Phân su của thai nhi: Những điều có thể bạn chưa biết

Phân su là chất nhầy màu đen mà em bé thải ra ngoài trong vài ngày đầu tiên khi chào đời. Mặc dù cùng con lớn lên từng ngày nhưng có thể rất nhiều mẹ không biết phân su của thai nhi được hình thành từ khi nào và tác dụng của phân su ra sao?

1. Tác dụng của phân su là gì?

Nhiều bà mẹ nghĩ rằng khi em bé chào đời mới có khả năng đi ngoài ra phân su, nhưng thực tế, phân su của thai nhi đã được hình thành từ khi còn trong bụng mẹ, thời điểm mà thai nhi bước sang tuần thai thứ 14 và đã bắt đầu biết nuốt nước ối trong tử cung của mẹ, nước ối sẽ đi vào ruột non của thai nhi và các chất cặn bã sẽ ở lại trong ruột già, tích tụ lâu dần và tạo thành một chất nhầy dính gọi là phân su.

Sau khi chào đời, em bé sẽ đi ngoài để đưa phân su ra ngoài, sau khoảng 5 ngày thì phân của trẻ sẽ có màu vàng bình thường, đây là một hiện tượng sinh lý hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu trong vòng 1 ngày đầu tiên mà trẻ không đi ngoài ra phân su thì đó là dấu hiệu bất thường cần thông báo cho bác sĩ để thăm khám kịp thời, đề phòng trẻ mắc phải bệnh xơ nang, bệnh tuyến giáp, tắc nghẽn đường ruột.... Tác dụng của phân su giúp mẹ theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ khi chào đời tốt hơn.

2. Quá trình hình thành phân su của thai nhi

Thai nhi có thể đi tiểu ngay từ trong bụng mẹ khi mới được 8 tuần tuổi, lúc này, cùng với hoạt động nuốt nước ối thì thai nhi sẽ thải ra chính nguồn nước ối ấy của mình. Quá trình này sẽ diễn ra cho đến khi chào đời, tuy vậy, các mẹ cũng không nên quá lo lắng, bởi lẽ nước tiểu không giống như phân su, nó hoàn toàn vô trùng nên sẽ không thể ảnh hưởng tới quá trình phát triển của thai nhi.

Về phân su của thai nhi, chúng sẽ được tích lũy dần từ lúc bước qua tuần thứ 24 của thai kỳ, khi mà quá trình nuốt nước ối đã trở nên thuần thục và sự thoái hóa của các tế bào cũng như những hoạt động của hệ tiêu hóa, mặc dù được tích tụ từ khi còn trong bụng nhưng màu của phân su chỉ được rõ ràng khi em bé đi ngoài lần đầu tiên khi chào đời, có thể là màu đen đậm hoặc xanh đen.

Về mặt lý thuyết thì thai nhi sẽ không đi ngoài khi còn trong bụng mẹ, tuy nhiên, sẽ có khoảng 12% thai nhi không thể giữ được phân su trong ruột chờ đến ngày chào đời mà sẽ thải phân su ra nước ối, màu của phân su sẽ làm cho nước ối sẽ có màu hơi vàng hoặc xanh. Trường hợp thai nhi đi ngoài phân su trong bụng mẹ xảy ra khi bé quá ngày dự sinh và hệ tiêu hóa đã trưởng thành, mặc dù không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nhưng nếu chưa đến ngày dự sinh mà thai nhi đã đào thải phân su trong bụng mẹ thì rất có thể liên quan đến các vấn đề như dây rốn bị chèn ép, chuyển dạ khó, thiếu oxy, nhiễm trùng...

Tác dụng của phân su
Về mặt lý thuyết thì thai nhi sẽ không đi ngoài khi còn trong bụng mẹ

3. Hội chứng hít nước ối phân su ở thai nhi

Khi tìm hiểu về phân su của thai nhi, ngoài các kiến thức như màu của phân su, thời gian hình thành và tác dụng của phân su ra sao thì có một vấn đề các mẹ cũng cần lưu ý, đó chính là hội chứng hít nước ối phân su.

Trong suốt thời gian nằm trong bụng mẹ, phổi của thai nhi sẽ luôn có nhiều nước ối, do đó nếu phổi của trẻ có phân su thì nó sẽ đi qua khí quản. Khi bước vào giai đoạn chuyển dạ, nếu trẻ bị thiếu oxy trong thời gian dài thì sẽ khó thở và hít phải phân su, làm chặn đường thở và gây ra tình trạng tắc nghẽn đường thở. Trong trường hợp này, trẻ dễ bị rối loạn trao đổi khí ở phổi và suy hô hấp. Đặc biệt, các kích ứng hóa học của phân su còn có thể gây bệnh nhiễm trùng, viêm phổi và bất hoạt surfactant.

Trẻ sơ sinh bị hội chứng hít nước ối phân su sẽ có biểu hiện như:

  • Thở ngắt quãng
  • Da tím tái
  • Ngực căng phồng bất thường
  • Chỉ số apgar thấp
  • Bé thở nhanh, thở gấp
  • Thở khó, rên rỉ

Cách tốt nhất để phòng ngừa hội chứng này chính là không để cho thai nhi đi ngoài phân su khi còn trong bụng mẹ. Hãy theo dõi chặt chẽ thai kỳ từ tuần 37 trở đi cho đến ngày sinh, nếu thấy rỉ ối có màu xanh hoặc vàng thì cần trao đổi ngay với bác sĩ.

4. Phân su ở trẻ sơ sinh sẽ như thế nào?

Quá trình tích tụ phân su trong ruột sẽ được đào thải ra bên ngoài trong vài ngày đầu tiên khi trẻ chào đời, màu của phân su lúc này có thể là đen hoặc xanh lý, kết cấu dính. Phân su xuất hiện cũng đồng nghĩa với việc ruột của trẻ đang hoạt động bình thường.

Thực tế, không có quy tắc nhất định nào cho việc đi ngoài ra phân su của trẻ mà chỉ có thể dựa vào việc trẻ bú sữa mẹ hay sữa công thức. Trường hợp trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn thì có thể đi ngoài 4 lần/ngày. Nếu thời gian đi ngoài giãn ra thì cũng không có gì bất thường, miễn là màu của phân su vẫn bình thường, phân mềm và trẻ vẫn tăng cân đều đặn.

Trường hợp trẻ sơ sinh khó khăn trong việc đi ngoài thì cũng không nên quá lo lắng vì, có thể do trẻ uống sữa công thức không hợp, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám kỹ càng hơn.

5. Sự thay đổi phân su ở trẻ nói lên điều gì?

Tác dụng của phân su
Dựa vào phân của trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể thấy những bất thường về vấn đề sức khỏe của trẻ

Ngay khi chào đời, trẻ sẽ được bú mẹ, không chỉ giúp trẻ sơ sinh qua cơn đói mà sữa non còn hoạt động như thuốc nhuận tràng giúp tống đẩy phân su ra khỏi hệ tiêu hóa, nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn thì màu của phân su sẽ thay đổi sau khoảng 3 ngày và có đặc điểm như sẽ đổi từ màu xanh lá sang màu vàng tươi, sáng hơn, kết cầu lỏng hoặc vón cục, hơi sần sùi. Ngoài ra, thói quen đi ngoài của trẻ cũng sẽ thay đổi nếu được cho ăn thức ăn dạng đặc hoặc khi con thấy không khỏe hoặc ăn ít hơn.

Màu của phân su khi trẻ bú bằng sữa công thức sẽ có sự khác biệt khi được nuôi bằng sữa mẹ, kết cấu của phân sẽ lớn hơn, màu vàng nhạt hoặc vàng nâu, có mùi nồng.

Ngoài ra, dựa vào phân của trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể thấy những bất thường về vấn đề sức khỏe của trẻ bằng cách:

  • Khi trẻ bị tiêu chảy

Phân của trẻ lúc này sẽ rất lỏng, tần suất đi ngoài thường xuyên hơn, có nhiều trường hợp thấy máu trong phân.

  • Khi trẻ bị táo bón

Những trẻ bị táo bón khi đi ngoài sẽ có hiện tượng đỏ mặt, cố rặn hết sức và căng thẳng, phân sẽ khô cứng, vón cục, bụng của trẻ luôn căng và nhiều khi xuất hiện vết nứt ở hậu môn, máu trong phân.

  • Phân có màu xanh lá

Nếu như hết giai đoạn đi ngoài phân su mà phân của trẻ vẫn có màu xanh lá thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang hấp thụ quá nhiều đường lactose. Điều này xảy ra khi trẻ bú mẹ thường xuyên nhưng lại bú nhiều sữa đầu mà không được bú sữa cuối.

  • Phân có màu rất nhạt

Khi trẻ thải ra phân có màu nhạt thì đó có thể là biểu hiện của chứng vàng da rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này sẽ biến mất sau vài tuần sau khi trẻ chào đời nhưng nếu sau thời gian này mà tình hình không cải thiện thì nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.

  • Thấy máu trong phân

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài ra máu nhưng chủ yếu vẫn là do trẻ bị táo bón khiến các mạch máu li ti ở miệng hậu môn bị nứt khi trẻ cố gắng rặn cho phân ra ngoài. Mặt khác, máu trong phân cũng có thể là do ruột trẻ bị kích thích nhiễm trùng hoặc dị ứng. Trường hợp này nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kỹ càng và có hướng xử trí đúng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

181.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan