Bệnh lao hạch bạch huyết ngoại vi

Lao hạch hay lao hạch bạch huyết ngoại vi là bệnh lao ngoài phổi thường gặp ở nước ta. Lao hạch bạch huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh cần phân biệt với một số bệnh khác nên gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình chẩn đoán.

1. Lao hạch bạch huyết ngoại vi là gì?

  • Lao hạch bạch huyết ngoại vi là tình trạng viêm mạn tính ở hệ thống hạch ngoại vi do trực khuẩn lao gây nên, thường gặp ở trẻ em và thanh niên. Vị trí lao hạch ngoại biên có thể gặp bao gồm hạch cổ, hạch nách, hạch bẹn. Trong đó hạch cổ là vị trí thường gặp nhất, hạch bẹn hiếm gặp nhất
  • Lao hạch có kèm theo tổn thương lao các cơ quan khác như lao màng não, lao phổi,...
  • Bệnh biểu hiện hạch sưng to, có thể hơi đau, thường bị chuỗi hạch tiến triển từng đợt cách nhau hàng năm có thể lâu hơn. Hạch dò ra ngoài là chất bã đậu, xơ hóa và vôi hóa rất lâu khỏi để lại sẹo dúm dó, xấu xí.
  • Nguyên nhân gây bệnh lao hạch là do vi khuẩn lao gây bệnh lao hạch là M. tuberculosis, M. bovis, M. africanum, trong đó chủ yếu do M. tuberculosis.
Vi khuẩn lao
Lao hạch bạch huyết ngoại vi do vi khuẩn lao gây ra

Chẩn đoán bệnh lao hạch bạch huyết khi tìm thấy vi khuẩn lao trong bệnh phẩm chọc hút hạch hoặc mảnh sinh thiết hạch. Nếu không có điều kiện chẩn đoán tế bào học hoặc mô bệnh học cần kết hợp các yếu tố khác như: phản ứng Mantoux, Xquang phổi, cùng các yếu tố thuận lợi như: có tiếp xúc với nguồn lây, chưa được tiêm phòng lao, đang bị lao tại cơ quan khác trong cơ thể, chẩn đoán loại trừ, điều trị thử,...

2. Triệu chứng bệnh lao hạch bạch huyết ngoại vi

Triệu chứng toàn thân

  • Sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, kém ăn, gầy sút cân...
  • Có trường hợp không có triệu chứng toàn thân. Cần chú ý khai thác tiền sử lao hạch cũ và lao phổi cũ.

Triệu chứng tại chỗ

Thể điển hình

  • Vị trí hay gặp trong nhóm hạch cổ là hạch dọc theo cơ ức đòn chũm, sau đó đến hạch thượng đòn, hạch dưới hàm. Trong đó hạch cổ bên phải gặp nhiều so với hạch cổ bên trái, hay gặp lao hạch ở một bên cổ.
  • Đặc điểm của hạch đường kính từ 1 đến vài cm, hạch chắc, di động được, có thể hơi đau, thường bị một chuỗi hạch, da ở vùng hạch thường bình thường.
  • Sau đó hạch thường bị nhuyễn hóa, da bên ngoài hạch thường phù nề, màu đỏ, rồi vỡ mủ màu vàng, nặn ra có thể thấy chất bã đậu, bờ lỗ rò nham nhở, rỉ nước vàng liên tục và rất lâu liền. Sau một thời gian dài có thể tự liền sẹo, nhưng sẹo dúm dó, thỉnh thoảng lại có đợt rò mủ.
  • Bệnh tiến triển kéo dài sau đó các hạch dính với nhau và tổ chức xung quanh, da ngoài hạch rò có thể có lỗ rò và có nhiều sẹo.
Nổi hạch vùng cổ
Lao hạch thường xuất hiện ở một bên cổ

Thể không điển hình: Hạch nổi khắp toàn thân và nội tạng kèm theo bệnh nhân sốt cao kéo dài, gầy sút cân nhanh.

Thể giả u: Hạch ngoại vi sưng to, rắn chắc giống như khối u.

Triệu chứng cận lâm sàng:

  • Phản ứng Mantoux dương tính mạnh. Đây là xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán lao hạch và chẩn đoán phân biệt với các bệnh Hodgkin, bệnh sarcoidung thư hạch.
  • Sinh thiết hạch là xét nghiệm có ý nghĩa quyết định chẩn đoán. Xét nghiệm tìm thấy nang lao với các tế bào viêm đặc hiệu và hoại tử bã đậu trung tâm.
  • Cấy BK từ dịch, mủ hút được ở trong hạch cấy môi trường Loewenstein tìm thấy trực khuẩn lao.
  • Chọc hạch làm hạch đồ tìm thấy các thành phần của nang lao thì kết luận lao hạch.
  • Xquang phổi: có ý nghĩa chẩn đoán khi có hạch sưng và kèm theo có tổn thương lao phổi.

3. Điều trị

Điều trị nội khoa là chủ yếu. Dựa theo nguyên tắc:

  • Phối hợp thuốc chống lao, từ 3 thuốc trở lên.
  • Giai đoạn tấn công dùng phối hợp 3 đến 4 loại thuốc chống lao, giai đoạn duy trì sử dụng 2 loại thuốc chống lao .
  • Thời gian điều trị lao hạch kéo dài 9-12 tháng vì lao hạch hay tái phát.
Thuốc
Điều trị bệnh nội khoa bằng cách kết hợp các loại thuốc chống lao

Điều trị ngoại khoa

  • Dẫn lưu mủ. Chỉ định trong trường hợp hạch nhuyễn hoá, hoá mủ và có khả năng vỡ mủ vì vậy nên chủ động trích dẫn lưu mủ để tránh để lại sẹo xấu. Sau khi trích rạch cần điều trị tại chỗ như rắc bột kháng dinh isoniazid hoặc rifampicin hàng ngày cho đến khi vết thương khô và liền sẹo. Ngoài ra dẫn lưu mủ còn chỉ định trong trường hợp hạch rò mủ chưa ra hết, dẫn lưu mủ bằng trích rạch để mở rộng lỗ rò, nạo vét hết mủ
  • Phẫu thuật bóc hạch. Chỉ định trong trường hợp hạch quá to chèn ép vào tổ chức xung quanh cần mổ bóc hạch. Quá trình phẫu thuật cần lưu ý không làm tổn thương đến mạch máu và thần kinh.
  • Mổ lấy hết toàn bộ hạch. Chỉ định trong trường hợp hạch dò mủ, áp xe lạnh đáp ứng kém với điều trị cần lấy toàn bộ hạch ngoại vi rồi tiếp tục điều trị lao.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan