Các chỉ số xét nghiệm định lượng CEA trong máu

CEA là một kháng nguyên có ở tế bào ruột của thai nhi và khi trưởng thành thì chỉ còn nồng độ rất thấp ở trong máu. Khi bệnh nhân mắc ung thư, đặc biệt là bệnh ung thư tế bào biểu mô thì nồng độ CEA tăng lên. Các ung thư khác như đại trực tràng, dạ dày, phổi, tuyến tụy...Có thể tăng CEA.

1. Chỉ số CEA bình thường là bao nhiêu?

1.1 CEA huyết tương

  • Giá trị CEA huyết tương ở người bình thường không hút thuốc lá thường < 2,5 ng/ml.
  • Giá trị CEA ở người hút thuốc lá thường < 5 ng/ml.
  • Giá trị CEA huyết tương ở người có bệnh lành tính thường không quá 10 ng/ml.

1.2 CEA trong dịch cơ thể

Nói chung, giá trị CEA trong các dịch chọc dò ở người không bị ung thư có giá trị gần như Giá trị CEA trong huyết tương người bình thường, cụ thể là:

  • Giá trị CEA dịch màng bụng ở người không ung thư là < 4,6 ng/mL, giá trị cắt là < 5,0 ng/ml.
  • Giá trị CEA dịch màng phổi ở người không ung thư có giá trị cắt là 2,4 ng/ml.
  • Giá trị CEA dịch não tủy ở người không ung thư là 1,53±0,38 ng/ml.

1.3 Chỉ số CEA bao nhiêu là nguy hiểm?

Bình thường nồng độ CEA là 0-5 ng/ml. Tỷ lệ các bệnh nhân ung thư có tăng CEA > 5 ng/ml tuỳ theo các phủ tạng khác nhau nhưng thường dao động từ 50-70%.

CEA tăng trong một số loại ung thư nhất định, đặc biệt là ung thư ruột già (ung thư đại trực tràng và ung thư trực tràng). CEA cũng có thể tăng ở những người bị ung thư tuyến tụy, vú, buồng trứng, hoặc phổi.

2. Những ai cần làm xét nghiệm CEA

Đau bụng
Xét nghiệm CEA có thể được chỉ định khi một người đã được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, dạ dày

Xét nghiệm CEA có thể được chỉ định khi một người đã được chẩn đoán ung thư đại trực tràng, dạ dày, phổi. CEA sẽ được định lượng trước khi bắt đầu điều trị và sau đó được xét nghiệm theo thời gian để đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng và phát hiện tái phát, di căn.

Đôi khi xét nghiệm CEA có thể được thực hiện khi nghi ngờ ung thư nhưng chưa được chẩn đoán. Đây không phải là một xét nghiệm sử dụng chung cho các ung thư vì CEA có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, tuy nhiên nó vẫn có thể được chỉ định để có thể cung cấp thêm thông tin cho chẩn đoán tùy bệnh cảnh lâm sàng cụ thể.

Xét nghiệm CEA dịch cơ thể có thể được chỉ định để phát hiện khối u đã xâm lấn hoặc di căn đến các khoang trong cơ thể (ví dụ di căn lan rộng đến khoang phúc mạc, màng phổi hoặc não).

3. Ý nghĩa lâm sàng của chỉ số CEA

3.1 Sàng lọc và chẩn đoán sớm

Độ nhạy lâm sàng của CEA để chẩn đoán ung thư đại trực tràng là 50%, độ đặc hiệu là 90%.

Tiên lượng

Giá trị CEA có khuynh hướng tăng cao hơn khi bệnh tiến triển. Sử dụng điểm cắt 5 ng/ml.

Trong ung thư đại trực tràng, giá trị CEA có thể được sử dụng để tiên lượng và phát hiện khối u còn sót lại sau phẫu thuật. Giá trị CEA trước phẫu thuật cũng là một giá trị tiên lượng và xác định giai đoạn của khối u. Nói chung, các khối u có giá trị CEA cao tiên lượng rất xấu.

Theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện tái phát

Sau phẫu thuật ung thư đại trực tràng, giá trị CEA huyết tương sẽ giảm xuống dần và trở về mức bình thường trong 4 đến 6 tuần lễ. Trong ung thư đại trực tràng, việc xét nghiệm hàng loạt CEA huyết tương là một phương pháp không xâm lấn nhạy nhất để chẩn đoán tái phát của khối u sau phẫu thuật cắt bỏ khối u nguyên phát.

Đối với mỗi bệnh nhân, một giá trị CEA huyết tương ban đầu được xác định làm nền cho sự theo dõi sự diễn biến của bệnh. Khi Giá trị CEA tăng dai dẳng ít nhất trên 2 tháng, có khả năng ung thư bị tái phát.

Phát hiện di căn

Nếu CEA tăng lên trong dịch cơ thể thì rất có thể khối ung thư đã xâm lấn sang các vùng lân cận hoặc di căn đến các vùng tương ứng của cơ thể. Ví dụ, nếu CEA được phát hiện tăng trong dịch chọc dò màng phổi thì có thể ung thư đã di căn lên phổi, màng phổi; nếu CEA được phát hiện tăng trong dịch màng bụng thì có thể ung thư đã di căn vào phúc mạc; nếu CEA được phát hiện tăng trong dịch não tủy thì có thể ung thư đã di căn vào tủy sống hoặc não.

Trong các ung thư khác như ung thư biểu mô dạ dày, thực quản, tụy, phổi, buồng trứng, tuyến giáp thể tủy... Giá trị CEA chỉ tăng khi ung thư tiến triển, tỷ lệ tăng là khoảng 50-70% số các trường hợp .

3.2 CEA trong các bệnh lành tính

Giá trị CEA cũng có thể tăng ở một số bệnh lành tính, gây nên hiện tượng dương tính giả, chẳng hạn như khi viêm phổi, khí phế thũng, viêm gan, xơ gan, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng, polyp trực tràng, bệnh vú lành tính...

4. Một số yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số CEA

Hút thuốc lá
Hút thuốc lá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ CEA

Chỉ số CEA trong máu cao chưa thể kết luận ung thư bởi có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến nồng độ CEA:

  • Carcinoma niệu-sinh dục
  • Bệnh lý viêm dạ dày- ruột (chẳng hạn như viêm loét đại tràng, viêm túi thừa, viêm túi mật, viêm tụy)
  • Xơ gan
  • Những bệnh lý khác của gan
  • Viêm, loét dạ dày
  • Hút thuốc lá nhiều
  • Nhiễm trùng phổi
  • Viêm phổi
  • Viêm tụy
  • Chảy máu quá nhiều (hiếm)
  • Ngất xỉu hoặc cảm giác chóng mặt
  • Tụ máu (máu tích tụ dưới da)
  • Nhiễm trùng.

Như vậy, chỉ dựa vào chỉ số CEA cao chưa thể đánh giá được chính xác bệnh lý mà bạn đang gặp phải. Để chẩn đoán chính xác nhất, tốt hết bạn nên mang kết quả khám đến gặp bác sĩ. Sau khi khám lâm sàng và xem xét kết quả, nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm khác như: Chụp X-quang, siêu âm, sinh thiết...

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

191.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: