Bạch cầu tế bào tóc là gì?

Bạch cầu tế bào tóc là một loại ung thư máu hiếm gặp khi tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào lympho B - một loại tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng. Vì những tế bào B dư thừa này là bất thường và trông "có lông" dưới kính hiển vi nên bệnh lý này gọi là bệnh bạch cầu tế bào tóc. Khi số lượng tế bào ung thư tăng lên, các tế bào máu khác như hồng cầu và tiểu cầu giảm sút, người bệnh sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm.

1. Bệnh bạch cầu tế bào tóc là gì?

Bạch cầu tế bào tóc là một bệnh bạch cầu lympho mạn tính, được mô tả và đặt tên theo hình ảnh của vùng tế bào chất giống như lông nhìn thấy trên bề mặt của các tế bào B bất thường.

Bệnh bạch cầu tế bào tóc được công nhận như một dạng u ác tính của tế bào B trung tính, được xác định bởi sự sắp xếp lại các gen immunoglobulin biểu hiện kháng nguyên bề mặt.

Đây là đặc điểm giúp nhận dạng sự khác biệt giữa tế bào B dạng bình thường, dạng chưa trưởng thành của bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính và tế bào plasma của đa u tủy. Khi được tăng sinh ồ ạt từ tủy xương và giải phóng vào trong máu ngoại biên, các tế bào này sẽ xâm nhập vào hệ thống lưới nội mô, như gan và lá lách, làm bệnh nhân có gan to, lách to.

Thậm chí, chúng còn can thiệp vào chức năng của tủy xương, dẫn đến suy tủy xương trong việc sản xuất các dòng tế bào máu khác.

Nhìn chung, bệnh bạch cầu tế bào tóc tương đối hiếm gặp, chiếm 2% trong tất cả các trường hợp bệnh bạch cầu. Bệnh xảy ra chủ yếu ở nam giới trung niên với tuổi trung bình 49-51 tuổi. Nguyên nhân của bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng mặc dù một số nhà nghiên cứu cho rằng phơi nhiễm với phóng xạ, benzen, thuốc trừ sâu hoặc các dung môi khác có thể là các yếu tố nguy cơ mắc phải bệnh bạch cầu tế bào tóc.

Bệnh bạch cầu lympho mạn tính
Bạch cầu lympho mạn tính

2. Triệu chứng của bệnh bạch cầu tế bào tóc như thế nào?

Hầu hết mọi người có thể hoàn toàn không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì của bệnh bạch cầu tế bào tóc. Tuy nhiên, khi đi xét nghiệm máu định kỳ hay vì một bệnh lý khác, kết quả sẽ cho thấy những giá trị bất thường trên các dòng tế bào máu và vô tình gợi ý đến bệnh bạch cầu tế bào tóc.

Ngược lại, một số ít bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tế bào tóc có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu như sau:

  • Cảm giác đầy bụng, chán ăn, ăn mau no do gan lách to
  • Mệt mỏi
  • Da dễ bầm tím
  • Nhiễm trùng tái đi tái lại
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân

Trong thực tế, vì bệnh bạch cầu tế bào tóc có thời gian tiến triển rất chậm và đôi khi vẫn ổn định trong nhiều năm sau khi khỏi bệnh, người bệnh có thể được khám và phát hiện bệnh khi bệnh đã xảy ra biến chứng nghiêm trọng, như:

  • Nhiễm trùng nặng: Giảm số lượng tế bào bạch cầu đóng vai trò phòng thủ, chống đỡ bệnh tật nên sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Mức độ nhiễm trùng có thể trở nên nặng nề dù chỉ nhiễm những tác nhân thông thường.
  • Xuất huyết: Số lượng tiểu cầu thấp làm cho cơ thể sẽ khó cầm máu khi bị tổn thương hay cũng có thể xảy tình trạng chảy máu tự phát như từ mũi hoặc nướu răng, xuất huyết đường tiêu hóa, trong ổ khớp hay xuất huyết não.
  • Thiếu máu: Số lượng tế bào hồng cầu thấp có nghĩa là có ít tế bào mang oxy vận chuyển đi khắp cơ thể, gây ra thiếu máu nuôi các cơ quan, hoạt động kém hiệu quả.
Bạch cầu tế bào tóc
Mệt mỏi là dấu hiệu ban đầu của bệnh bạch cầu tế bào tóc.

3. Làm cách nào để chẩn đoán và điều trị bệnh bạch cầu tế bào tóc?

Nếu bác sĩ đa khoa nghi ngờ một người mắc bệnh bạch cầu tế bào tóc do kết quả công thức máu bất thường, bác sĩ sẽ giới thiệu đến chuyên khoa huyết học. Tại đây, toàn bộ các dòng tế bào máu khác nhau trong máu ngoại biên và cả trong tủy xương sẽ được thu thập mẫu và phân tích.

Trong bệnh bạch cầu tế bào tóc hay các ung thư máu dòng bạch cầu khác, số lượng hồng cầu và tiểu cầu sẽ rất thấp, thay vào đó là tăng đột biến số lượng bạch cầu. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để kiểm tra thêm về gan, lá lách.

Vì tốc độ phát triển chậm, việc điều trị bệnh bạch cầu tế bào tóc có thể không đòi hỏi phải được tiến hành ngay lập tức. Thay vào đó, người bệnh cần được xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh và phác đồ điều trị có thể chỉ được khuyến nghị nếu số lượng tế bào bạch cầu bất thường tăng cao, lấn át dòng hồng cầu, tiểu cầu hoặc nếu người bệnh có biểu hiện các triệu chứng. Việc điều trị bệnh bạch cầu tế bào tóc cơ bản bao gồm:

3.1 Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị chủ lực cho bệnh bạch cầu tế bào tóc, thường có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào bạch cầu bất thường. Hai loại thuốc hóa trị chính được sử dụng là:

  • Cladribine - được dùng bằng cách tiêm dưới da hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch
  • Pentostatin - được dùng bằng cách truyền trực tiếp vào tĩnh mạch sau mỗi 2 tuần
  • Những loại thuốc này có thể làm cho người bệnh rất mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa... cũng như có thể khiến dễ bị nhiễm trùng hơn. Vì vậy, cần chú ý giữ vệ sinh, phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng để có thể xử trí kịp thời.

Ngoài ra, phác đồ hóa trị liệu còn có sự tham gia của rituximab, một loại thuốc được gọi là kháng thể đơn dòng, đôi khi có thể được sử dụng kết hợp với hóa trị. Thuốc hoạt động bằng cách gắn vào một protein được tìm thấy trên các tế bào bạch cầu ung thư và hệ thống miễn dịch sau đó nhắm mục tiêu, giết chết các tế bào bất thường.

hóa trị ung thư phổi
Hóa trị

3.2 Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ lá lách hiếm khi được chỉ định như một phương pháp để điều trị bệnh bạch cầu tế bào tóc. Tuy nhiên, việc loại bỏ lá lách sẽ cần được xem xét khi:

  • Lách lớn và đau hoặc gây cảm giác khó chịu
  • Lách làm phá hủy một số lượng lớn tế bào hồng cầu hoặc tiểu cầu
  • Lách không giảm kích thước sau khi hóa trị

Ngoài ra, can thiệp ngoại khoa cũng có thể tiến hành như bước điều trị triệt căn ban đầu đối với các loại ung thư thứ phát còn khu trú trong quá trình hóa trị bệnh bạch cầu tế bào tóc.

4.Tiên lượng của bệnh bạch cầu tế bào tóc như thế nào?

Bệnh bạch cầu tế bào tóc sẽ tiến triển như một bệnh lý bạch cầu mãn tính khác và tiên lượng phụ thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh tại thời điểm chẩn đoán và mức độ đáp ứng với điều trị.

Khi được điều trị, hầu hết các bệnh nhân có thể thuyên giảm được các triệu chứng lâm sàng tạm thời hay đôi khi là chữa khỏi được lâu dài. Một số thống kê cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm nếu người bệnh có điều trị bệnh bạch cầu tế bào tóc dao động từ 84% đến 94%, khả quan hơn so với nhiều bệnh lý ác tính khác.

Dù vậy, vì bệnh bạch cầu tế bào tóc là một loại ung thư hiếm gặp, rất khó để dự đoán chính xác bệnh sẽ ảnh hưởng đến từng cá nhân trong thời gian dài hạn như thế nào.

Bên cạnh đó, nguy cơ của việc hình thành thêm một khối u thứ phát cũng đã được ghi nhận ở những bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tế bào tóc do tác dụng phụ của ức chế miễn dịch của trị liệu.

Trong đó, ung thư da là phổ biến nhất, chiếm 33-36% của tất cả các khối u ác tính thứ phát. Ngoài ra, còn có ung thư tuyến tiền liệt hay đường tiêu hóa, u lympho không Hodgkinung thư buồng trứng, cổ tử cung, ung thư vú. Chính những tình trạng này tác động tiêu cực đến tiên lượng lâu dài của bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tế bào tóc.

Tóm lại, bệnh bạch cầu tế bào tóc là một dạng ung thư máu với tỷ lệ hiếm gặp. Vì những hiểu biết về bệnh còn hạn chế, nguyên nhân, cách điều trị và tiên lượng bệnh còn chưa rõ ràng, việc phát hiện bệnh sớm là điều duy nhất có thể thực hiện được để cải thiện dự hậu. Theo đó, mỗi người cần chú ý tầm soát sức khỏe định kỳ, nhằm có sự bảo vệ tốt nhất cho chính mình và người thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan