Bệnh bụi phổi bông là bệnh gì?

Một trong những bệnh phổi nghề nghiệp phổ biến là bệnh bụi phổi bông, thường gặp ở những người làm việc trong ngành dệt may, tiếp xúc nhiều với sợi bông. Vậy bệnh bụi phổi bông là gì, có biểu hiện như thế nào?

Bụi phổi bông là bệnh gặp nhiều ở những nước phát triển ngành công nghiệp dệt may, sợi nhưng có điều kiện bảo hộ lao động còn kém. Tại Việt Nam, bụi phổi bông nằm trong nhóm 25 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm và thuộc nhóm bệnh bụi phổi phổ biến.

1. Bệnh bụi phổi bông là bệnh gì?

Bệnh bụi phổi bông là một bệnh về đường hô hấp, thường gặp ở những công nhân, người làm việc trong ngành sợi, tiếp xúc nhiều với sợi bông, sợi gai, sợi đay, sợi lanh.

Bệnh bụi phổi bông khác với bệnh bụi phổi amiang và bụi phổi silic, vì nằm trong nhóm bệnh dị ứng ngoại lai, nhưng tất cả đều là bệnh phổi nghề nghiệp phổ biến ở các nước có ngành công nghiệp này đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

2. Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi bông

Bụi bông được cho là nguyên nhân chính gây bệnh. Đây là một loại bụi thực vật có dạng sợi, với thành phần rất đa dạng gồm thành phần chính là sợi bông và những thành phần khác như vỏ bông, lá, thân cây đến đất trồng và các loại vi sinh vật. Tùy môi trường trồng cây bông, thành phần bụi bông sẽ khác nhau.

Trong các thực nghiệm và điều tra về dịch tễ học, vi sinh vật có trong bụi bông được cho là tác nhân chính gây bệnh bụi phổi bông, tuy nhiên triệu chứng của bệnh do tác nhân nào trong bụi bông gây ra thì chưa được xác định rõ.

Bụi bông là nguyên nhân chính gây bệnh bụi phổi bông
Bụi bông là nguyên nhân chính gây bệnh bụi phổi bông

3. Biểu hiện khi mắc bệnh bụi phổi bông

Biểu hiện khi mắc bệnh bụi phổi bông có thể theo dõi qua 2 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn đầu: Người bệnh bị tức ngựckhó thở vào cuối ngày làm việc, hoặc sau khoảng 4 - 6 giờ làm việc. Sau đó, người bệnh hết tức ngực và khó thở trong khoảng 5 - 7 ngày thì bị lại. Ở giai đoạn này, nếu đến thăm khám, bác sĩ sẽ nghe phổi và thấy có tiếng ran ngáy và nếu cho dùng thuốc giãn nở phổi thì triệu chứng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, tức ngực và khó thở sẽ tái phát thường xuyên, nhất là khi người bệnh tiếp xúc với bụi bông.
  • Giai đoạn sau: Người bị bệnh bụi phổi bông cảm thấy khó thở nặng hơn và thường xuyên hơn. Ngoài ra, còn kèm theo các biểu hiện khác như sốt, nhức đầu, ho, mệt mỏi, khô miệng. Những triệu này sẽ xuất hiện và biến mất trong từ 3 - 6 giờ. Nếu thời gian làm việc trong ngành sợi bông kéo dài lên đến 10 - 20 năm, bệnh bụi phổi bông có thể không hồi phục được và tiến triển thành suy hô hấp, giãn phế nang, phế quản.

4. Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh bụi phổi bông

Để chẩn đoán bệnh bụi phổi bông, trước tiên dựa vào tiền sử của người bệnh (bao gồm các yếu tố có tiếp xúc, làm việc trong môi trường có nồng độ bụi bông vượt quá giới hạn, thời gian tiếp xúc, nhiễm bụi). Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm chức năng phổi bao gồm:

  • Đo thông khí phổi: Tắc nghẽn luồng thông khí phổi và giảm thông khí. Nếu được chẩn đoán rối loạn thông khí không thể hồi phục được, người bệnh được đánh giá là đã mất khả năng lao động.
  • Phản ứng với methacholine: Mạnh
  • Chụp X-quang phổi: Tăng sáng ở phổi do bị khó thở gây ứ khí. Nếu phát hiện bệnh bụi phổi bông ở giai đoạn sau, sẽ thấy hình ảnh X-quang gần giống với bệnh viêm phế quản mãn tính, giãn phế nang hoặc khí phế thũng.

Để điều trị bệnh bụi phổi bông, chủ yếu là sử dụng thuốc hen và giảm hoặc tránh tiếp xúc với bụi bông. Hạn chế tiếp xúc với bụi bông cũng là biện pháp phòng ngừa bệnh bằng cách:

  • Đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất: Đảm bảo điều kiện nhà máy sản xuất phải có hệ thống lọc bụi, thông gió, hút bụi cũng như bộ phận giám sát môi trường lao động để kịp thời phát hiện sai sót trong quá trình sản xuất làm tăng nguy cơ gây bệnh phổi nghề nghiệp cho người lao động. Khám tuyển công nhân, người lao động khi tuyển dụng kỹ lưỡng cũng như tổ chức tái khám định kỳ. Trang bị dụng cụ bảo hộ cho người lao động làm việc trong môi trường.
  • Đối với người lao động: Tuân theo các quy định an toàn khi làm việc tại các phân xưởng dệt may, gia công có tiếp xúc nhiều với bụi bông, mang đồ bảo hộ.

Khi đã hiểu rõ về bệnh bụi phổi bông bạn cần chú ý đến vấn đề bảo vệ sức khỏe bản thân và trang bị điều kiện làm việc tốt đảm bảo cho quá trình lao động. Đặc biệt với những người làm việc trong ngành may mặc, liên quan nhiều đến vải bông cần chú ý thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ. Qua thăm khám bác sĩ sẽ có những tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe và đưa ra lời khuyên phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan