Bệnh nhiễm trùng máu có chữa khỏi được không?

Bệnh nhiễm trùng máu là tình trạng nguy hiểm, có thể gây suy đa tạng, thậm chí dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, hiệu quả thì nhiễm trùng máu có thể chữa khỏi.

1. Bệnh nhiễm trùng máu là gì?

Nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng huyết) là các bệnh lý xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, tiết ra các chất độc dẫn tới suy đa cơ quan, suy gan, suy thận hoặc rối loạn đông máu,...

Nhiễm khuẩn huyết xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc từ những ổ nhiễm khuẩn ở các mô tế bào hay các cơ quan như da, mô mềm, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, cơ, xương, khớp,... Nhiễm trùng máu cấp tính gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, làm suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn với tỷ lệ tử vong rất cao (có thể lên đến 20 - 50%).

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng máu gồm:

  • Độ tuổi: Trẻ sơ sinh hoặc sinh non, người cao tuổi;
  • Sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép, corticoid kéo dài, đang xạ trị và hóa trị;
  • Mắc bệnh mãn tính như HIV/AIDS, xơ gan, đái tháo đường, bệnh van tim, tim bẩm sinh, bệnh phổi, suy thận mãn;
  • Người nghiện rượu, người đã cắt lách, có bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạt;
  • Người có sử dụng các thiết bị xâm nhập cơ thể như đặt ống dẫn truyền, đóng đinh nội tủy, đặt ống nội khí quản,...

Các tác nhân gây nhiễm trùng máu thường là: Vi khuẩn, vi nấm, virus,...

bệnh nhiễm trùng máu
Bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, tiết ra các chất độc

2. Triệu chứng bệnh nhiễm trùng máu

Nhiễm khuẩn huyết là tập hợp những biểu hiện của 1 tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân rất nặng, gây sốc, suy đa tạng và tử vong nhanh. Những biểu hiện thường gặp khi bị nhiễm trùng huyết gồm:

  • Sốt: Dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất của nhiễm trùng huyết là sốt trên 38°C;
  • Ớn lạnh: Khi bị sốt đi kèm ớn lạnh và một số dấu hiệu điển hình khác thì người bệnh có thể được chẩn đoán nhiễm trùng máu;
  • Hạ thân nhiệt: Một số trường hợp bệnh nhân bị hạ thân nhiệt. Đay là dấu hiệu cho thấy nhiễm khuẩn huyết nặng hơn và tiên lượng xấu hơn;
  • Thở nhanh: Nếu nhiễm trùng xảy ra ở phổi, bệnh nhân phải thở nhanh hơn để cung cấp đủ oxy cho cơ thể;
  • Đau nhức: Tình trạng đau nhức có thể xảy ra trên toàn thân hoặc chỉ ở một số bộ phận trên cơ thể người bệnh nhiễm trùng máu;
  • Tim đập nhanh, hạ huyết áp: Khi cơ thể bị nhiễm trùng, tim sẽ làm việc nhiều hơn để bơm máu đi, dẫn tới nhịp tim nhanh hơn. Huyết áp hạ là dấu hiệu cảnh báo có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn - giai đoạn nặng nhất của nhiễm trùng huyết;
  • Da đổi màu: Khi bị nhiễm trùng máu, cơ thể ưu tiên vận chuyển máu tới những cơ quan quan trọng nhất để duy trì sự sống. Vì vậy, lượng máu đưa tới da có thể giảm đi, khiến da bệnh nhân trở nên nhợt nhạt, tím tái;
  • Triệu chứng tâm thần kinh: Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, li bì, lơ mơ hoặc vật vã, kích thích, hôn mê,... Tình trạng rối loạn ý thức thường đi kèm sốc nhiễm khuẩn.

3. Bệnh nhiễm trùng máu có nguy hiểm không?

Nhiễm trùng máu là tình trạng cực kỳ nguy hiểm. Thông thường, thời gian ủ bệnh nhiễm trùng máu rất ngắn, dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng chỉ sau vài giờ tới vài ngày. Các trường hợp nhiễm trùng huyết nặng có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong. Hậu quả của nhiễm trùng huyết hết sức nặng nề. Bệnh nhiễm khuẩn máu có thể gây nhiều biến chứng như:

  • Sốc nhiễm trùng: Là tình trạng rất nặng, đặc biệt nguy hiểm. Bệnh nhân có biểu hiện khó thở, tim đập nhanh, rối loạn tâm thần,... Tỷ lệ tử vong lên tới 20 - 50%. Bệnh thường diễn biến nặng ở người già, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
  • Hội chứng suy hô hấp cấp: Tỷ lệ tử vong lên tới 45%;
  • Rối loạn đông máu: Là tình trạng máu chảy không đông do thiếu các yếu tố đông máu. Bệnh nhân gặp biến chứng này dễ bị trụy mạch do sốc nhiễm trùng;
  • Suy giảm chức năng gan, thận: Suy gan, suy thận xảy ra khi phần lớn gan, thận bị tổn thương tới mức độ không thể tự phục hồi, hoạt động bình thường trở lại.

4. Bệnh nhiễm trùng máu có chữa khỏi được không?

Mặc dù bệnh nhân nhiễm trùng huyết thường có tiên lượng tử vong cao hơn so với các bệnh nhiễm trùng khác nhưng người bệnh vẫn có thể được điều trị khỏi. Mức độ nguy hiểm của bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi tác, bệnh lý nền, sức khỏe tổng thể, thời gian phát hiện bệnh,... Càng phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao và thời gian điều trị càng ngắn.

Thời gian vàng để điều trị nhiễm trùng máu: Trong vòng 3 giờ đầu tiên, bệnh nhân cần được phát hiện bệnh, dùng kháng sinh và truyền dịch tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ thực hiện cấy máu, điều trị tích cực để huyết áp trở lại bình thường. Sau đó là áp dụng các phương pháp điều trị tổng thể khác.

5. Các phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng máu

Dù ở mức độ nào, nhiễm trùng máu cũng có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. Với sự tiến bộ của các phương pháp chẩn đoán, điều trị, cơ hội chữa khỏi của bệnh nhân ngày càng cao. Việc điều trị nhiễm trùng máu gồm: Chẩn đoán sớm, loại bỏ nguồn gốc gây nhiễm trùng nguyên phát, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, chống rối loạn đông máu, dùng kháng sinh, nâng cao sức đề kháng.

Phương pháp điều trị cụ thể như sau:

  • Dùng kháng sinh: Đa số các trường hợp mắc nhiễm trùng máu do vi khuẩn nên kháng sinh có hiệu quả điều trị khá tốt. Những loại kháng sinh phổ rộng thường được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng máu là Vancomycin, Ceftriaxone, Piperacillin, Ciprofloxacin, Azithromycin,... Sử dụng kháng sinh theo mầm bệnh và kháng sinh đồ, dùng liều cao. Trong trường hợp vi khuẩn kháng kháng sinh và chưa rõ mầm bệnh thì cần dùng kháng sinh phối hợp;
  • Sử dụng thuốc kháng virus hoặc kháng nấm: Nếu nguyên nhân gây nhiễm trùng máu là do virus hoặc nấm thì bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng virus hoặc nấm (dùng qua đường tiêm tĩnh mạch);
  • Truyền dịch: Bệnh nhân nhiễm trùng máu thường bị hạ huyết áp nên cần được truyền dịch để tăng huyết áp;
  • Liệu pháp oxy: Cung cấp oxy cho máu bằng mặt nạ oxy, ống thông qua mũi hoặc thở máy;
  • Lọc máu: Trong trường hợp bị suy thận cấp, giúp loại bỏ chất thải, muối và nước dư thừa từ máu;
  • Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng máu tận gốc nếu xác định được nguồn gốc nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng máu biến thành áp xe thì phẫu thuật cắt bỏ áp xe sẽ được thực hiện ngay lập tức;
  • Cải thiện sức đề kháng cơ thể: Truyền máu, sinh tố, đạm,...
bệnh nhiễm trùng máu
Càn chẩn đoán sớm để điều trị bệnh nhiễm trùng máu

6. Biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm trùng máu

Để phòng bệnh nhiễm trùng huyết, mỗi người cần:

  • Điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ban đầu: Vết thương nhiễm trùng, chấn thương, áp xe, mụn nhọt,...;
  • Vô trùng các dụng cụ y tế;
  • Tiêm vắc-xin phòng ngừa vi khuẩn phế cầu, Hib, não mô cầu,... để phòng bệnh hiệu quả. Một số loại vắc-xin gồm: Pentaxim (Pháp), Menactra (Mỹ), Quimi-Hib (Cuba), Infanrix Hexa (Bỉ), Hexaxim (Pháp), Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ),...;
  • Ăn những thực phẩm giàu vitamin C, protein, chất xơ và khoáng chất (kẽm, selen, sắt,...) để cải thiện hệ thống miễn dịch, hạn chế các biến chứng của bệnh;
  • Bổ sung sữa chua hằng ngày vì đây là nguồn cung cấp hàng tỷ men vi sinh có lợi cho cơ thể, tránh được nhiễm trùng máu;
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bệnh nhiễm trùng máu vô cùng nguy hiểm với tiên lượng tử vong cao. Tuy vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện sức khỏe người bệnh và giảm nguy cơ xảy ra những biến chứng nặng. Do vậy, mỗi người nên chú ý tới việc tiêm vắc-xin đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ và ngay lập tức tới bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường để được phát hiện, điều trị bệnh sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

352.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan