Vết rạch tầng sinh môn có để lại sẹo hoặc bị lồi không?

Vết rạch tầng sinh môn có thể để lại sẹo lồi (tùy thuộc vào cơ địa, cách chăm sóc sản phụ sau sinh,...). Nếu biết cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn thì có thể giúp vết khâu nhanh lành, thẩm mỹ hơn, không để lại biến chứng.

1. Chức năng của tầng sinh môn

1.1 Tầng sinh môn là gì?

Tầng sinh môn là phần mô nằm giữa âm đạo và hậu môn, có độ dài khoảng 4 - 5cm, bao gồm tất cả các bộ phận phần mềm, cơ và dây chằng bịt lỗ dưới khung chậu. Tầng sinh môn có cấu tạo gồm 3 tầng là tầng nông, tầng giữa và tầng sâu. Trong quá trình phụ nữ chuyển dạ, tầng sinh môn sẽ giãn nở một cách tự nhiên hoặc có thể bị rạch để dễ dàng đưa thai nhi ra ngoài.

1.2 Tầng sinh môn có chức năng gì?

Tầng sinh môn là một phần của cơ quan sinh sản. Nó có vai trò nâng đỡ và bảo vệ các cơ quan trong vùng chậu. Nó cũng là cửa giao hợp tiếp nhận tinh trùng vào tử cung, hỗ trợ hoạt động sinh hoạt tình dục của phụ nữ.

Với quá trình sinh sản, tầng sinh môn sẽ giãn nở để em bé sinh ra dễ dàng và an toàn hơn. Những người có tầng sinh môn giãn nở kém thì dễ bị rách bộ phận này trong quá trình sinh sản. Nó gây ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ, tâm lý và đời sống tình dục của nữ giới.

XEM THÊM: Rạch tầng sinh môn lúc sinh: Những điều cần biết

2. Vì sao khi sinh nên rạch tầng sinh môn?

Có đến 95% phụ nữ khi sinh thường được chỉ định rạch tầng sinh môn. Nguyên nhân vì trong quá trình chuyển dạ, đầu của em bé sẽ đi qua lỗ âm đạo. Tuy nhiên, nếu đầu em bé quá to sẽ tạo áp lực lớn lên âm đạo, dễ làm rách tầng sinh môn. Vì thế, tại thời điểm đầu em bé ló ra, bác sĩ sẽ dùng kéo cắt 1 đường chếch khoảng 45° trên tầng sinh môn để mở rộng đường, giúp em bé dễ dàng ra ngoài.

Bên cạnh việc giúp sinh đẻ thuận lợi hơn, thủ thuật rạch tầng sinh môn còn giúp tránh được các tai biến như ngạt khi sinh, sang chấn sản khoa,... Ngoài ra, rạch tầng sinh môn còn giúp việc sử dụng các thủ thuật hỗ trợ sinh như giác hút, kẹp forcep trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, nhờ thủ thuật rạch chủ động nên tầng sinh môn không bị rách, tránh được ảnh hưởng xấu về thẩm mỹ cũng như đời sống tình dục về sau.

Chỉ định rạch tầng sinh môn khi:

  • Phụ nữ sinh con lần đầu, tầng sinh môn giãn nở kém;
  • Cơn co tử cung không đủ mạnh;
  • Viêm hoặc phù nề đáy chậu, viêm âm đạo;
  • Đường kính lưỡng đỉnh của đầu em bé lớn;
  • Ngôi thai ngược;
  • Thai phụ mắc bệnh tim, bị nhiễm độc thai kỳ.

Sau khi ca sinh kết thúc, bác sĩ sẽ thực hiện khâu tầng sinh môn cho sản phụ.

XEM THÊM: Cách giảm đau vết khâu tầng sinh môn sau sinh

Hình ảnh mô phỏng vị trí vết rạch tầng sinh môn
Hình ảnh mô phỏng vị trí vết rạch tầng sinh môn

3. Vết rạch tầng sinh môn có để lại sẹo, có bị lồi không?

Vết rạch tầng sinh môn tiềm ẩn khá nhiều hệ lụy, đặc biệt là nếu không chăm sóc vết thương đúng cách. Cụ thể, vết thương có thể gây đau kéo dài và lâu lành, dễ nhiễm trùng (do tầng sinh môn gần âm đạo và hậu môn - những nơi dễ bị vi khuẩn xâm nhập). Dấu hiệu nhiễm trùng vết khâu tầng sinh môn gồm: Đau vết khâu, lên mủ, có mùi hôi, đau bụng dưới, sốt, ớn lạnh, đau và nóng rát khi đi tiểu, chảy máu hoặc ra cục máu đông,...

Ngoài ra, nguy cơ vết rạch tầng sinh môn bị lồi cũng có thể xảy ra. Nếu khâu kém, vết khâu sẽ để lại sẹo xấu, khiến người phụ nữ cảm thấy tự ti và ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt vợ chồng. Nguyên nhân gây sẹo lồi vết rạch tầng sinh môn là:

  • Dị ứng với chỉ khâu; ăn phải các thực phẩm gây sẹo lồi;
  • Ăn uống kiêng khem gây thiếu chất khiến máu không thể đẩy kháng sinh xuống vết thương nên vết thương lâu lành;
  • Vệ sinh không đúng cách khiến vết khâu bị nhiễm trùng, thậm chí hoại tử,...

Đặc biệt, nếu sau sinh sản phụ vận động mạnh hoặc đi lại quá nhiều, ngồi không đúng tư thế cũng có thể khiến vết khâu tầng sinh môn bị lồi hoặc hở miệng.

4. Cách chăm sóc sau rạch tầng sinh môn

Thường sản phụ sẽ cảm thấy đau đớn do vết rạch tầng sinh môn trong khoảng 1 - 2 tuần đầu sau khi sinh. Sau khoảng 3 - 4 tuần vết thương sẽ lành và dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, để vết thương tiến triển tốt như vậy thì cần được chăm sóc, giữ gìn vệ sinh, tránh tình trạng nhiễm trùng.

Để tránh tình trạng vết rạch tầng sinh môn bị sẹo lồi, bạn cần chú ý:

  • Vệ sinh sạch sẽ vết khâu: Sản phụ cần vệ sinh vùng kín hằng ngày để vết khâu luôn khô thoáng, sạch sẽ. Sau khi đi vệ sinh, chị em nên rửa vùng kín bằng nước ấm từ từ, dội nước từ trên xuống dưới theo chiều từ âm đạo xuống hậu môn rồi dùng khăn mềm lau khô. Trong vòng 3 tuần, vết khâu có hiện tượng ra dịch, rỉ máu nên sản phụ cần dùng băng vệ sinh chuyên dụng cho phụ nữ sau sinh và nên thay 3 tiếng/lần. Đồng thời, bạn chú ý không chạm tay vào vết khâu để tránh nhiễm trùng;
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng: Phụ nữ sau sinh cần chú ý chế độ ăn uống khoa học để ngăn ngừa tình trạng táo bón. Vì nếu táo bón, sản phụ đi đại diện thường phải rặn mạnh, làm tổn thương vết khâu. Do đó, sản phụ nên uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ (khoai lang, đu đủ, rau má, ngó sen, rau ngót,...);
  • Vận động nhẹ nhàng: Sản phụ nên tránh vận động mạnh trong vòng 1 - 2 tuần đầu sau sinh để tránh tác động nhiều lên vết khâu. Đặc biệt, bạn không nên ngồi xổm, hạn chế leo cầu thang, không tập thể dục trong thời gian này cho tới khi vết khâu lành hoàn toàn;
  • Chườm nước đá: Đá lạnh có tác dụng giảm sưng, đau và làm dịu vết thương. Bạn có thể dùng một miếng bông ướp đá lạnh, đặt vào băng vệ sinh, chườm vết rạch tầng sinh môn trong khoảng 15 - 20 phút;
  • Dùng thuốc: Nếu quá đau, sản phụ có thể dùng một số loại thuốc xịt gây tê hoặc kem bôi dùng cho tầng sinh môn (theo chỉ định của bác sĩ) để giảm đau, giúp vết thương chóng lành;
  • Tránh quan hệ vợ chồng trong giai đoạn này cho tới khi vết khâu tầng sinh môn lành hẳn;
  • Lưu ý khác: Dùng quần lót dòng 1 lần hoặc quần rộng làm từ chất liệu cotton thấm hút tốt; không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo; nên ngồi đệm hơi để giảm đau,...
Chườm nước đá tại vị trí vết rạch tầng sinh môn giúp giảm đau
Chườm nước đá tại vị trí vết rạch tầng sinh môn giúp giảm đau

Vết rạch tầng sinh môn sẽ nhanh lành và giảm nguy cơ bị sẹo lồi, nhiễm trùng nếu được chăm sóc cẩn thận, đúng cách. Vì vậy, sau sinh sản phụ cần chú ý vệ sinh vùng kín và nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì nên liên hệ với bác sĩ ngay.

Sau sinh cơ thể người mẹ thay đổi, sản phụ có thể mắc phải nhiều các bệnh lý như xuất huyết sau sinh, són tiểu, rối loạn tiêu hóa,... Đặc biệt, rất nhiều mẹ sinh thường rạch tầng sinh môn cảm thấy đau đớn và lo lắng sẽ để lại sẹo. Nếu lo lắng, sau sinh mẹ nên thăm khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được nhận định sức khỏe sau sinh. Mẹ sẽ có cơ hội thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa , kết hợp với nhiều các chuyên khoa khác để đưa ra lời tư vấn, chăm sóc, giúp mẹ cải thiện sức khỏe sau sinh, giảm đau tầng sinh môn, tránh để lại sẹo, mau chóng bình phục sức khỏe và chăm sóc con trẻ thật tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan