Sốt co giật ở trẻ: Đến viện kịp thời và hướng dẫn xử lý ban đầu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sốt co giật ở trẻ là cơn co giật ở trẻ nhũ nhi hay trẻ nhỏ, thường xảy ra từ 3 tháng đến 5 tuổi. Hầu hết sốt co giật gây ra do tương tác phức tạp giữa yếu tố bẩm sinh di truyền (liên hệ nhiều gen) với các yếu tố môi trường chủ yếu do virus và có diễn tiến lành tính. Để giúp bố mẹ biết cách xử trí kịp thời khi phát hiện con bị sốt cao co giật, dưới đây là hướng dẫn của bác sĩ Cao Thị Thanh, khoa Nhi - Sơ sinh bệnh viện ĐKQT Vinmec Hải Phòng.

1. Biểu hiện của sốt co giật ở trẻ

  • Co giật do sốt cao thường xảy ra sớm, cơn co giật hầu hết là cơn toàn thể, vận động hai bên, kiểu cơn co cứng – giật cơ (tonic – clonic).
  • Khi co giật, trẻ có thể có thêm các biểu hiện nôn ói, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã. Các cơn co giật này thường là các cơn co giật toàn thể, ngắn, kéo dài không quá 5 phút. Sau co giật, trẻ có thể lờ đờ chậm chạp hoặc ngủ. Thời gian này có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ. Trẻ thường bị 1 cơn co giật cho 1 đợt sốt.
  • Có 2 loại co giật do sốt loại đơn giản và loại phức tạp. Khoảng 1/3 trẻ co giật do sốt là co giật phức tạp.

Đặc điểm của co giật do sốt thể đơn giản:

  • Cơn co giật điển hình là cơn toàn thể, kiểu tăng trương lực và co cứng cơ.
  • Thời gian co giật 15 phút.
  • Trẻ không rối loạn tri giác hay có bất kỳ dấu hiệu thần kinh nào sau cơn.

Đăc điểm của co giật do sốt thể phức tạp:

  • Co giật khu trú.
  • Thời gian kéo dài > 15 phút.
  • Có từ 2 cơn co giật trở lên trong vòng 24 giờ.
Sốt co giật ở trẻ nhỏ
Biểu hiện trẻ bị sốt cao co giật.

2. Diễn tiến của sốt co giật ở trẻ

  • Tỷ lệ tái phát co giật do sốt khoảng 25-50%, khoảng 9% có 3 cơn hay nhiều hơn nữa.
  • 50% cơn thứ hai xảy ra trong 6 tháng sau cơn đầu, 75% xảy ra trong năm đầu sau cơn thứ nhất và 90% trong vòng 2 năm sao cơn thứ nhất.
  • 50% trẻ co giật do sốt dưới 1 tuổi bị tái phát.
  • Trẻ co giật khi nhiệt độ càng cao thì khả năng tái phát thấp hơn.
  • Tỷ lệ động kinh: 2-5%. Hầu hết các trường hợp sốt rồi có co giật kéo dài trên 15 phút, hoặc có nhiều cơn co giật trong 24 giờ đều liên quan tới bệnh lý thần kinh sẵn có của trẻ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát là:

  • Tuổi khởi phát <12 tháng.
  • Có tiền căn cha mẹ hoặc anh em ruột bị co giật do sốt.
  • Co giật khi sốt <40 độ C.
  • Có nhiều cơn co giật trong đợt bệnh đầu tiên.
  • Khởi phát co giật sớm (<1 giờ) sau khi sốt.

Mặc dù co giật do sốt gây hoảng loạn cho cha mẹ nhưng được xem là lành tính và hầu hết không gây ra nguy hiểm, trừ khi trẻ bị chấn thương trong lúc co giật. Tỷ lệ tử vong của trẻ có co giật do sốt (1 cơn và kéo dài không quá 15 phút) không khác tỷ lệ tử vong của các trẻ không bị co giật kèm sốt cùng lứa tuổi.

Theo các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về trí tuệ của các trẻ bị co giật do sốt so với anh em cùng cha mẹ không bị co giật do sốt.

3. Bố mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốt co giật?

Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng co giật các bậc cha mẹ cần giữ bình tĩnh và không nên sợ hãi. Có thể giúp trẻ bằng các bước sau:

  • Đặt trẻ nơi nằm xuống rộng rãi và an toàn.
  • Tư thế an toàn: Để bệnh nhân chân duỗi chân co, nghiêng sang một bên vì trẻ giật sẽ nôn, nếu thức ăn từ chất nôn lọt vào đường.
  • Nới lỏng áo ở quanh cổ, nếu có gối thì đặt gối dưới đầu trẻ.
  • Không nên cho bất cứ cái gì vào trong miệng hoặc cố gắng nạy răng của trẻ.
  • Không được đè trẻ hoặc cố gắng dùng sức để kèm cơn co giật.
  • Nếu trẻ sốt, dùng hạ sốt đường hậu môn. Nhớ rằng dùng thuốc sau cùng vì thuốc tác dụng muộn nên phải làm bước 1 trước không tốn thời gian tìm thuốc. Khi cơn đã qua, trẻ có thể lú lẫn hoặc buồn ngủ và cần được sự che chở. Nhét thuốc hạ sốt qua hậu môn nếu trẻ còn sốt.
  • Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và xử trí kịp thời.

Cách hạ sốt cho trẻ

  • Đặt trẻ ở tư thế dễ chịu, thoải mái để thông đường hô hấp, tránh các tư thế bất thường.
  • Cởi bỏ hết quần áo trẻ.
  • Lau mát khi trẻ sốt cao 39 độ C bằng cách đắp khăn ướt với nước ấm 36 - 37 độ C (nước dùng tắm bé) lên hai nách, hai bẹn và trán. Thường xuyên thay đổi khăn để việc giải nhiệt cho trẻ được thực hiện tốt và nhanh hơn. Không nên dùng nước đá vì sẽ gây co mạch làm chậm trễ quá trình giải nhiệt.
  • Lau khoảng 15 - 30 phút trong khi chờ tác dụng của thuốc hạ nhiệt.
  • Kết hợp dùng thuốc hạ nhiệt qua đường hậu môn: Nên dùng Paracetamol liều lượng 10-15mg/Kg/lần, có thể lập lại sau 4-6 giờ.
  • Điều trị nguyên nhân gây sốt.
Hạ sốt cho trẻ
Nới lỏng áo ở quanh cổ, nếu có gối thì đặt gối dưới đầu trẻ.

Sốt co giật không phải là một hiện tượng hiếm gặp ở trẻ. Mức độ nguy hiểm còn tùy thuộc vào các nguyên nhân gây co giật. Sau 5 tuổi, sốt co giật ở trẻ sẽ tự hết. Tuy nhiên, co giật đi kèm với sốt có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhiễm trùng nặng như viêm màng não, viêm não,... Vì vậy, khi trẻ có hiện tượng co giật khi sốt, cha mẹ cần đưa bé đi khám ngay để được bác sĩ kiểm tra và có phác đồ điều trị kịp thời.

Khoa Nhi/ cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có sự phối hợp đầy đủ với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, dinh dưỡng, tâm lý, nội tiết, gan mật giúp xử lý nhanh, kịp thời khi các biến chứng do sốt cao xuất hiện. Trong quá trình xử lý co giật ở trẻ, bác sĩ sẽ đặc biệt lưu ý đến các đặc điểm: khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, tiếp cận chẩn đoán. Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể cần thực hiện:

  • Xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, đường huyết, dextrostix, ion đồ.
  • Chọc dò tủy sống khi nghi ngờ có triệu chứng lâm sàng của viêm màng não, dịch tủy sống được dùng để thực hiện xét nghiệm sinh hóa, tế bào, vi trùng, Latex, IgM hoặc huyết thanh chẩn đoán viêm não.
  • Đo điện não đồ: nhằm chẩn đoán chính xác thể động kinh để lựa chọn thuốc điều trị phù hợp. Chỉ định đo điện não đồ cho những trẻ có nguy cơ cao và khi trẻ co giật tái phát nhiều lần có thể dẫn đến động kinh.
  • Echo não xuyên thóp. Thực hiện CT Scanner não nếu nghi ngờ trẻ có tụ máu, u não, áp xe não mà không làm được siêu âm xuyên thóp hoặc siêu âm có lệch M-echo.
  • Chỉ định X-quang phổi, cấy máu, cấy phân, xét nghiệm vi sinh mũi họng nếu cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

386K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan