Phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn là cắt những phần nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Tử cung là một bộ phận quan trọng với người phụ nữ, giúp nuôi dưỡng và che chở thai nhi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần cắt tử cung hoàn toàn để điều trị một số bệnh lý nặng.

1. Phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn là cắt những phần nào?

Tử cung là một phần của cơ quan sinh dục nữ, nằm ở trước trực tràng, phía sau bàng quang và giữa hai xương chậu. Tử cung có vai trò nuôi dưỡng, che chở thai nhi cho đến khi chào đời. Phẫu thuật cắt tử cung là một phẫu thuật khá phổ biến trong sản khoa, được thực hiện khi có các bệnh lý nặng ở vùng tử cung, nếu không cắt bỏ phụ nữ sẽ bị đau đớn dai dẳng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Có hai phương pháp phẫu thuật tử cung chủ yếu là cắt tử cung bán phần và cắt tử cung hoàn toàn.

Có hai hình thức cắt tử cung hoàn toàn hoặc cắt một phần
Có hai phương pháp phẫu thuật tử cung là cắt hoàn toàn và cắt bán phần

Cắt tử cung hoàn toàn là cắt bỏ toàn bộ khối tử cung, gồm cắt cổ tử cungcắt thân tử cung. Trong một số trường hợp có thể phải cắt vòi trứngcắt buồng trứng trong quá trình cắt tử cung hoàn toàn. Trường hợp này gọi là cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ, phần phúc mạc đoạn dưới sẽ được để lại đủ để khâu kín vùng hố chậu. Cắt tử cung hoàn toàn có thể được chỉ định để điều trị trong các trường hợp:

  • Các ung thư phụ khoa như ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung. Tùy theo từng trường hợp bệnh, có thể kết hợp giữa phẫu thuật và hóa trị, xạ trị.
  • U xơ tử cung: U xơ là những khối hình tròn, rắn hình thành từ lớp cơ của tử cung. Nếu khối u xơ phát triển với kích thước lớn có thể gây đau hố chậu và gây chảy máu kéo dài, gây chèn ép các cơ quan lân cận như bàng quang, niệu quản, dạ dày. Từ đó gây các biến chứng nghiêm trọng. Tùy theo từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc giữa các phương pháp, bóc tách u xơ bảo tồn tử cung, cắt tử cung bán phần hoặc cắt tử cung hoàn toàn.
  • Lạc nội mạc tử cung: Là tình trạng lớp lót bên trong tử cung phát triển ở sai vị trí, không chỉ trong tử cung mà còn ở các vị trí khác như cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng... Phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung thường được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và người mắc bệnh không có nhu cầu sinh con nữa. Sau khi phẫu thuật, tỷ lệ tái phát bệnh rất thấp.
  • Nhiễm trùng tử cung, sa tử cung, vỡ tử cung khi sinh hoặc do bị chấn thương quá nặng.
  • Nhau tiền đạo trung tâm bám chặt xuống tận cổ tử cung gây chảy máu, dù đã được thắt động mạch hạ vị nhưng không cầm máu được.
  • Thai ở cổ tử cung đã bị sẩy, tình trạng chảy máu kéo dài đã được can thiệp bằng nhiều phương pháp như khâu, đốt điện mà không hiệu quả.

Khi cắt bỏ tử cung, bệnh nhân sẽ không có khả năng mang thai nữa. Do đó, khi lựa chọn phương pháp cắt bỏ tử cung, bác sĩ phải có sự cân nhắc rất kỹ giữa lợi ích và nguy cơ, đồng thời phải có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc đồng ý của người nhà trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ tử cung là một cấp cứu sản khoa, đe dọa tính mạng.

2. Phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn được thực hiện như thế nào?

Quy trình cắt tử cung hoàn toàn được thực hiện như sau:

  • Người thực hiện: Bác sĩ sản khoa đã được đào tạo và kíp phụ mổ
  • Phương tiện: Các dụng cụ phẫu thuật đại phẫu
  • Chuẩn bị người bệnh: Nếu người bệnh phẫu thuật do tai biến sản khoa thì chuẩn bị như trường hợp phẫu thuật cấp cứu sản khoa.
Phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn phải được thực hiện ở cơ sở uy tín
Phẫu thuật cắt tử cung phải được thực hiện ở cơ sở uy tín

Các bước tiến hành:

  • Thì 1: Dùng dao mở thành bụng theo đường giữa rốn hoặc đường Pfannenstiel.
  • Thì 2: Kẹp cắt dây chằng tử cung - vòi trứng, dây chằng thắt lưng - buồng trứng, cuống mạch, hai lá dây chằng rộng, dây chằng tròn cả hai bên.
  • Thì 3: Tách cắt phúc mạc tử cung - bàng quang
  • Thì 4: Cắt phúc mạc sau và dây chằng tử cung - cùng và phúc mạc sau. Kéo tử cung ra phía trước, bộc lộ hai dây chằng tử cung - cùng và mặt sau cổ tử cung. Dùng kéo sắc cắt gốc hai dây chằng tử cung - cùng gần chỗ bám ở cổ tử cung. Tách phúc mạc sau vòng quanh cổ tử cung phía trên và đẩy xuống ngang mức cắt âm đạo.
  • Thì 5: Kẹp các cuống mạch đi vào tử cung sau đó kẹp cắt động mạch tử cung, kẹp nhánh động mạch âm đạo.
  • Thì 6: Thực hiện cắt âm dạo, dùng gạc phẫu thuật lớn che phủ cùng đồ sau. Bác sĩ phẫu thuật dùng tay trái kéo tử cung mạnh lên trên, tay phải dùng kéo mở cùng đồ trước. Kẹp mép trước âm đạo, cắt vòng quanh sát chỗ bám âm đạo và cổ tử cung.
  • Thì 7: Đóng âm đạo bằng kim và chỉ tiêu khâu qua tổ chức dưới niêm mạc và niêm mạc âm đạo.
  • Thì 8: Thắt các cuống mạch tử cung bằng kim cong và chỉ lâu tiêu hoặc chỉ không tiêu, khâu vào tổ chức gần cuống mạch ngay dưới chỗ kẹp.
  • Thì 9: Thực hiện phủ phúc mạc tiểu khung
  • Thì 10: Đóng thành bụng.

Tùy phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn rất an toàn nhưng cũng như các phẫu thuật trong ổ bụng khác, bệnh nhân có thể gặp các tai biến sau mổ như:

  • Nhiễm trùng: Do dụng cụ phẫu thuật, phòng mổ chưa được tiệt trùng kĩ hoặc do người bệnh chưa được chuẩn bị tốt.
  • Chảy máu: Do trong quá trình thao tác, chỉ được buộc lỏng tay hoặc xảy ra tuột chỉ ở các cuống mạch và mỏm cắt âm đạo.
  • Bàng quang bị tổn thương do trong khi phẫu thuật có xảy ra khâu chọc vào bàng quang hoặc cắt bàng quang do thao tác đẩy phúc mạc tử cung - bàng quang không tốt.
  • Thắt hoặc cắt vào niệu quản: Do dính hoặc thắt cuống động mạch cổ tử cung-âm đạo thực hiện ở vị trí quá xa bờ ngoài cổ tử cung.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được cho thuốc giảm đau và kháng sinh để chống nhiễm trùng. Một ngày sau mổ, bệnh nhân có thể tập đi lại. Bệnh nhân sẽ được lưu lại viện một vài ngày để hồi phục và theo dõi các biến chứng. Có thể có hiện tượng chảy máu âm đạo một thời gian ngắn sau cắt tử cung, tuy nhiên nếu lượng máu chảy ra nhiều như một kỳ kinh nguyệt hoặc cơ thể có các biểu hiện bất thường khác, cần báo ngay với bác sĩ điều trị để được can thiệp.

Có nhiều phương pháp được sử dụng để phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn như: phẫu thuật bằng mở bụng, phẫu thuật qua cung đường âm đạo, phẫu thuật nội soi ít xâm lấn,...

Trong đó phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm vượt trội như: người bệnh phục hồi nhanh, giảm thời gian nằm viện, không để lại sẹo trên thành bụng. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi trang thiết bị vật chất hiện đại, bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan