Các phương pháp vô cảm trong phẫu thuật lồng ngực

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quang Hùng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phẫu thuật lồng ngực là đại phẫu tiềm ẩn nhiều biến chứng, rủi ro và nguy cơ có thể xảy ra trong suốt cuộc phẫu thuật và cả sau khi phẫu thuật. Các phương pháp vô cảm trong phẫu thuật lồng ngực gồm có gây mê tĩnh mạch và gây mê nội khí quản. Gây mê trong phẫu thuật lồng ngực có thể kết hợp với gây tê ngoài màng cứng.

Vô cảm là phương pháp được sử dụng trong hầu hết các cuộc phẫu thuật để làm mất đi cảm giác tạm thời, giúp người bệnh giảm đau, mất ý thức (gây mê) hoặc không mất ý thức tạm thời (gây tê). Phương pháp vô cảm bao gồm có vô cảm toàn thể (gây mê) và vô cảm vùng (gây tê). Vô cảm toàn thể hay gây mê toàn thân (gồm gây mê mặt nạ, gây mê tĩnh mạch, gây mê nội khí quản và gây mê phối hợp) và vô cảm vùng - gây tê vùng (gây tê tại chỗ, gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng , gây tê đám rối thần kinh, gây tê thân thần kinh.

Phẫu thuật lồng ngực có thể sử dụng 2 phương pháp vô cảm phổ biến là gây mê gây mê nội khí quản và gây mê kiểm soát nồng độ đích kết hợp gây tê vùng. Trong đó, gây mê kiểm soát nồng độ đích có thể kết hợp với gây tê ngoài màng cứng, gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) hoặc gây tê cạnh cột sống (paravertebral block) một bên hoặc hai bên.

1. Gây mê tĩnh mạch trong phẫu thuật lồng ngực

Phương pháp gây mê gây mê kiểm soát nồng độ đích kết hợp gây tê vùng (gây tê ngoài màng cứng, gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) hoặc gây tê cạnh cột sống): là một trong những phương pháp được áp dụng trong những phẫu thuật lồng ngực. Đối với phương pháp này, kỹ thuật gây tê vùng sẽ được thực hiện nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân trong và sau mổ. Gây mê kiểm soát nồng độ đích bằng các thuốc mê tĩnh mạch hay thuốc mê bốc hơi giúp cho bệnh nhân không lo lắng, sợ hãi, mất ý thức tạm thời, nằm yên trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên phương pháp này thường áp dụng trong những trường hợp phẫu thuật đơn giản, bệnh nhân không cần cô lập 1 bên phổi, phổi thuật lớn để thuận tiện cho phẫu thuật như: cắt thùy phổi, cắt phổi, ngăn cản nhiễm trùng từ bên phổi bị bệnh sang phổi lành, các phẫu thuật có mở lồng ngực...Khi đó phải được thực hiện qua phương pháp gây mê nội khí quản.

  • Trong trường hợp duy trì mê bằng thuốc mê bốc hơi: Thuốc mê bốc hơi dùng trong phẫu thuật lồng ngực có tác dụng làm giãn phế quản không đặc hiệu và không làm tăng shunt phổi so với thuốc mê tĩnh mạch. Thuốc mê bốc hơi có khả năng đào thải nhanh, vì vậy cho phép tháo bỏ máy thở và ống nội khí quản ở người bệnh sớm. Hiện nay hay dùng sevofluran
  • Thuốc mê sevoflurane: Ngoài các ưu điểm như thuốc mê bốc hơi họ halogen còn có tác dụng là ít gây rối loạn huyết động, kích ứng đường thở và từ đó không làm tăng sức cản đường thở.
  • Nitơ oxit: Nitơ oxit có thể làm giảm liều của thuốc mê bốc hơi trong phẫu thuật lồng ngực, nhưng cần lưu ý, không dùng nitơ oxit khi thực hiện thông khí một phổi vì có thể làm tăng shunt phổi và gây thiếu oxy máu nghiêm trọng hơn. Nitơ oxit chống chỉ định với các trường hợp có nang và bóng khí vì khi giãn nở khí có thể làm vỡ bóng khí hoặc nang.

Phương pháp gây mê kiểm soát nồng độ đích thường được kết hợp với các phương pháp gây tê vùng như: gây tê ngoài màng cứng, gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) hoặc gây tê cạnh cột sống (paravertebral block) một bên hoặc hai bên để giảm đau trong mổ sau mổ cho bệnh nhân. Các kỹ thuật gây tê vùng sẽ được thực hiện trước khi gây mê hoặc sau gây mê bới các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.Pháp này kết hợp với gây mê kiểm soát nồng độ đích sẽ tạo ra một trạng thái gây mê gần như cần bằng, lý tưởng: Bệnh nhân ngủ sâu, mất các cảm giác đau, không kích thích, huyết động ổn định, hô hấp được kiểm soát.

Gây mê tĩnh mạch

2. Gây mê nội khí quản trong phẫu thuật lồng ngực

Gây mê nội khí quản là một kỹ thuật gây mê có đặt ống nội khí quản để duy trì sự thông thoáng của đường hô hấp, giúp hút khí quản dễ dàng và kiểm soát hô hấp trong suốt quá trình phẫu thuật. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, bệnh nhân sẽ mất cảm giác và ý thức tạm thời do tác dụng của thuốc gây mê, nhưng bệnh nhân vẫn có thể tự thở hoặc thở máy qua nội khí quản.

Một trong những cách tiến hành gây mê nội khí quản phổ biến nhất hiện nay là dùng một thuốc mê tĩnh mạch tác dụng ngắn như propofol để khởi mê, dùng thuốc giãn cơ và duy trì mê bằng thuốc mê bốc hơi hoặc thuốc mê tĩnh mạch với bơm tiêm điện thông thường hoặc TCI.

Trong phẫu thuật lồng ngực, gây mê nội khí quản được chỉ định tuyệt đối với các trường hợp:

  • Ngăn ngừa, hạn chế tình trạng nhiễm trùng, xuất huyết hoặc tắc phế quản ở phổi lành, không để lây lan hoặc tràn dịch máu, mủ ở phổi tổn thương sang phổi lành.
  • Điều chỉnh phân phối thông khí trong các trường hợp rò phế quản màng phổi - da, rò phế quản màng phổi, đại phẫu hệ thống đường thở, phẫu thuật khí phế quản, một bên phổi có bóng nước hoặc kén lớn.
  • Phẫu thuật lồng ngực để rửa một bên phổi, phế quản do bụi phổi, ứ đọng protein ở phế nang.

Gây mê nội khí quản được chỉ định tương đối với các trường hợp: phẫu thuật vào tủy sống ở vùng ngực, nội soi lồng ngực, mạch máu lớn ở ngực; cắt thực quản, u trung thất, thùy phổi, phổi.

Gây mê nội khí quản được chỉ định trong phẫu thuật lồng ngực cắt u trung thất
Gây mê nội khí quản được chỉ định trong phẫu thuật lồng ngực cắt u trung thất

Gây mê nội khí quản thông khí nhân tạo là chỉ định bắt buộc đối với phẫu thuật lồng ngực mở ngực, ống nội khí quản thường dùng là ống 2 nòng, với các bước thực hiện như sau:

  • Khởi mê: Đảm bảo khởi mê đủ sâu và đủ độ giãn cơ. Để giảm phản xạ co thắt phế quản có thể dùng lidocain dạng xịt.
  • Bôi trơn ống, dùng dây có nòng cứng để định hướng đặt ống bên trong của nhánh phế quản.
  • Đưa ống nội khí quản vào lỗ thanh môn có dùng đèn soi thanh quản, sau đó rút nòng và ống.

Trong quá trình thực hiện gây mê nội khí quản phẫu thuật lồng ngực, cần theo dõi các chỉ số độ sâu gây mê, dấu hiệu sinh tồn và một số chỉ số khác, trong đó các thông số của máy gây mê cần được giữ nguyên.

Tùy vào phẫu thuật lồng ngực cụ thể sẽ có phương pháp vô cảm phù hợp. Tuy nhiên, phẫu thuật lồng ngực là phẫu thuật lớn, cần thực hiện gây mê toàn thân, nếu có mở ngực cần thực hiện thông khí nhân tạo cho bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Thạc sĩ. Bác sĩ Tạ Quang Hùng đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Hiện tại, đang là bác sĩ Gây mê hồi sức, khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

813 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan