Bệnh tiểu đường type 2 có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Thị Hoàng Anh - Bác sĩ Nội tiết - Trung tâm Tuyến giáp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Khi mới được chẩn đoán, hầu hết đều lo lắng bệnh tiểu đường type 2 có nguy hiểm không? Dù bệnh thường đi kèm với một số biến chứng cấp tính và mạn tính, nhưng nếu duy trì kiểm soát đường huyết tốt, bạn vẫn có cuộc sống lành mạnh.

1.Bị tiểu đường type 2 có nguy hiểm không?

Với bệnh tiểu đường type 2, người bệnh cần tuân thủ một lối sống nghiêm ngặt và tuân thủ dùng thuốc đúng chỉ dẫn của bác sĩ để giữ mức đường huyết trong tầm kiểm soát, qua đó tránh được các biến chứng của tiểu đường.

Để trả lời cho câu hỏi tiểu đường type 2 có nguy hiểm không, người bệnh cần biết trên thực tế, những biến chứng cấp tính (ngắn hạn) và mạn tính (dài hạn) của căn bệnh này có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những biến chứng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống cũng như tính mạng của người bệnh.

2. Các biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường type 2

2.1. Hạ đường huyết

Hạ đường huyết là hiện tượng lượng đường trong máu thấp đột ngột (<4 mmol/l ). Đường huyết có thể giảm xuống, đặc biệt nếu người bệnh đang dùng insulin hoặc thuốc sulfonylurea (những loại thuốc này khiến cơ thể tăng sản xuất insulin cả ngày nên dễ gây hạ đường huyết). Khi sử dụng những loại thuốc này, nếu tự nhiên ăn ít hơn bình thường hoặc hoạt động nhiều hơn, lượng đường trong máu có thể giảm quá nhiều dẫn tới hạ đường huyết.

Các nguyên nhân khác có thể gây hạ đường huyết bao gồm: Sử dụng một số loại thuốc (ví dụ như aspirin, làm giảm mức đường huyết nếu dùng liều hơn 81mg) và uống quá nhiều rượu (rượu khiến gan không giải phóng glucose).

Các dấu hiệu và triệu chứng của đường huyết thấp rất dễ nhận biết gồm:

  • Tim đập loạn nhịp;
  • Đổ mồ hôi;
  • Da trắng bệch;
  • Lo lắng, bồn chồn;
  • Tê ngón tay, ngón chân;
  • Buồn ngủ thậm chí hôn mê do hạ đường huyết;
  • Nhức đầu;
  • Nói lắp.

Các trường hợp hạ đường huyết nhẹ có thể được điều trị bằng cách uống nước ngọt, uống sữa hoặc ăn bánh kẹo, để nhanh chóng làm tăng mức đường huyết trở lại.

2.2. Hội chứng tăng đường huyết cấp tính

Hội chứng tăng đường huyết cấp tính thể hiện ở việc người bệnh bị hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu hoặc hôn mê do đái tháo đường nhiễm toan ceton. Đây là tình trạng rất hiếm gặp nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Hội chứng tăng đường huyết cấp tính có nhiều khả năng xảy ra trên người bệnh cùng mắc nhiều bệnh lý khác hay người cao tuổi. Bệnh nhân có thể thấy khát nhiều, tiểu nhiều, sút cân, nôn, buồn nôn, lờ đờ, rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê.

Để tránh mắc phải hội chứng tăng đường huyết cấp tính, nên theo dõi thường xuyên mức đường huyết hàng ngày, để có thể thông tin tới bác sĩ điều trị nhằm điều chỉnh thuốc cũng như điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Đặc biệt, khi mắc các bệnh lý cấp tính khác , bệnh nhân nằm điều trị nội trú trong bệnh viện cần được theo dõi đường huyết tích cực với 4 lần/ngày, trong đó 3 lần thử đường máu trước 3 bữa ăn chính và 1 lần thử đường máu trước khi đi ngủ.

3. Các biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường type 2

Các biến chứng mạn tính của tiểu đường type 2 phát triển âm thầm trong nhiều năm và tất cả đều liên quan đến mức glucose trong máu. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu của cơ thể, cả mạch máu nhỏ và lớn.

3.1.Các biến chứng mạch máu nhỏ

  • Bệnh võng mạc tiểu đường: Mức đường huyết ngoài giới hạn trong thời gian dài có thể gây bệnh võng mạc do tiểu đường. Nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn tới mù lòa. Hãy giữ cho lượng đường trong máu nằm trong phạm vi cho phép và khám mắt định kỳ hàng năm.
  • Bệnh thận: Nếu không được điều trị, bệnh thận (còn gọi là bệnh thận do tiểu đường) dẫn đến suy giảm chức năng thận, phải lọc máu và ghép thận. Tiểu đường type 2 không được kiểm soát (hoặc kiểm soát kém) có thể khiến thận bị suy giảm chức năng nhanh chóng. Để ngăn ngừa bệnh thận do tiểu đường, người bệnh cần được kiểm tra albumin niệu vi lượng hàng năm. Đây là dấu hiệu ban đầu của các vấn đề về thận.
  • Bệnh thần kinh tiểu đường: Tổn thương dây thần kinh do tiểu đường còn được gọi là bệnh thần kinh do tiểu đường. Các mạch máu nhỏ nuôi các dây thần kinh, vì vậy nếu mạch máu bị tổn thương, các dây thần kinh cũng sẽ bị tổn thương. Trong bệnh tiểu đường type 2, một số người đã có dấu hiệu tổn thương dây thần kinh khi mới được chẩn đoán như tê bì chân tay, khô ngứa da, nóng rát da, chuột rút, rối loạn cương dương,...

3.2. Các biến chứng mạch máu lớn

Người bệnh tiểu đường tử vong do nguyên nhân hàng đầu là do các biến chứng tim mạch của tiểu đường, trong đó có biến chứng mạch máu lớn như: mạch não, mạch vành, mạch chi. Nếu không kiểm soát tốt đường máu, mỡ máu, người bệnh có thể đau tim, đột quỵ hoặc tắc nghẽn mạch máu ở chân, gây ra bệnh mạch máu ngoại biên.

4. Phòng tránh biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Khi đã biết tiểu đường type 2 có nguy hiểm không, bệnh nhân có thể kiểm soát tốt bệnh bằng cách: tuân thủ sử dụng thuốc theo y lệnh của bác sĩ, theo dõi đường huyết thường xuyên , tái khám định kỳ với bác sĩ; ăn uống khoa học; tập luyện thường xuyên; không hút thuốc lá,... Trong đó việc tuân thủ dùng thuốc, tái khám định kỳ, kiểm soát đường huyết là cốt yếu trong phòng ngừa biến chứng tiểu đường.

Các thảo dược trị tiểu đường như Câu kỷ tử, Hoài Sơn, Nhàu, Mạch Môn...hoặc các sản phẩm có chứa thành phần Alpha lipoic acid - một chất chống oxy hóa mạnh (hơn cả Vitamin C, vitamin E), giúp trung hòa các gốc tự do, giảm stress oxy hóa để bảo vệ tế bào thần kinh khỏi bị tổn thương do đường huyết tăng cao. Do đó, các thảo dược này có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả tiểu đường và ngăn ngừa biến chứng.

Tóm lại, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các bộ phận cơ thể và gây biến chứng trên tim, thận, mắt, thần kinh. Đó chính là câu trả lời cho những thắc mắc bị tiểu đường type 2 có nguy hiểm không, nhất là những người mới được chẩn đoán. Dù bệnh tiểu đường type 2 thường đi kèm với một số biến chứng cấp tính và mạn tính, nhưng khi biết cách duy trì kiểm soát đường huyết tốt, mọi người hoàn toàn có thể tránh được biến chứng và có cuộc sống lành mạnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan