9 tác hại của căng thẳng nguy hiểm hơn bạn nghĩ

Căng thẳng là một phản ứng tự nhiên của cơ thể khi đối phó với các áp lực trong cuộc sống. Tình trạng này khá phổ biến hiện nay và có thể bắt gặp ở mọi đối tượng. Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn tác động xấu đến sức khỏe hơn bạn nghĩ.

1. Nguyên nhân gây căng thẳng là gì?

Căng thẳng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nhìn chung thì các nguyên nhân thường gặp có thể gây ra căng thẳng bao gồm:

  • Áp lực công việc;
  • Vấn đề học tập và áp lực điểm số;
  • Thiếu thời gian;
  • Gánh nặng tài chính;
  • Sự ra đi của những người thân quen;
  • Vấn đề gia đình là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng;
  • Các vấn đề về sức khỏe như thường xuyên đau ốm, mắc bệnh hiểm nghèo;
  • Rắc rối trong các mối quan hệ tình cảm và quan hệ xã hội;
  • Mang thai hay trở thành cha mẹ;
  • Trải qua các tình huống nguy hiểm như tai nạn, hỏa hoạn;
  • Sử dụng các chất kích thích;
  • Tiếng ồn quá mức hay tình trạng đông đúc và ô nhiễm môi trường;
  • Suy nghĩ bi quan, tiêu cực;
  • Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, kỳ vọng quá cao.
nguyên nhân gây căng thẳng
Có nhiều nguyên nhân gây căng thẳng trong cuộc sống mà bạn gặp phải

2. 9 tác hại của căng thẳng nguy hiểm hơn bạn nghĩ

2.1. Căng thẳng khiến bạn khó kiểm soát cảm xúc

Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy rằng ngay cả mức độ căng thẳng nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn. Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã dạy cho những người tham gia các kỹ năng kiểm soát căng thẳng. Nhưng sau khi những người tham gia bị căng thẳng nhẹ do nhúng tay vào nước lạnh, họ không thể bình tĩnh lại khi được cho xem hình ảnh rắn hoặc nhện. Kết quả cho thấy rằng ngay cả căng thẳng nhẹ, chẳng hạn như những biến cố rất nhỏ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể làm giảm khả năng kiểm soát nỗi sợ hãi và căng thẳng.

2.2. Căng thẳng có thể thúc đẩy bệnh tật

Căng thẳng có liên quan đến các bệnh lý bao gồm ung thư, bệnh phổi, tai nạn, tự tử và xơ gan. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins đã phát hiện ra rằng trẻ em tiếp xúc với căng thẳng mãn tính có nhiều khả năng phát triển thành bệnh lý tâm thần nếu chúng có khuynh hướng di truyền từ cha mẹ.

2.3. Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến đời sống tình dục của bạn

Tình dục là một giải pháp thú vị và hiệu quả để giải tỏa căng thẳng. Nhưng căng thẳng cũng có thể tác động xấu đến đời sống tình dục của bạn. Một nghiên cứu năm 1984 cho thấy, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể, mức testosterone và ham muốn tình dục của một người đàn ông. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng căng thẳng - đặc biệt là lo lắng về hiệu suất có thể dẫn đến liệt dương. Mức độ căng thẳng cao ở phụ nữ mang thai cũng có thể gây ra những thay đổi ở con cái khi chúng lớn lên, đặc biệt là các vấn đề về hành vi và phát triển.

2.4. Căng thẳng có thể làm hỏng răng và nướu của bạn

Một số người thường phản ứng với các tình huống khó khăn bằng cách nghiến răng. Đa phần mọi người thường nghiến răng trong vô thức hoặc khi đang ngủ, nhưng nó có thể gây tổn thương lâu dài cho hàm cũng như làm mòn răng của bạn.

Một nghiên cứu vào năm 2012 đã chỉ ra mối liên hệ giữa căng thẳng với bệnh nướu răng. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng áp lực của hôn nhân, làm cha mẹ, công việc là những yếu tố gây ra bệnh nha chu. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao nhất là những người dễ xúc động khi đối mặt với căng thẳng do tài chính gây ra.

2.5. Căng thẳng có thể hủy hoại trái tim của bạn

Căng thẳng có thể làm tổn thương cơ tim của bạn. Căng thẳng làm tổn thương tim vì các hormone căng thẳng làm tăng nhịp tim và co mạch máu. Điều này buộc tim phải làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Theo Viện Căng thẳng Hoa Kỳ, tỷ lệ đau tim và đột tử tăng lên sau các biến cố gây căng thẳng lớn, như bão, động đất và sóng thần.

nguyên nhân đau tim
Tác hại của căng thăng ảnh hưởng mạnh mẽ đến trái tim của bạn

2.6. Tăng cân là một trong những tác hại của căng thẳng

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Miami đã phát hiện ra rằng, một người có khả năng tiêu thụ thực phẩm nhiều hơn 40% so với bình thường khi rơi vào các tình huống căng thẳng. Các nhà khoa học này khuyến nghị nên tắt bản tin hàng đêm trước khi ăn tối để tránh cập nhật những tin tức xấu trên truyền hình.

2.7. Căng thẳng có thể khiến bạn già đi

Căng thẳng mãn tính góp phần đáng kể vào quá trình lão hóa sớm. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California đã phát hiện ra rằng, căng thẳng làm rút ngắn các telomere (cấu trúc ở phần cuối của nhiễm sắc thể) khiến các tế bào mới không thể phát triển nhanh chóng. Điều này dẫn đến các dấu hiệu lão hóa không thể tránh khỏi như xuất hiện nếp nhăn, cơ yếu, thị lực kém,...

2.8. Căng thẳng làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn

Căng thẳng tạo ra một áp lực lên chuyển hóa của cơ thể làm cho hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng, khiến bạn dễ bị cảm lạnh và nhiễm trùng. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) khuyến nghị các bài tập tĩnh tâm cũng như các phương tiện giao tiếp xã hội để giảm bớt căng thẳng.

2.9. Căng thẳng có thể dẫn đến tàn tật lâu dài

Không nên đánh giá thấp những nguy cơ tiềm ẩn do căng thẳng dù chỉ ở mức độ nhẹ. Chúng có thể dẫn đến tình trạng tàn tật lâu dài. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận này sau nghiên cứu kéo dài 5 năm trên 17.000 người trưởng thành Thụy Điển, tuổi từ 18 đến 64, được xuất bản năm 2011 bởi Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe Cộng đồng. Một trong bốn đối tượng nghiên cứu ở khu vực Stockholm, những người bị căng thẳng nhẹ đã được nhận trợ cấp tàn tật đối với các tình trạng thể chất như đau thắt ngực, huyết áp cao và đột quỵ. Gần 2/3 đã nhận được hỗ trợ do mắc phải một bệnh lý tâm thần.

3. Cách kiểm soát căng thẳng

Để kiểm soát căng thẳng, trước tiên bạn phải xác định những tác nhân khiến bạn căng thẳng hoặc những yếu tố kích hoạt sự căng thẳng. Sau đó, hãy tìm cách đối phó với những tác nhân gây căng thẳng tiêu cực không thể tránh khỏi. Việc kiểm soát tốt mức độ căng thẳng có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến căng thẳng như bệnh tim mạch, tiểu đường,... Dưới đây là một số cách cơ bản để bắt đầu kiểm soát căng thẳng:

  • Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và vitamin;
  • Đặt mục tiêu ngủ ít nhất 7 đến 8 giờ mỗi ngày;
  • Luyện tập thể dục đều đặn;
  • Giảm thiểu việc sử dụng caffeine và rượu;
  • Giữ kết nối xã hội để bạn có thể nhận hỗ trợ từ mọi người;
  • Hãy dành nhiều thời gian để tụ tập với gia đình và những người thân yêu;
  • Dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi;
  • Trải nghiệm trồng cây, nuôi thú cưng,...;
  • Hãy chăm sóc bản thân nhiều hơn;
  • Học các kỹ thuật thiền định như hít thở sâu hay tập yoga.
Thiền định
Kỹ thuật thiền định có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng

Nếu bạn không thể kiểm soát được căng thẳng của mình hoặc nếu nó đi kèm với lo lắng hoặc trầm cảm, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Những tình trạng này có thể được kiểm soát bằng cách điều trị nếu bạn được hỗ trợ kịp thời. Bạn cũng có thể cân nhắc tham khảo ý kiến ​​của nhà trị liệu hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần khác.

Những tác hại của căng thẳng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần là không thể phủ nhận. Chính vì thế mọi người nên cố gắng duy trì tâm lý vui vẻ, thoải mái, cố gắng giữ bình tĩnh, kiên nhẫn để vượt qua những tình huống khó khăn trong cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan