SPO2 là chỉ số gì?

Dấu hiệu sinh tồn là những con số được đo bằng các thiết bị và kỹ thuật khác nhau nhằm đánh giá những chức năng cơ bản của cơ thể. Có 4 dấu hiệu sinh tồn truyền thống gồm mạch, nhiệt độ, nhịp thở và huyết áp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập tới một dấu hiệu sinh tồn thứ 5, đó là chỉ số SpO2.

1. Chỉ số SpO2 là gì?

Khí oxy rất cần thiết đối với sự sống của con người. Khi chúng ta hít thở, oxy sẽ đi vào phổi. Máu và hemoglobin (thành phần quan trọng nhất của máu) sẽ vận chuyển oxy từ phổi đến mọi nơi trong cơ thể để đảm bảo duy trì sự sống. Quá trình vận chuyển này được thực hiện khi hemoglobin (Hb) kết hợp với oxy tạo thành HbO2.

Một phân tử hemoglobin có thể kết hợp với 4 phân tử oxy, khi đã gắn đủ 4 phân tử oxy được gọi là bão hòa oxy. Chỉ số SpO2 còn được gọi là độ bão hòa oxy trong máu, biểu thị cho tỷ lệ hemoglobin có oxy trên tổng lượng hemoglobin trong máu. Nếu tất cả các phân tử hemoglobin trong máu đều gắn với oxy thì độ bão hòa oxy là 100%. Một người khỏe mạnh bình thường, độ bão hòa oxy động mạch dao động trong khoảng 95 - 100%. Chỉ số bão hòa oxy trong máu dưới 90% là ở mức thấp.

Chỉ số SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh các dấu hiệu khác là nhiệt độ, mạch đập, nhịp thở và huyết áp. Khi cơ thể bị thiếu oxy máu, các cơ quan như tim, gan, não,... sẽ nhanh chóng phải chịu những tác động tiêu cực. Vì vậy, cần theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên để kịp thời can thiệp nếu xảy ra tình trạng nguy hiểm.

2. Vai trò, ứng dụng của chỉ số SpO2

2.1 Trong hồi sức cấp cứu

SpO2 là chỉ số sống cơ bản đầu tiên trong theo dõi bệnh nhân hồi sức cấp cứu. Thông qua chỉ số SpO2 được máy SpO2 hiển thị, bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt là đối với những người bệnh phải thở máy hoặc thở oxy.

2.2 Phát hiện ngộ độc khí CO

CO là một loại khí độc, có nhiều khi đốt than. CO thay thế oxy ở vị trí gắn vào sắt trên phân tử Hb nên ngộ độc CO sẽ làm tăng COHb (hemoglobin có gắn carbon monoxide) và giảm HbO2 (hemoglobin có gắn oxy). Hiện tượng này làm giảm độ bão hòa của oxy trong máu. Máu bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng xét nghiệm bằng máy đo chỉ số SpO2 để chẩn đoán chính xác người bệnh có bị nhiễm độc khí CO không.

SPO2 là chỉ số gì?
Máy đo chỉ số SpO2 để chẩn đoán chính xác người bệnh có bị nhiễm độc khí CO không

2.3 Chẩn đoán huyết áp thấp

Chỉ số SpO2 là sự phản ánh chính xác tình trạng áp lực mạch máu giảm thấp đến 30mmHg (huyết áp thấp). Trong trường hợp kết quả đo SpO2 ở ngón tay bị nghi ngờ về độ chính xác, bác sĩ có thể sử dụng đầu dò đo chỉ số SpO2 lên trán bệnh nhân vì nó đáp ứng nhanh hơn với sự thay đổi SpO2.

2.4 Chẩn đoán thiếu máu

Thiếu máu là hiện tượng hemoglobin trong máu giảm thấp hơn so với mức bình thường. Khi không có tình trạng giảm oxy máu, máy đo oxy dựa vào mạch đập sẽ cho kết quả chỉ số SpO2 chính xác khi nồng độ hemoglobin giảm xuống 2 - 3g/dL.

2.5 Phát hiện giảm thông khí

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy chỉ số SpO2 là một dấu hiệu nhạy cho việc đánh giá tình trạng thông khí khi bệnh nhân đang thở bình thường (không dùng để đánh giá khi bệnh nhân được thở oxy hỗ trợ).

2.6 Hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý hô hấp

Những bệnh nhân có chỉ số đo SpO2 dưới 93%, được đánh giá là thiếu oxy máu cần được thở oxy hoặc thở máu (nếu người bệnh không tự thở được). Hoặc, bệnh nhân đang làm trong môi trường bí khí, thiếu oxy như nhà máy, lò đốt, mỏ quặng,... khi đi ra môi trường thoáng nhiều oxy sẽ được bổ sung oxy khi thở và bác sĩ sẽ điều chỉnh lượng oxy cho bệnh nhân thở cho tới khi chỉ số SpO2 ở mức ổn định là 97 - 100%. Mức oxy được sử dụng cho bệnh nhân tiếp tục được giữ cho tới khi họ thở ổn định trở lại. Và quá trình này không thể không kể đến vai trò của máy đo SpO2.

Chỉ số SpO2 đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Việc theo dõi chỉ số SpO2 cần được thực hiện thường xuyên để người bệnh nắm rõ lượng oxy trong máu, biết được khi nào cần thêm oxy cho cơ thể và có biện pháp ứng phó kịp thời khi lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan