Sự thay đổi của bà bầu tuần 20

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bà bầu mang thai tuần 20 đã trải qua một nửa chặng đường của thai kỳ. Thai nhi bắt đầu di chuyển, động đậy và đạp mẹ thường xuyên hơn. Bụng mẹ phát triển to và phần rốn có thể hơi nhô ra ngoài vì áp lực đẩy ra từ tử cung.

1. Mang thai tuần 20 có gì đặc biệt?

Mang thai tuần 20 là giai đoạn giữa của thai kỳ. Tử cung của mẹ lúc này bắt đầu phát triển to đến ngang vùng rốn. Vòng eo dần biến mất, báo hiệu thai nhi đang tăng trưởng ổn định trong bụng mẹ. Các cơ đường tiết niệu giãn ra, khiến cho bà bầu tuần 20 dễ bị vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng bàng quang. Hơi thở của mẹ sẽ sâu hơn và cơ thể đổ nhiều mồ hôi hơn bình thường vì tuyến giáp tăng cường hoạt động.

Thai nhi tuần 20 bắt đầu có khả năng nghe thấy âm thanh, như giọng nói, nhịp tim và tiếng co bóp dạ dày của mẹ, cũng như những âm thanh bên ngoài cơ thể. Em bé sẽ bịt tai lại nếu nghe thấy âm thanh lớn phát ra gần bên ngoài, thậm chí bé có thể bị giật mình và "nhảy dựng lên". Ngoài ra, trong tuần thai thứ 20, bà bầu cũng cảm nhận rõ hơn những cử động của thai nhi, chẳng hạn như chuyển động vặn vẹo, xoay người, ngọ nguậy, duỗi tay và cả những cú đạp vào bụng mẹ.

2. Cơ thể bà bầu tuần 20 thay đổi như thế nào?

Bà bầu tuần 20 bắt đầu xuất hiện những triệu chứng khó chịu như đau lưng, mỏi gối. Trong trường hợp này, thai phụ nên chú ý hơn về tư thế. Tránh đứng quá lâu. Ngồi ghế có tựa lưng, có chỗ để kê chân, có thể lót thêm một chiếc gối vào sau lưng. Khi ngủ, bà bầu nên đặt một chiếc gối nhỏ phía sau, dưới thắt lưng. Tránh nâng các vật quá nặng.

Đôi khi thai phụ có cảm giác thèm ăn một số món đặc biệt và cảm thấy cơn đói ập đến thường xuyên hơn. Bụng bầu trong tuần thai thứ 20 phát triển to, đủ để thai phụ mặc vừa những bộ quần áo dành cho bà bầu, ôm lấy vòng bụng một cách vừa vặn. Cảm giác với em bé cũng trở nên thật hơn.

3. Những triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 20

Chứng ợ nóng và khó tiêu

Nếu gặp phải chứng ợ nóng và khó tiêu, bà bầu hãy thử nhai một viên kẹo cao su không đường sau bữa ăn. Lượng nước bọt tăng lên giúp trung hòa axit dạ dày và hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.

Chóng mặt, nhức đầu và ngất xỉu

Bà bầu tuần 20 thường có biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, nhất là những khi thời tiết nóng, không gian ngột ngạt hay trong phòng không có cửa sổ thông gió. Để khắc phục tình trạng này, thai phụ nên nghỉ ngơi trong không gian thông thoáng, nhiều không khí, mặc quần áo rộng và thêm lớp áo khoác bảo vệ để tránh ảnh hưởng từ thời tiết nóng gây ra đau đầu.

ba-bau-tuan-20-1
Chuột rút chân là triệu chứng thường gặp ở bà bầu

Chuột rút chân

Chứng chuột rút ở chân có thể gây ra bởi các mạch máu bị nén ở chân (hậu quả do việc tăng cân và bụng phát triển to). Để giảm thiểu chuột rút, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn, thai phụ nên kê cao chân trong tư thế nằm và uống nhiều nước.

Phù nề (sưng ​​ở bàn chân và mắt cá chân)

Tình trạng phù nề ở bàn chân và mắt cá chân có thể dẫn đến đau đớn. Nếu gặp phải tình trạng này, bà bầu tuần 20 nên mang giày thoải mái, vừa chân. Ngoài ra, tránh sử dụng các loại vớ hoặc quần bó sát.

Lỗ rốn nhô ra ngoài

Trong tuần mang thai thứ 20, phần rốn có thể bị nhô ra bên ngoài bụng do tử cung ngày càng to hơn, đẩy bụng và rốn ra phía trước. Tình trạng này khiến cho không ít bà bầu cảm thấy khó chịu, tuy nhiên sau khi sinh, rốn sẽ quay trở về vị trí cũ.

4. Lời khuyên cho bà bầu tuần 20

4.1. Siêu âm để biết giới tính của em bé

Nhiều sản phụ không muốn đợi đến ngày sinh mới biết mình sinh con trai hay con gái. Trên thực tế, mang thai tuần 20 là lúc bác sĩ có thể thực hiện siêu âm thai để biết được trong bụng mẹ là bé trai hay bé gái. Tuy nhiên, kết quả xác định giới tính của em bé có vẫn có khả năng sai sót và chưa chắc chắn cho đến ngày em bé chào đời. Vì vậy, mặc dù biết trước được giới tính của con nhưng thai phụ vẫn nên chuẩn bị sẵn tinh thần để không quá bất ngờ nếu giới tính con sinh ra không giống như đã dự đoán.

4.2. Cảm nhận chuyển động của thai nhi

Đối với những thai phụ lần đầu có con, khoảng tuần 18 - 20 là lúc những cử động đầu tiên của thai nhi bắt đầu xuất hiện và có thể cảm nhận rõ. Những cử động này là dấu hiệu cho thấy thai nhi của mẹ đang phát triển khỏe mạnh.

4.3. Cân nhắc kỹ trước những chuyến đi xa

Thai phụ chỉ nên đi xa (di chuyển đường dài) trong trường hợp bắt buộc phải đi. Mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi và mất tập trung sẽ ảnh hưởng không ít đến quá trình di chuyển của thai phụ. Mặt khác, những chuyến đi xa có nguy cơ tiềm ẩn nhiều biến cố không ngờ đến, chẳng hạn như dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

4.4. Hạn chế vận động quá sức

Một trong những triệu chứng thường xảy ra khi mang thai tuần thứ 20 là căng cơ và lỏng dây chằng, dễ dẫn đến chấn thương khi tập thể dục, nhất là khi thực hiện các động tác quá nặng, tập luyện quá sức. Nếu cảm thấy đau, thai phụ nên dừng lại và nghỉ ngơi. Ngay cả khi không có cảm giác đau, bà bầu vẫn nên tập luyện vừa sức và tập trung thời gian cho việc nghỉ ngơi.

4.5. Tăng cân vừa phải

Trong thời kỳ mang thai, bà bầu phải tăng cường bổ sung năng lượng cho cả phần em bé. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thai phụ phải ăn với lượng gấp đôi bình thường.

Bà bầu tăng cân là dấu hiệu cho thấy em bé trong bụng đang sinh trưởng tốt và lớn dần lên. Thế nhưng, vào tuần thứ 20 của thai kỳ, bà bầu chỉ nên tăng trung bình 0,5 kg mỗi tuần (còn tùy theo lời khuyên của bác sĩ). Hơn nữa, thai phụ nên lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh, tăng cường rau xanh và trái cây. Chế độ ăn uống hợp lý, khoa học sẽ giúp bà bầu tuần 20 tăng trọng vừa phải, đồng thời có thể dễ dàng lấy lại vóc dáng như trước khi sinh.

4.6. Bổ sung sắt

Bà bầu mang thai tuần 20 nên tăng cường bổ sung sắt do nguồn dự trữ sắt thời điểm này hầu như đã cạn kiệt do phục vụ nhu cầu phát triển của em bé. Điều này khiến cho thai phụ có nguy cơ bị thiếu máu hoặc một số triệu chứng khác do thiếu sắt.

Trên thực tế, hầu như tất cả phụ nữ mang thai đều dễ bị thiếu máu, đặc biệt là những người vừa mới sinh con, đang mang đa thai hoặc bị thiếu dinh dưỡng tại bất kỳ thời điểm nào trong thời kỳ. Thai phụ có thể bổ sung sắt thông qua một số sản phẩm bổ sung, các loại thực phẩm giàu chất sắt, kết hợp với thực phẩm chứa nhiều vitamin C.

ba-bau-tuan-20-2
Bà bầu mang thai tuần 20 nên tăng cường bổ sung sắt

4.7. Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu

Nếu phải dành nhiều giờ để ngồi làm việc (hoặc phải liên tục đi bộ), hãy thay đổi tư thế trong 5 - 10 phút sau mỗi giờ làm việc. Bằng cách đứng dậy đi bộ ra hành lang hoặc thực hiện một vài động tác duỗi tay, chân, bà bầu có thể cải thiện lưu thông máu, ngăn ngừa những triệu chứng như phù nề, căng cơ, giãn tĩnh mạch.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ không còn cô đơn khi bước vào cuộc chuyển dạ vì có người thân đồng hành giúp quá trình sinh con luôn mang đến sự an tâm và hạnh phúc.

Ngoài việc được thăm khám định kỳ, sản phụ cũng sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để mẹ có thể tăng cân hợp lý mà thai nhi vẫn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Lý Thị Thanh Nhã đã có quá trình làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trước khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay. Bác sĩ Nhã có thế mạnh và kinh nghiệm trong chẩn đoán theo dõi và điều trị thai nghén, thai bệnh lý. Khám tầm soát thai kỳ. Thực hiện các kỹ thuật mổ lấy thai. Phẫu thuật nội soi điều trị u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, whattoexpect, parent.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

63.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan