Rong kinh tuổi dậy thì có nguy hiểm không?

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt: kinh nguyệt không đều, rong kinh, rong huyết, cường kinh... có thể là hiện tượng bình thường của trẻ vị thành niên do giai đoạn mới bắt đầu hành kinh sự hoạt động của các khu vực dưới đồi, tuyến yên hay buồng trứng chưa ổn định. Tuy nhiên 1 số tình trạng rong kinh kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể ảnh hưởng đến sự phát hiện tâm sinh lý hay thể chất của trẻ.

1. Rong kinh ở tuổi dậy thì là gì?

Thông thường chu kỳ kinh nguyệt ở người Việt Nam thường kéo dài từ 28-32 ngày. Ở tuổi dậy thì chu kỳ kinh nguyệt thường không đều, có khi dài khi ngắn hoặc vô kinh hoặc rong kinh. Nguyên nhân đa số là do vòng kinh không có rụng trứng vì sự điều chỉnh nội tiết của vỏ não xuống buồng trứng hay sự hoạt động của buồng trứng chưa ổn định.

Rong kinh là hiện tượng ra máu từ tử cung trùng với chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày. Ngoài ra còn có khái niệm rong huyết. Đây cũng là hiện tượng ra máu từ tử cung kéo dài, nhưng không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Rong kinh rong huyết là một rối loạn thường gặp ở các trẻ vị thành niên và gây nhiều lo lắng cho trẻ cũng như phụ huynh.

Đau tức bụng phải trong kỳ kinh nguyệt
Rong kinh là hiện tượng ra máu từ tử cung trùng với chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày

2. Nguyên nhân gây rong kinh ở tuổi dậy thì

Có nhiều nguyên nhân gây rong kinh ở trẻ vị thành niên

  • Kinh nguyệt không phóng noãn. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất là kinh nguyệt không phóng noãn do trục dưới đồi – tuyến yên hoạt động chưa thành thục. Có đến 85% kinh nguyệt trong năm đầu là không phóng noãn và 44% trong 4 năm đầu.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể có biểu hiện rong kinh do chu kỳ kinh kéo dài và sự dày lên của nội mạc tử cung.
  • Các nguyên nhân do bệnh lý toàn thân: cường giáp hoặc suy giáp, hội chứng Cushing, rối loạn đông máu, stress,...
  • Nguyên nhân liên quan đến thai nghén do tỉ lệ quan hệ tình dục ở tuổi dậy thì có xu hướng gia tăng bao gồm: dọa sảy, sảy thai, thai ngoài tử cung, viêm nhiễm sinh dục

3. Rong kinh tuổi dậy thì có nguy hiểm không?

Nếu tình trạng rong kinh kéo dài đồng thời kết hợp với tình trạng cường kinh ( máu kinh nguyệt ra nhiều) do cha mẹ không quan tâm hay con cái ngại tâm sự với các bậc phụ huynh, kiến thức về sức khỏe sinh sản kém có thể dẫn đến tình trạng mất máu kéo dài gây tình trạng mệt mỏi, giảm tập trung, suy nhược cơ thể, da xanh niêm mạc nhợt, hoa mắt chóng mặt, sụt cân, thậm chí có thể ngất xỉu.

Tình trạng mất máu mạn tính này dẫn đến sự phát triển của trẻ, giảm khả năng tiếp thu và tập trung chú ý, ảnh hưởng đến học tập. Trẻ chậm phát triển chiều cao, cân nặng.

Ảnh hưởng đến tâm lý. Trẻ lo sợ nhưng không dám nói với ai, sự bất tiện trong vấn đề vệ sinh có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ

Sử dụng băng vệ sinh dài ngày có thể gây ngứa ngáy, viêm âm hộ âm đạo, viêm da, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.

Rong kinh tuổi dậy thì đôi khi cũng có thể là nguy cơ tiềm ẩn của một số bệnh lý phụ khoa như u xơ cổ tử cung, polyp cổ tử cung,... Hầu hết các khối u này đều lành tính nhưng cũng có những trường hợp chúng cũng có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung

Rong kinh nếu không được điều trị sớm làm trẻ dễ bị rong kinh tái phát nhiều lần trong tương lai hay bị vô sinh do khó hoặc không phóng noãn. Do vậy trẻ cần được điều trị sớm trong vòng 2 năm đầu

Không đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt
Rong kinh nếu không được điều trị sớm làm trẻ dễ bị rong kinh tái phát nhiều lần trong tương lai hay bị vô sinh do khó hoặc không phóng noãn

4. Điều trị rong kinh tuổi dậy thì

Cần tìm nguyên nhân gây rong kinh ở tuổi dậy thì. Nếu không tìm được nguyên nhân gây rong kinh tuổi dậy thì thì điều trị theo nguyên nhân thường gặp nhất là do sự hoạt động của trục dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng chưa ổn định. Việc điều trị rong kinh cần thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu để kéo dài nhiều tháng nhiều năm, rong kinh dẫn đến thiếu máu nặng, sức khỏe suy giảm cũng như những tổn thương trên vùng dưới đồi – tuyến yên khó hồi phục, hiệu quả điều trị đạt được rất kém.

Do vậy, mục đích điều trị rong kinh ở tuổi dậy thì là can thiệp điều hòa tính ổn định của nồng độ các loại hormone trong cơ thể theo đúng quy luật.

Các phương pháp điều trị thuốc bao gồm:

  • Thuốc tránh thai hàng ngày. Các loại thuốc tránh thai kết hợp hay riêng lẻ là hormone ngoại sinh và có liều lượng được cân chỉnh theo ngày trong vòng kinh tùy từng cá thể. Biện pháp điều trị bằng thuốc tránh thai như trên hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới việc thụ thai và sinh con sau này
  • Ngoài ra, có thể bổ sung thêm hormone oxytocin nhằm tăng co tử cung trong những ngày đầu hành kinh để sự tống xuất máu kinh hiệu quả và triệt để hơn, tránh ra máu kéo dài.
  • Các thuốc khác như: thuốc chống viêm không steroid (ví dụ: ibuprofen): Có tác dụng làm giảm mất máu và giảm đau bụng kinh. Axit Tranexamic: có tác dụng làm giảm mất máu khi bị chảy máu kinh nguyệt.
  • Bổ sung vào thành phần bữa ăn hàng ngày các nhóm thực phẩm giàu sinh dưỡng như: cá, thịt bò, gan, trứng, sữa, pho mát... Nên ăn nhiều các loại rau và hoa quả, đặc biệt là những loại rau quả có màu đỏ đậm như: cà chua, cà rốt... có thể bổ sung thêm sắt

Rong kinh tuổi dậy thì là những rối loạn thường gặp ở các trẻ em gái mới lớn. Nếu được cha mẹ quan tâm đúng mức và tích cực can thiệp, những rối loạn này rất dễ dàng điều chỉnh, tạo nền tảng vững chắc cho con trưởng thành một cách tự tin và khỏe mạnh.

Rong kinh
Rong kinh tuổi dậy thì là những rối loạn thường gặp ở các trẻ em gái mới lớn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan