Sốt sau mổ lấy thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Sốt hậu sản mổ lấy thai là tình trạng sốt từ trên 24 giờ sau khi mổ với thân nhiệt từ 38oC trở lên. Đây là triệu chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau với mức độ nặng nhẹ khác nhau.

1. Nguyên nhân gây sốt sau mổ lấy thai

Có nhiều nguyên nhân gây sốt hậu sản mổ lấy thai với mức độ nặng nhẹ cũng không giống nhau.

  • Các bệnh về vú như cương vú sau sinh nhưng cũng có thể là viêm vú, áp xe vú, tức sữa.
  • Nhiễm khuẩn vết mổ lấy thai (viêm bàng quang, viêm bể thận cấp, viêm phổi...) hoặc có thể nhiễm khuẩn hậu sản mổ lấy thai (nhiễm khuẩn âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn.
  • Viêm nội mạc tử cung, viêm toàn bộ tử cung, viêm tử cung phần phụ, viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm khuẩn huyết).

2. Triệu chứng của sốt sau mổ lấy thai

2.1. Sốt sau sinh do các bệnh về vú

Thông thường sau khi sinh sản phụ thường cương vú do tức sữa. Lúc này, người mẹ cần tăng số lần cho bé bú, có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng bơm hút. Để giảm đau tức sau khi cho bé bú mẹ cần chườm lạnh, mặc áo lót hoặc băng nâng hai bầu vú không quá chặt. Đối với trường hợp này thì không cần đến cơ sở y tế.

Bà mẹ cần đến khám nếu viêm vú với các dấu hiệu chính như: sốt, vú cương, đau, đỏ, đầu vú nứt nẻ, thường bị một bên nếu không bệnh sẽ tiến triển thành áp xe vú. Dấu hiệu chính của áp xe vú sẽ căng to, sưng đỏ, có chỗ ấn mềm, nếu chọc dò có mủ.

2.2. Sốt do nhiễm khuẩn vết mổ lấy thai:

Đây là tình trạng vết mổ lấy thai sưng, có dịch tiết là máu hay mủ, tấy đỏ quanh vết khâu cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.

Vết mổ lấy thai
Sản phụ có thể bị sốt do nhiễm khuẩn vết mổ lấy thai

2.3. Sốt do nhiễm khuẩn ở tầng sinh môn, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung

Triệu chứng chính là vết rách hoặc chỗ khâu vết mổ lấy thai sưng tấy, đỏ, đau đôi khi có mủ. Tử cung co hồi tốt, sản dịch có thể hôi hoặc rất hôi. Sản phụ có thể sốt nhẹ 38 - 38,5 độ C, lúc này sản phụ cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

2.4. Sốt do viêm nội mạc tử cung:

Đây là biến chứng hậu sản mổ lấy thai có nguyên nhân do kiểm soát tử cung, nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài hoặc đôi khi có thể do sót rau. Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng hơn như viêm tử cung toàn bộ, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết... Với các triệu chứng lâm sàng là mệt mỏi, mẹ sốt 38 độ C - 39 độ C từ ngày thứ 2 hậu sản mổ lấy thai. Tử cung co hồi chậm, mềm, ấn đau. Sản dịch có mùi hôi, đôi khi có lẫn mủ... Sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

2.5. Sốt do viêm tử cung và phần phụ:

Từ tử cung, tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản mổ lấy thai có thể lan rộng sang các cơ quan phụ cận như dây chằng rộng, vòi tử cung, buồng trứng... Triệu chứng chính là thường xuất hiện muộn ngày thứ 8 - 10 sau khi sinh. Sản phụ sẽ có biểu hiện sốt cao kéo dài và đau bụng dưới. Tử cung to, co hồi chậm, ấn đau... có thể gây biến chứng viêm phúc mạc hay túi mủ vỡ vào bàng quang, âm đạo, trực tràng rất nguy hiểm.

2.6. Sốt do viêm phúc mạc tiểu khung:

Triệu chứng có thể xuất hiện sớm khoảng 3 ngày sau đẻ hoặc chậm hơn khoảng ngày thứ 7 - 10 sau một thời kỳ nhiễm khuẩn hậu sản mổ lấy thai ở tử cung hay âm hộ, âm đạo. Bà mẹ sốt cao 39 độ C - 40 độ C, kèm theo rét run. Đau nhiều ở vùng bụng dưới, ấn bụng có phản ứng ở vùng này.

2.7. Sốt do viêm phúc mạc toàn bộ:

Triệu chứng chính là toàn thân mệt mỏi, sốt cao, gây sút cân, mạch nhanh, khó thở, nôn. Bụng chướng, đau nếu không được điều trị có thể viêm phúc mạc toàn bộ phải cắt tử cung.

2.8. Sốt có nguyên nhân nhiễm khuẩn huyết:

Trường hợp này có nguyên nhân do can thiệp sản khoa hoặc dụng cụ không vô khuẩn. Do điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn không đúng cách, dùng kháng sinh không đủ liều lượng, không đủ thời gian... Có thể do can thiệp phẫu thuật quá sớm khi chưa bao vây được ổ nhiễm khuẩn khu trú tại bộ phận sinh dục bằng kháng sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn lan tràn vào máu. Triệu chứng chính là sốt cao, rét run nhiều lần trong ngày. Có những trường hợp sốt kéo dài, toàn trạng suy nhược, có thể đi đến choáng, hạ huyết áp, mê man nếu không được cấp cứu kịp thời nhẹ thì phải cắt tử cung nặng sản phụ sẽ tử vong.

2.9. Sốt do viêm tắc tĩnh mạch

Là bệnh hiếm gặp ở nước ta. Thường xuất hiện vào ngày thứ 18 hậu sản mổ lấy thai với các triệu lâm sàng: Sốt cao, đau tại nơi viêm tắc tĩnh mạch, người bệnh không đi lại được nếu viêm tắc các tĩnh mạch ở chi dưới. Nếu viêm tắc các tĩnh mạch trong ổ bụng thì người bệnh đau bụng, nhất là viêm tắc tĩnh mạch mạc treo, bệnh có thể biểu hiện ở các tĩnh mạch ở phổi, ở não... với các triệu chứng đau ở các cơ quan này, đôi khi bị liệt nếu cục gây tắc có thể tiến hành phẫu thuật lấy bỏ.

3. Dự phòng sốt hậu sản mổ lấy thai

Mẹ cho con bú khi bị sốt xuất huyết sẽ không thể lây bệnh cho bé
Các mẹ nên cho con bú sớm để làm tăng sự co hồi tử cung, tránh chảy máu sau sinh mổ

Để tránh gặp biến chứng sốt hậu sản mổ lấy thai, sản phụ cần lưu ý giữ gìn vết mổ để tránh bị nhiễm khuẩn và tránh cương vú, tức sữa...

Phát hiện sớm tình trạng nhiễm trùng vết mổ lấy thai. Nếu vết mổ sưng đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu bất thường, mẹ cần đến các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra.

Tăng cường vận động: sau khi sinh sản phụ không nên nằm bất động một chỗ trên giường, cần xoay trở nằm nghiêng phải hoặc nghiêng trái, trong ngày đầu tiên sau mổ. Từ ngày thứ 2 trở đi, bà mẹ nên ngồi dậy và đi lại.

Nên mát-xa bụng (tránh vết mổ lấy thai) mỗi ngày giúp cho tử cung co hồi tốt và đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn. Cần cho bé bú sớm, động tác cho bú cũng làm tăng sự co hồi tử cung, tránh chảy máu sau sinh mổ.

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể: lau người bằng nước ấm hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ lấy thai bị ướt. Sau khi tắm xong, dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%, giúp vết mổ sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng vết mổ lấy thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan