Bị zona thần kinh: Khi nào nên đi khám?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Zona thần kinh là bệnh tuy không đe dọa đến tính mạng, nhưng nhiều trường hợp mắc zona thần kinh nặng, nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

1. Zona thần kinh là gì?

Zona thần kinh còn có tên gọi bệnh “giời leo”, bệnh do virus thần kinh Varicella zoster (VZV) - virus gây bệnh thủy đậu gây nên. Đây là virus thuộc họ herpes.

Người bệnh thủy đậu sau khi khỏi bệnh, virus vẫn còn tồn tại ở dạng “ngủ” chưa biến mất hoàn toàn. Các virus này cư trú ở các hạch thần kinh trong thời gian dài. Khi có các điều kiện thuận lợi như: Cơ thể suy nhược, suy giảm miễn dịch... thì virus này sẽ tái hoạt động và gây nên bệnh zona thần kinh. Virus sẽ lan truyền ra các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương niêm mạc, tổn thương da.

2. Triệu chứng bị zona thần kinh

Zona thần kinh mạn tính
Zona thần kinh còn có tên gọi bệnh “giời leo”, bệnh do virus thần kinh Varicella zoster gây ra

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh zona thần kinh gồm:

  • Cảm giác ngứa, đau nhức, nóng rát dưới 1 vùng da
  • Đau, tăng cảm giác 1 phía của cơ thể
  • Sau khi cơn đau xuất hiện khoảng 1 - 3 ngày, tại vị trí đau sẽ xuất hiện các nốt phồng, tấy đỏ, mọc thành chùm
  • Các nốt tấy đỏ có mủ, sau khoảng 7 - 10 ngày sẽ dần khô, đóng vảy
  • Khoảng 2 - 3 tuần sau, các nốt tấy đỏ biến mất, vảy khô bung ra.

3. Làm gì khi bị zona thần kinh?

Các loại thuốc điều trị zona thần kinh gồm:

  • Thuốc giảm đau
  • Thuốc hạ sốt
  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc chống nhiễm khuẩn
  • Thuốc làm dịu vết đỏ dưới da
  • Thuốc ức chế virus (sử dụng theo chỉ định của bác sĩ).

Các loại thuốc thường được sử dụng là paracetamol kết hợp với codein, giúp giảm đau, hạ sốt, đỡ nhức mỏi xương khớp.

Thuốc bôi ngoài da thường dùng hồ nước y tế, dùng tăm bông thấm nhẹ lên nốt tấy dưới da. Hồ nước có tác dụng làm mát, làm dịu vùng da bị đau nhức, nóng rát. Người bệnh chỉ nên dùng hồ nước trong khoảng 2 - 3 ngày đầu, sau đó chuyển sang dùng dung dịch sát khuẩn như: Xanh methylen, tím gentian, iot hữu cơ để hạn chế khả năng bị nhiễm trùng.

Paracetamol
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị zona là paracetamol kết hợp với codein

4. Khi nào nên đi khám zona thần kinh

Tuy nhiên, một vài trường hợp đặc biệt bị zona thần kinh nặng cần đến bệnh viện để các bác sĩ hỗ trợ điều trị như:

Vị trí mọc ban đỏ ở gần mắt và tai. Nếu vùng zona thần kinh chạy vào tai hoặc thuốc bôi zona dính vào mắt hoặc tai sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe người bệnh.

  • Vị trí mọc ban đỏ không ở 1 bên của cơ thể mà lan sang cả bên đối diện
  • Vị trí mọc ban đỏ quá rộng, mọc ban thành chùm dày đặc
  • Điều trị zona thần kinh tại nhà sau 2 - 3 ngày không có tiến triển
  • Các nốt tổn thương dưới da có biểu hiện viêm loét
  • Người bệnh bị sốt cao, đau nhức dữ dội, mệt mỏi
  • Người bị zona thần kinh kèm với các bệnh lý khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan