Nguy hiểm khi chửa tại vết mổ đẻ cũ

Chửa tại vết mổ đẻ cũ là một biến chứng thai sản nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra băng huyết, vỡ tử cung, phải cắt bỏ tử cung, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

1. Chửa tại vết mổ đẻ cũ là gì?

Chửa tại vết mổ cũ là hình thái làm tổ sai vị trí của trứng. Sau khi được thụ tinh trứng thường di chuyển xuống đáy tử cung để làm tổ, vì đây là vị trí có lớp cân cơ đủ dày để thai nhi có thể sinh trưởng và phát triển an toàn. Vì một lý do nào mà trứng làm tổ và phát triển thành túi thai tại vị trí eo tử cung, nơi có vết sẹo mổ trong lần sinh nở trước đó. Bào thai trong quá trình phát triển sẽ bám vào cơ tử cung ở eo tử cung, đây là một vị trí có lớp cơ mỏng nên các gai của bánh rau có thể gây chèn thành bàng quang và tổn thương bàng quang. Mặt khác, tại eo tử cung đã tồn tại vết sẹo từ lần phẫu thuật sinh con trước đó, các mô sẹo này không có tính đàn hồi như các mô lành nên dễ làm rách vết mổ gây sẩy thai.

2. Chửa tại vết mổ cũ nguy hiểm như thế nào?

Chửa tại vết mổ cũ được liệt kê vào danh sách các biến chứng thai sản nguy hiểm. Bệnh hiếm khi gặp, chỉ 1% phụ nữ gặp phải biến chứng này. Người bị chửa tại vết mổ cũ có thể gặp các nguy cơ thai sản nguy hiểm sau:

  • Băng huyết nếu sẩy thai tự nhiên
  • Vỡ tử cung do nhau thai đâm thủng tử cung tại vết mổ cũ
  • Bắt buộc phải cắt bỏ tử cung
  • Nguy hiểm đến tính mạng do mất máu quá nhiều nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời

Người bị chửa tại vết mổ đẻ cũ không thể giữ lại thai nhi, do trong quá trình phát triển bào thai ngày càng tăng kích thước, nguy cơ vỡ tử cung là rất cao.

Dịch vết mổ đẻ cũ, vấn đề không hề đơn giản
Chửa tại vết mổ cũ được liệt kê vào danh sách các biến chứng thai sản nguy hiểm

3. Tránh tai biến trong chửa tại vết mổ đẻ cũ bằng cách nào?

Tất cả phụ nữ đã từng sinh mổ, khi mang thai lại cần kiểm tra bằng siêu âm để xác định vị trí của thai nhi. Trong trường hợp phát hiện bất thường, siêu âm doppler cùng các cuộc hội chẩn sẽ giúp tìm ra biện pháp hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra biến chứng. Nếu bào thai nằm ở vị trí bất thường, đặc biệt là gần với vết mổ cũ thì cần tiến hành bỏ thai càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng xảy ra khi kích thước bào thai lớn hơn.

Ngoài ra, phụ nữ chửa tại vết mổ đẻ cũ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc gây sẩy thai, vì có thể gây vỡ tử cung dẫn đến băng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.

4. Xử trí như thế nào đối với chửa tại vết mổ đẻ cũ?

Những phụ nữ đã được xác định chửa tại vết mổ đẻ cũ cần phải được thực hiện phẫu thuật loại bỏ bào thai. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của từng ca lâm sàng mà bác sĩ đưa ra quyết định phẫu thuật bảo tồn tử cung hay phải cắt bỏ tử cung. Trong trường hợp cấp cứu do vỡ tử cung, vết rách quá lớn, mất máu nhiều nguy hiểm đến tính mạng, thủ thuật lấy thai cắt bỏ tử cung sẽ được tiến hành. Các trường hợp phát hiện bệnh sớm, khối thai mới xâm lấn vào bàng quang chưa gây vỡ tử cung sẽ được phẫu thuật bảo tồn tử cung.

Cụ thể, trong trường hợp kích thước thai còn nhỏ, chưa chèn ép nhiều đến bàng quang và chưa gây vỡ tử cung, phương pháp hút thai và chèn bóng vào buồng tử cung tại vết mổ đẻ cũ có thể được chỉ định. Mặt khác, khi kích thước khối thai lớn, đã gây thủng tử cung thì phương pháp phẫu thuật lấy thai, khâu bảo tồn tử cung kết hợp thắt động mạch cổ tử cung âm đạo, đặt một dụng cụ dẫn lưu từ buồng tử cung rồi khâu phục hồi cơ tử cung có thể được chỉ định.

Hình ảnh mang thai trên vết mổ cũ qua máy siêu âm
Hình ảnh mang thai trên vết đẻ mổ cũ qua máy siêu âm

Sau quá trình thực hiện thủ thuật, người bệnh cần nằm lại bệnh viện để theo dõi và hồi phục sức khỏe. Tùy vào tình trạng sức khỏe và phương thức phẫu thuật mà có thể lưu lại ít ngày hoặc dài ngày.

5. Sau thời gian tiến hành thủ thuật bao lâu có thể mang thai lần nữa?

Sau phẫu thuật, sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn cùng với tử cung còn yếu. Do đó, người phụ nữ không nên mang thai lại quá sớm, tốt nhất là nên cách thời gian phẫu thuật ít nhất 1 năm. Nếu có thai lại thì cần thăm khám, kiểm tra sức khỏe thai sản thường xuyên, đặc biệt là yêu cầu xác định vị trí của bào thai, đảm bảo an toàn trong lần mang thai tiếp theo.

Sàng lọc trước sinh giúp thai phụ phát hiện tình trạng chửa tại vết mổ cũ để có biện pháp can thiệp kịp thời. Khoa Khoa Y học bào thai - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là đơn vị đầu tiên tại miền Bắc triển khai phòng khám tiền sản 1 cửa (OSCAR) cung cấp gói sàng lọc toàn diện cho thai phụ 12 tuần. Phòng khám trả kết quả nhanh ngay trong ngày khám và thực hiện sàng lọc.

Khoa Y học bào thai đã triển khai thành công các phương pháp sàng lọc trước sinh tiên tiến, giúp sàng lọc các biến chứng cho sản phụ, phát hiện và can thiệp kịp thời một số bất thường ở thai nhi từ những tuần thai rất sớm. Việc thăm khám và kiểm tra luôn được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm. Do đó, sẽ mang đến kết quả cao cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

40.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan