Các thuốc bôi Herpes môi an toàn

Nổi mụn nước ở môi bôi thuốc gì chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người khi nhiễm virus Herpes gây bệnh ở môi miệng. Có nhiều loại thuốc chữa mụn nước ở môi, tuy nhiên đâu là thuốc bôi Herpes môi an toàn và hiệu quả?

1. Mụn nước ở môi là bệnh gì?

Mụn nước hay mụn rộp ở môi là bệnh do virus Herpes simplex nhóm I gây ra. Thực tế, phần lớn cơ thể người đều nhiễm loại virus này và chúng sống trong cơ thể người cho đến khi có điều kiện thuận lợi để khởi phát bệnh.

Bệnh có thể khởi phát ở cả trẻ em và người lớn từ 1 - 2 lần mỗi năm, thậm chí có thể 5 - 6 lần và mỗi đợt khởi phát kéo dài từ 1 - 3 tuần. Bệnh thường có các triệu chứng như ở môi xuất hiện những mụn nhỏ li ti có màu đỏ, nước bên trong, gây ngứa rát rất khó chịu.

Bệnh chủ yếu lây nhiễm khi các mụn nước bị vỡ và chảy dịch ra bên ngoài, hôn hoặc dùng chung hay tiếp xúc với dịch sẽ bị nhiễm virus. Đa số người bị bệnh ở thể nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên nếu người bệnh có thể trạng yếu, hệ miễn dịch đang suy giảm thì mụn rộp thường lan rộng và tình trạng thường kéo dài trong nhiều tuần, có thể kèm theo biến chứng.

2. Các loại thuốc bôi Herpes môi an toàn

Mụn rộp ở môi do virus Herpes gây ra thường khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu, ngứa rát, thậm chí gây nhức và đau, ảnh hưởng đến ăn uống. Điều trị Herpes trước tiên là dùng thuốc bôi để giúp giảm đau và không còn mụn nước. Dưới đây là một số loại thuốc bôi Herpes môi an toàn được bác sĩ chỉ định hoặc khuyên dùng:

  • Acyclovir 1%: Kem bôi Acyclovir có tác dụng ngăn không cho virus Herpes phát triển và tái phát, đồng thời giúp giảm đau. Tuy nhiên, cần lưu ý là sau khi bôi thuốc lên môi, người bệnh sẽ cảm thấy nóng rát nhẹ, nhưng không cần quá lo lắng vì đây là biểu hiện bình thường.
  • Penciclovir: Kem bôi Penciclovir cũng nằm trong danh sách thuốc bôi Herpes môi an toàn và hiệu quả như Acyclovir 1%. Tuy nhiên, cần lưu ý là Penciclovir chỉ được dùng cho trẻ trên 12 tuổi, bôi thuốc 2 lần/ngày sáng và tối. Sau khi bôi thuốc, người bệnh có thể cảm thấy bị châm chích và phần da bị mụn rộp trở nên khô hơn, bong tróc ra.
  • Denavir: Denavir thuộc nhóm thuốc kháng virus, có thành phần chính là Penciclovir, có tác dụng ngăn không cho virus phát triển và làm lành vết loét do mụn rộp Herpes gây ra nhanh chóng, đồng thời giảm ngứa và đau rát. Tuy nhiên, Denavir không làm giảm khả năng tái phát và lây nhiễm của bệnh.
  • Abreva: Abreva cũng là một loại thuốc bôi Herpes môi có thành phần chính là Docosanol, cũng có tác dụng ngăn không cho virus phát triển và xâm nhập vào sâu hơn. Abreva cũng làm lành vết loét do mụn rộp gây ra ở một cách nhanh chóng, giảm đau rát và ngứa. Tuy nhiên cần lưu ý là Abreva không điều trị mụn rộp do các chủng virus khác gây ra.

Ngoài các loại thuốc bôi Herpes môi nêu trên, một số loại thuốc khác cũng rất hiệu quả được biết đến như Castellani, Mangiferin 5%, Znsp Cell II, .... Tuy nhiên, việc dùng bất kỳ loại thuốc kháng virus hay thuốc điều trị nào đều cần có ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

3. Lưu ý khi dùng các loại thuốc bôi Herpes môi

Khi sử dụng các loại thuốc bôi Herpes môi người bệnh cần lưu ý những thông tin sau để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như an toàn đối với sức khỏe:

  • Bôi thuốc đúng liều dùng và trong thời gian mà bác sĩ chỉ định.
  • Một số loại thuốc sau khi bôi có thể gây ra cảm giác như khô da, châm chích, bong tróc da, hoặc có thể là đỏ da và sưng lên, ... Nếu thấy có biểu hiện này, người bệnh nên giãn thời gian giữa các lần bôi thuốc, đồng thời bổ sung nhiều nước cho cơ thể.
  • Không được để thuốc bôi Herpes môi dính vào vùng niêm mạc mỏng vì có thể dẫn đến tình trạng kích ứng thuốc.
  • Nhóm đối tượng gồm phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con cho bú muốn dùng thuốc phải thăm khám bác sĩ trước.
  • Nếu thấy có triệu chứng lạ sau khi dùng thuốc thì người bệnh cần đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế có chuyên khoa để được kiểm tra và xử trí phù hợp.

Một số loại thuốc bôi Herpes môi an toàn được chỉ định hoặc khuyến cáo như Acyclovir, Penciclovir, Denavir, ... Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bôi, tránh tự ý mua và bôi thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

42.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan