Triệu chứng và cách điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, cản trở đời sống tình dục, nhất là với những bệnh nhân mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3.

1. Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3 là gì?

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là các tổn thương lành tính ở cổ tử cung do các tế bào tuyến bên trong ống cổ tử cung phát triển, xâm lấn ra mặt ngoài của cổ tử cung, vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm đạo, ngứa ngáy, khí hư có mùi..., dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Viêm lộ tuyến tử cung thường không biểu hiện thông qua các triệu chứng. Bệnh nhân thường chỉ biết mình mắc bệnh khi đi khám phụ khoa và được kiểm tra vùng chậu. Một số phụ nữ bị lộ tuyến cổ tử cung bẩm sinh, nhưng tình trạng này cũng có thể do việc dùng thuốc tránh thai hoặc trong giai đoạn mang thai.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung được chia thành 3 cấp độ. Trong đó cấp độ 3 là nghiêm trọng nhất, lúc này vùng lộ tuyến viêm cổ tử cung nặng, vùng tổn thương chiếm 2/3 thậm chí toàn bộ vùng lộ tuyến và gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân và cần được điều trị ngay.

Viêm lộ tuyến
Viêm lộ tuyến cổ tử cung được chia thành 3 cấp độ

2. Triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3

Bệnh nhân mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung giai đoạn 3, vùng bị viêm sẽ chiếm trên 70% diện tích cổ tử cung, các triệu chứng nặng hơn so với giai đoạn 1, 2:

  • Ra nhiều khí hư, khí hư có màu bất thường, mùi hôi
  • Chảy máu khi quan hệ tình dục: Phần lộ tuyến bị viêm nhiễm phát triển ra ngoài cổ tử cung, khi sinh hoạt vợ chồng sẽ làm trầy xước cổ tử cung và gây chảy máu.
  • Xuất huyết âm đạo bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt do bề mặt cổ tử cung bị sung huyết, dễ chảy máu.
  • Đau quặn vùng bụng dưới (hố chậu, eo, bụng dưới giống như đau bụng kinh).
  • Tiểu tiện khó, tiểu nhiều, tiểu buốt.
  • Giảm ham muốn, rối loạn kinh nguyệt
  • Mệt mỏi

3. Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 3

Viêm lộ tuyến cổ tử cung có nhiều mức độ khác nhau, không phải trường hợp nào cũng nhất thiết phải đốt lộ tuyến. Thông thường ở giai đoạn 1 và 2, bệnh nhân không cần điều trị hoặc nếu có thì thường được kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, với viêm lộ tuyến giai đoạn 3 có nghĩa là bệnh ở mức độ nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người bệnh. Do đó, việc điều trị thường sẽ bao gồm sử dụng thuốc chống viêm và tiến hành diệt tuyến. Việc đốt tuyến chỉ được thực hiện sau khi đã chữa khỏi viêm. Phương pháp điều trị diệt tuyến có thể giúp ngăn ngừa ra khí hư và chảy máu bất thường. Các phương pháp diệt tuyến được áp dụng phổ biến là: đốt điện, áp lạnh, dùng laze.

Sau khi điều trị, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân tránh quan hệ tình dục và sử dụng tampon trong tối đa 4 tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng. Cần khoảng 8 tuần để vết thương ở cổ tử cung lành hẳn.

Đốt diệt tuyến có ưu điểm là thực hiện nhanh, xử lý được vùng lộ tuyến trên diện rộng nhưng có thể để lại một số hệ lụy như sẹo xơ cứng ở cổ tử cung, chít hẹp tử cung gây ứ đọng máu kinh, cản trở quá trình thụ thai và sinh đẻ tự nhiên; mất cân bằng pH vùng kín do sử dụng kháng sinh trước và sau diệt tuyến; thời gian ra máu, khí hư kéo dài sau khi thực hiện thủ thuật khiến vùng kín trở nên nhạy cảm, vi khuẩn dễ xâm nhập hơn. Do đó, việc áp dụng phương pháp điều trị nào còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của mỗi bệnh nhân.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan