Các dấu hiệu và giai đoạn của sốc chấn thương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sốc chấn thương cần được nhận biết để xử trí kịp thời và phù hợp, bởi sốc chấn thương có thể gây suy hô hấp, tuần hoàn một cách nhanh chóng và gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

1. Sốc chấn thương là gì?

Sốc chấn thương là tình trạng toàn bộ các cơ quan, chức năng của cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp và tuần hoàn, bị suy sụp hoàn toàn, ảnh hưởng đến chức năng và sự hoạt động của các cơ quan khác (do thiếu oxy).

Có nhiều nguyên nhân gây ra sốc chấn thương, như tai nạn trong lao động, giao thông. Trong quá khứ, sốc chấn thương do chiến tranh gây ra.

2. Các dấu hiệu và giai đoạn của sốc chấn thương theo thời gian xuất hiện

Dựa theo thời gian xuất hiện, sốc chấn thương được chia làm 2 giai đoạn là sốc tiên phát và sốc thứ phát, với các dấu hiệu cụ thể như sau.

2.1 Dấu hiệu sốc chấn thương - Giai đoạn sốc tiên phát

Giai đoạn đầu của sốc chấn thương hay còn gọi là sốc tiên phát có thể xảy ra sau khi bị chấn thương khoảng 10 - 15 phút.

  • Tỉnh táo nhưng trong trạng thái kích thích và vật vã.
  • Ra nhiều mồ hôi
  • Da nhợt hoặc đỏ hồng
  • Phản xạ đồng tử tăng
  • Huyết áp tăng tối đa và tối thiểu.
  • Nhịp thở có thể tăng lên 25 - 30 lần/phút.
  • Nhiệt độ cơ thể không đổi, hoặc có thể tăng, giảm.
Tăng huyết áp cấp cứu
Huyết áp tăng là triệu chứng của sốc tiên phát

2.2 Dấu hiệu sốc chấn thương - Giai đoạn sốc thứ phát

Sau giai đoạn sốc tiên phát là sốc thứ phát, tuy nhiên, trong một vài trường hợp giai đoạn này có thể xảy ra ngay sau khi bị chấn thương.

  • Huyết áp giảm hoặc không đo được, khó bắt.
  • Thân nhiệt giảm, đặc biệt là ở vùng sống mũi, da tái nhợt.
  • Bất động, lờ đờ, cảm giác trên cơ thể giảm.
  • Rối loạn mao mạch với biểu hiệu da không hồng hào khi bị tác động vào người.
  • Người bệnh có thể bị sốc nhẹ (huyết áp 80 - 100 mmHg) hoặc vừa (huyết áp 40 - 80 mmHg) đến nặng (huyết áp dưới 40 mmHg).

3. Các dấu hiệu và giai đoạn của sốc chấn thương theo diễn biến lâm sàng

Dựa theo diễn biến trên lâm sàng, sốc chấn thương được chia làm 2 giai đoạn, bao gồm: sốc cương và sốc nhược.

3.1 Dấu hiệu sốc chấn thương - Giai đoạn sốc cương

Giai đoạn sốc cương thường xảy ra sau khi bị chấn thương khoảng 10 - 30 phút với dấu hiệu của từng giai đoạn cụ thể như sau:

  • Tăng phản ứng kích thích, phản xạ, trương lực cơ và cảm giác.
  • Vật vã, có biểu hiện nói nhiều và kêu đau trong trạng thái tỉnh táo.
  • Mạch đập bình thường hoặc nhanh.
  • Huyết áp tăng (trong khoảng từ 140/90 - 200/140 mmHg).
  • Thân nhiệt có thể bình thường, hoặc tăng, hoặc giảm.
  • Thở nhanh và sâu (khoảng 20 - 30 lần/phút).

3.2 Dấu hiệu sốc chấn thương - Giai đoạn sốc nhược

Khi tình trạng thiếu oxy do mất máu ở giai đoạn sốc cương ngày càng tăng, người bệnh chuyển sang giai đoạn sốc nhược, toàn bộ các chức năng bị suy sụp toàn bộ. Ở giai đoạn này, nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp có thể dẫn đến tử vong. Tùy vào huyết áp, sốc chấn thương giai đoạn này được chia thành 3 mức độ cụ thể như sau:

  • Sốc nhẹ: Huyết áp đo được trong khoảng 90 - 100 mmHg. Hệ thần kinh trung ương bị ức chế mức độ nhẹ, phản xạ giảm.
  • Sốc vừa: Huyết áp đo được trong khoảng 80 - 90 mmHg, mạch đập trong khoảng 110 - 120 lần/phút, thở nông, da tái. Hệ thần kinh trung ương bị ức chế.
  • Sốc nặng: Huyết áp đo được trong khoảng 60 - 70 mmHg, mạch đập trên 120 lần/phút, da tái nhợt. Hệ thần kinh trung ương bị ức chế nặng, người bệnh lờ đờ.
  • Sốc rất nặng và nghiêm trọng: Dấu hiệu sốc chấn thương mức độ rất nặng biểu hiện qua 3 giai đoạn nhỏ sau:
  • Tiền hấp hối: Rối loạn tri thức, huyết áp không đo được, người bệnh thở nhanh, thở nông.
  • Hấp hối: Mất tri thức, không bắt được mạch và huyết áp, bệnh nhân bị rối loạn hô hấp với mức độ nặng, thở ngáp cá.
  • Chết lâm sàng: Tim ngừng đập, người bệnh ngừng thở lâu khoảng 5 phút. Giai đoạn này nếu không được điều trị kịp thời có thể chuyển sang giai đoạn chết sinh vật.
Dấu hiệu thiếu oxy giai đoạn đầu
Giai đoạn sốc nhược rất nguy hiểm có thể gây chết lâm sàng

4. Dấu hiệu thoát sốc chấn thương

Sốc chấn thương là tình trạng cơ thể bị thương tổn rất nặng, tiến triển đột ngột và có thể trở nặng nếu không điều trị kịp thời. Tùy thuộc vào nguyên nhân và phương thức xử trí điều trị phù hợp, sốc chấn thương có thể được hồi phục hoặc không hồi phục. Dấu hiệu thoát sốc chấn thương biểu hiện cụ thể như sau:

  • Người bệnh tỉnh táo
  • Da dẻ hồng hào trở lại
  • Thân nhiệt ấm trở lại ở các chi và sống mũi
  • Huyết áp, tim và mạch đập bình thường
  • Thở sâu và đều
  • Lượng nước tiểu bình thường (khoảng 60 ml/giờ)
  • Các chỉ số đo được ổn định trong 2 - 3 giờ

Sốc chấn thương thường xảy ra đối với những trường hợp như tai nạn giao thông. Nhận biết các dấu hiệu và giai đoạn của sốc chấn thương sẽ giúp người bệnh được cấp cứu, xử trí điều trị kịp thời.

Với hơn 22 năm tuổi nghề, Bác sĩ Mai Anh Kha từng đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa và Phó khoa Ngoại - Bỏng tạo hình bệnh viện Trung ương Huế và công tác tại các đơn vị y tế lớn khác như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Giao thông 5. Hiện tại, đang là Bác sĩ Ngoại chấn Thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan