van bộc lộ âm đạo và cổ tử cung
  • Bác sĩ dùng kẹp Pozzi cặp cổ tử cung ở phần mép trước hoặc mép sau
  • Bệnh nhân được gây tê tại chỗ cổ tử cung
  • Bác sĩ tiến hành xác định tư thế, đo chiều cao tử cung, nong cổ tử cung nếu cần
  • Dùng kẹp gắp thai hoăc nhau thai ra ngoài
  • Dùng thìa cùn nạo kiểm tra tử cung
  • Trường hợp tử cung chảy máu, co kém, bệnh nhân sẽ được tiêm Oxytocin
  • Sau khi nạo, bác sĩ đo lại buồng tử cung, sát khuẩn cổ tử cung, âm đạo. Tổ chức nạo sẽ được lấy mẫu thử để mang đi giải phẫu bệnh.

Sau khi nạo sót nhau, sót thai, bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ. Người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe, đến bệnh viện để kiểm tra ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan