Bệnh viêm da cơ có nguy hiểm?


Viêm da cơ là một trong những bệnh tự miễn hệ thống gây viêm cơ hoặc các mô liên quan, như da hay các mạch máu cung cấp cho cơ. Bệnh gây ra các phản ứng viêm, tổn thương tế bào, mất chức năng vận động và nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không phát hiện, kiểm soát đúng cách ngay từ đầu.

1. Bệnh viêm da cơ là gì?

Bệnh viêm da cơ (dermatomyositis) là một bệnh lý có bản chất là bệnh tự miễn hệ thống.

Trong đó, viêm da cơ sẽ biểu hiện bằng các phản ứng viêm tại cơ, gây yếu cơ và kèm theo là những mảng phát ban đỏ tím trên da đặc biệt.

Bệnh viêm da cơ có thể ảnh hưởng đến người lớn và trẻ em. Ở người lớn, viêm da cơ thường xảy ra ở độ tuổi từ cuối 40 đến đầu 60. Ở trẻ em, bệnh thường xuất hiện từ 5 đến 15 tuổi. Đồng thời, bệnh có khuynh hướng ảnh hưởng đến nữ giới với tỷ lệ cao hơn nam giới.

Nguyên nhân của viêm da cơ cho đến nay vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng. Một số giả thiết cho rằng bệnh lý này có cùng cơ chế với các bệnh tự miễn hệ thống. Trong đó, hệ thống miễn dịch cho rằng là kháng nguyên và sẽ tấn công nhầm vào các mô cơ thể. Đối với bệnh viêm da cơ, các mạch máu nhỏ trong mô cơ bị ảnh hưởng. Các tế bào viêm sẽ tấn công lớp nội mô bao quanh mạch máu và cuối cùng dẫn đến phá hủy sợi cơ.

Chính vì chưa rõ nguyên nhân nên vẫn chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho viêm da cơ. Tuy nhiên, những phương cách hiện có có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, thuyên giảm ban trên da và lấy lại sức mạnh cũng như chức năng của cơ bắp.

Dưỡng ẩm cho người viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ xảy ra phổ biến ở trẻ em

2. Bệnh viêm da cơ biểu hiện thế nào?

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của viêm da cơ bao gồm các đặc điểm như sau:

  • Sang thương da: Phát ban đỏ tím trên da hay các mảng da sẫm màu là một dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ chẩn đoán viêm da cơ. Vị trí phát ban phổ biến nhất là trên mặt và mí mắt, trên đốt ngón tay, khuỷu tay, đầu gối, ngực và lưng. Bên cạnh sự xuất hiện của các ban đỏ tím trên da, sang thương da còn có thể gây ngứa và đau.
  • Yếu cơ: Yếu cơ tiến triển tại các cơ lớn ở gốc chi, chẳng hạn như các cơ ở hông, đùi, vai, cánh tay và cổ. Các cơ thường bị yếu đồng đều cả bên trái và bên phải của cơ thể; đồng thời sẽ có xu hướng diễn tiến nặng đi dần.

3. Chẩn đoán bệnh viêm da cơ như thế nào?

Ngoài các biểu hiện như trên, khi bác sĩ nghi ngờ đến viêm da cơ, một số xét nghiệm như sau sẽ được chỉ định nhằm xác chẩn:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ cho thấy có nồng độ enzyme cơ tăng cao như creatine kinase (CK) và aldolase. Đồng thời, các kháng thể tự miễn dịch cũng được định tính nhằm tìm kiếm bằng chứng cho các rối loạn tự miễn cũng như giúp xác định loại thuốc và phương pháp điều trị thích hợp nhất cho từng cơ địa người bệnh.
  • X-quang ngực: Một phim chụp giúp kiểm tra các dấu hiệu của tổn thương phổi, là hệ quả từ viêm da cơ.
  • Đo điện cơ: Bằng cách châm các điện cực kim mỏng qua da vào cơ bắp, hoạt động điện của cơ sẽ được đo lại khi người bệnh thư giãn hoặc co cơ. Từ đó, những thay đổi trong mô hình hoạt động điện có thể xác nhận bệnh cơ và nhóm cơ bắp nào bị ảnh hưởng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Một máy quét tạo ra hình ảnh cắt ngang của các bó cơ tạo ra bởi một từ trường và sóng vô tuyến mạnh cho phép đánh giá tình trạng viêm với một khối lượng cơ rất lớn.
  • Sinh thiết da hoặc cơ: Một mảnh nhỏ của da hoặc cơ sẽ được thu thập, phân tích giúp xác nhận chẩn đoán viêm da cơ. Mẫu bệnh phẩm soi dưới kính hiển vi cho thấy tình trạng viêm trong cơ hoặc do các vấn đề khác như tổn thương hoặc nhiễm trùng.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu là 1 trong những phương pháp chẩn đoán bệnh

4. Bệnh viêm da cơ có thể điều trị được hay không?

Cho đến nay, các cách thức điều trị viêm da cơ đặc hiệu vẫn chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị hiện có vẫn có thể cải thiện sang thương trên da và sức mạnh, chức năng của cơ bắp.

Nhìn chung, khi việc điều trị khởi động càng sớm, tổn thương da và cơ sẽ càng được hạn chế và chất lượng cuộc sống người bệnh mau hồi phục. Các loại thuốc hiện được dùng để điều trị viêm da cơ bao gồm:

  • Corticosteroid: Các loại thuốc như prednison có thể kiểm soát những triệu chứng của viêm da cơ một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc sử dụng kéo dài luôn tiềm ẩn các tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy, một liều cao corticosteroid ban đầu để kiểm soát các triệu chứng. Sau đó, cần nhanh chóng giảm dần liều thuốc khi các triệu chứng đã được cải thiện.
  • Thuốc kháng viêm không chứa corticosteroid: Khi được sử dụng cùng với một corticosteroid, những thuốc này có thể giúp làm giảm liều và tác dụng phụ của corticosteroid. Hai loại thuốc phổ biến nhất đối với bệnh viêm da cơ là azathioprine (Azasan, Imuran) và methotrexate (Trexall).
  • Rituximab (Rituxan): Mặc dù thường được sử dụng phổ biến hơn để điều trị viêm khớp dạng thấp, rituximab là một lựa chọn nếu các liệu pháp ban đầu không kiểm soát đầy đủ các triệu chứng của viêm da cơ.
  • Thuốc trị sốt rét: Đối với tình trạng phát ban kéo dài, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống sốt rét, chẳng hạn như hydroxychloroquine (Plaquenil) để cải thiện sang thương da trong viêm da cơ.
  • Kem chống nắng: Người bệnh cần biết cách bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách thoa kem chống nắng và mặc quần áo bảo hộ, đội mũ để kiểm soát phát ban da trong viêm da cơ.
Lưu ý khi sử dụng kem chống nắng cho trẻ
Kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị thêm các cách điều trị sau đây:

  • Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch: Đây là hỗn dịch chứa các kháng thể điều chế từ người hiến máu. Những kháng thể này có thể trung hòa và ngăn chặn lại các kháng thể gây tổn hại tấn công cơ và da trong viêm da cơ. Trị liệu bằng phương thức này khá tốn kém và có thể cần phải được lặp lại thường xuyên để duy trì tác dụng liên tục.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể là một lựa chọn để loại bỏ các mảng lắng đọng canxi gây đau đớn, mất chức năng cơ bắp và ngăn ngừa nhiễm trùng da tái phát.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập để giúp duy trì và cải thiện sức mạnh, sự linh hoạt của các nhóm cơ.
  • Ngôn ngữ trị liệu: Nếu các cơ vùng hầu họng bị ảnh hưởng, liệu pháp nói có thể giúp người bệnh học cách cải thiện và điều chỉnh những khiếm khuyết này.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Vì việc nhai và nuốt ở người bệnh viêm da cơ có thể trở nên khó khăn hơn, chế độ ăn uống cần được điều chỉnh, vừa giàu năng lượng nhưng phải mềm, nhuyễn, dễ nuốt.

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
Phẫu thuật có thể được áp dụng cho bệnh viêm da cơ

5. Bệnh viêm da cơ có nguy hiểm?

Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời điều trị, bệnh viêm da cơ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Khó nuốt: Nếu các cơ trong thực quản bị ảnh hưởng, người bệnh có thể gặp vấn đề về nuốt, gây ăn kém, sụt cân và suy dinh dưỡng.
  • Viêm phổi: Chính chứng khó nuốt làm giảm phản xạ ho, người bệnh sẽ dễ bị hít sặc phải thức ăn trong khi ăn. Ngay cả nước bọt bài tiết trong khoang miệng hay dịch trào ngược từ dạ dày cũng thường xuyên bị hít sặc vào phổi và dẫn tới viêm phổi.
  • Khó thở: Khi các cơ hô hấp cũng bị suy yếu, như vùng hầu họng, các cơ ở thành ngực, người bệnh sẽ khó thở và đôi khi phải lệ thuộc vào máy thở.
  • Lắng đọng canxi: Sau khi bị tổn thương bởi các phản ứng viêm, các mô liên kết sẽ bị lắng đọng các mảng canxi, làm mất chức năng của cơ và là bằng chứng khi bệnh tiến triển. Dấu hiệu này thường phổ biến hơn ở trẻ em bị viêm da cơ và phát triển sớm hơn trong quá trình của bệnh.
  • Các bệnh lý đi kèm: Viêm da cơ có thể là yếu tố thuận lợi gây ra các bệnh lý khác. Chính các bệnh lý này làm tổn thương thêm sức khỏe của người bệnh, bao gồm:
    • Hội chứng Raynaud: Đây là tình trạng gây co thắt mạch máu ngoại biên, khiến ngón tay, ngón chân, má, mũi và tai của bạn trở nên nhợt nhạt, thâm tím khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc khi lo lắng, căng thẳng.
    • Bệnh mô liên kết khác do tự miễn, chẳng hạn như lupus, viêm khớp dạng thấp, hội chứng xơ cứng, hội chứng Sjogren có thể xảy ra với viêm da cơ như hội chứng chồng lấp.
    • Bệnh lý tim mạch: Viêm da cơ có thể gây viêm cơ tim, từ đó tiến triển đến suy tim sung huyếtrối loạn nhịp tim.
    • Bệnh lý phổi: Bệnh phổi kẽ có thể xảy ra với viêm da cơ, gây sẹo hóa mô phổi, làm giảm khả năng đàn hồi và nặng dần là mất khả năng hô hấp.
    • Ung thư: Viêm da cơ ở người lớn có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là tại cổ tử cung, phổi, tuyến tụy, vú, buồng trứng và đường tiêu hóa.
khó thở
Bệnh viêm da cơ có thể gây khó thở cho người bệnh

Tóm lại, bệnh viêm da cơ là một bệnh lý thuộc nhóm bệnh tự miễn hệ thống. Trong đó, đặc trưng của bệnh là xuất hiện các ban đỏ tím trên da và phản ứng viêm gây yếu cơ. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ như trên, cần thăm khám sớm để được điều trị đúng cách, làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh và duy trì chức năng cơ quan.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan