Sảy thai nhiễm khuẩn có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Sảy thai là hiện tượng gặp ở 12% phụ nữ biết mình có thai. Có rất nhiều nguyên nhân gây sẩy thai và trên lâm sàng cũng có nhiều hình thái sảy thai khác nhau. Trong đó, sẩy thai nhiễm khuẩn tuy ít gặp nhưng rất nguy hiểm.

1. Sảy thai nhiễm khuẩn là gì?

Sảy thai nhiễm khuẩn thường xảy ra khi thai đã chết kết hợp với ối vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ hoặc sảy thai, khi màng ối rách vi khuẩn sẽ xâm nhập vào buồng ối và tử cung, gây nhiễm khuẩn. Sản phụ sau khi đau phần bụng dưới và ra máu âm đạo (máu chảy ra sẫm màu, có mùi hôi tanh) sẽ có dấu hiệu của hội chứng nhiễm trùng, bệnh nhân sốt 37,8-40oC, mạch nhanh, xét nghiệm bạch cầu tăng, CPR tăng. Bọc thai đã bị tống ra ngoài sau những cơn co thắt tử cung nhưng nhau thai thường bị sót lại trong buồng tử cung. Khi khám âm đạo thấy cổ tử cung mở, tử cung mềm, ấn đau, tử cung nhỏ hơn so với tuổi thai.

Các trường hợp sảy thai nhiễm trùng thường diễn biến rất nhanh và nặng, vì ngoài các vi khuẩn thường gặp còn có thể nhiễm các vi khuẩn yếm khí. Nhiễm trùng tử cung là dạng thường gặp nhất, tiếp theo là nhiễm trùng nội mạc, viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, một số ít trường hợp có thể gặp viêm nội tâm mạc. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến thai chết lưu trong tử cung và gây nhiễm trùng như:

  • Thai bị dị tật bẩm sinh, bánh rau bị bong, bánh rau xơ hóa, thai phát triển kém, các sự cố về dây rốn làm thai bị cạn kiệt dưỡng khí, tình trạng nước ối đa ối,...
  • Người mẹ mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi, quai bị, rubella, sốt rét, giang mai,.... Người mẹ hút thuốc lá, nghiện ma túy, nghiện rượu, chất kích thích hoặc người mẹ bị nhiễm độc thai nghén nhưng không được điều trị kịp thời.
Tổng quan về sảy thai
Sảy thai nhiễm khuẩn có thể gây nhiễm trùng tử cung

2. Điều trị sảy thai nhiễm trùng

Vì tình trạng nhiễm trùng diễn biến rất nhanh và nặng nên bệnh nhân bị sảy thai nhiễm trùng cần được xử lý tích cực. Bệnh nhân sẽ được sử dụng kháng sinh liều cao kết hợp thuốc oxytocin để co hồi tử cung. Sau 6 giờ dùng kháng sinh, khi nhiệt độ bệnh nhân đã giảm, bác sĩ sẽ tiến hành nạo hút buồng tử cung. Khi nạo cần cẩn thận vì tử cung dễ bị thủng hơn bình thường và có nguy cơ nhiễm khuẩn lan tỏa. Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng như tử cung bị viêm toàn bộ, nhiễm khuẩn huyết đe dọa tính mạng,...có thể chỉ định cắt tử cung. Cần tư vấn cho bệnh nhân trước và sau phẫu thuật.

3. Phòng ngừa sảy thai nhiễm trùng

Nhờ sự tiến bộ của y học, thai kỳ được theo dõi tốt hơn nên tỷ lệ thai chết trong bụng mẹ đã giảm nhiều so với trước đây, tình trạng sảy thai nhiễm khuẩn cũng giảm đi đáng kể.

Trong quá trình mang thai, sản phụ cần khám thai thường xuyên để được bác sĩ siêu âm và thực hiện các kiểm tra phụ khoa. Nếu cảm thấy thai có các dấu hiệu bất thường như thai kém hoạt động, bị chảy máu âm đạo, đau bụng dưới cần đến ngay các cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời. Nếu tình trạng của người mẹ là dọa sảy thai, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc dưỡng thai progesterol, thuốc giảm co bóp, các vitamin,... kết hợp với chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng phù hợp. Tuân thủ điều trị có thể giúp người mẹ giữ được thai. Nếu tình trạng của mẹ là sắp sảy, đang sẩy, sẩy không hoàn toàn hoặc sảy thai lưu, nguyên tắc chung là phải nạo buồng tử cung để lấy hết thai và rau thai, đề phòng tình trạng băng huyết và sảy thai nhiễm khuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan