Chẩn đoán và xử trí cơn hen phế quản nặng ở người lớn

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Thuý Hằng - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Mức độ nặng của hen được đánh giá hồi cứu từ mức điều trị cần thiết để kiểm soát triệu chứng và đợt cấp. Đánh giá mức độ hen có thể được thực hiện khi người bệnh đã điều trị thường xuyên với thuốc kiểm soát trong vài tháng.

1. Phân loại độ nặng hen phế quản

  • Hen nhẹ là hen được kiểm soát tốt với điều trị bậc 1 hoặc bậc 2, nghĩa là chỉ dùng thuốc kiểm soát khi có triệu chứng hoặc điều trị với các thuốc kiểm soát như ICS liều thấp, kháng thụ thể leukotriene (LTRA) hoặc chromone.
  • Hen trung bình là hen được kiểm soát tốt với điều trị bậc 3, ví dụ như với ICS/LABA liều thấp.
  • Hen nặng là hen đòi hỏi điều trị ở bậc 4 hoặc 5 để duy trì sự kiểm soát hoặc hen không kiểm soát được dù điều trị ở mức này.
các cấp bậc hen phế quản
Phân loại độ nặng hen phế quản

2. Phân loại mức độ nặng đợt cấp hen phế quản

  • Cơn hen phế quản mức độ nhẹ - trung bình: Người bệnh nói thành câu, cảm giác dễ thở hơn khi ngồi, không bứt rứt vật vã, nhịp thở tăng, không sử dụng cơ hô hấp phụ, nhịp tim 100-120 lần/phút, độ bão hòa oxy (khí phòng) 90-95%, PEF > 50% dự đoán mức cao nhất của người bệnh.
  • Cơn hen phế quản nặng: Người bệnh nói từng lời ngắt quãng, ngồi cúi người ra trước, bứt rứt, nhịp thở > 30 lần/phút; co kéo cơ hô hấp phụ, nhịp tim > 120 lần/phút; độ bão hòa oxy ( khí phòng) < 90%, PEF< 50% so giá trị dự đoán hoặc mức cao nhất của người bệnh.
  • Cơn hen phế quản đe dọa tính mạng: tri giác người bệnh lẫn lộn, lơ mơ, lồng ngực không di động.

3. Điều trị hen đợt cấp hen phế quản nặng

Thực hiện các biện pháp điều trị ban đầu, cần xem xét áp dụng các biện pháp phối hợp khác:

Truyền tĩnh mạch
Thuốc giãn phế quản SABA được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch

  • Ipratropium bromide (SAMA): Bệnh nhân có đợt cấp trung bình đến nặng, điều trị trong khoa cấp cứu: phối hợp SAMA và SABA cho hiệu quả giãn phế quản tốt hơn, cải thiện FEV1, LLĐ nhiều hơn so với dùng SABA đơn thuần.
  • Aminophylline và theophylline: Aminophylline và theophylline tiêm tĩnh mạch không nên sử dụng trong xử trí cơn cấp hen, do hiệu quả kém và khả năng ngộ độc (đặc biệt khi dùng cùng macrolide có thể gây xoắn đỉnh).
  • Magnesium: Magnesium sulfate tiêm tĩnh mạch không được đề nghị sử dụng thường quy trong đợt cấp hen phế quản. Truyền tĩnh mạch liều 2g trong 20 phút có thể giúp giảm khó thở, giảm tỷ lệ nhập viện ở một số bệnh nhân.
  • Kháng sinh: chỉ định dùng khi có biểu hiện nhiễm khuẩn.
Xử trí đợt cấp hen phế quản tại khoa cấp cứu
Xử trí đợt cấp hen phế quản tại khoa cấp cứu

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Các từ viết tắt: ICS: corticosteroid dạng khí dung, dạng hít xịt; ICU: Intensive Care Unit (Đơn vị chăm sóc tích cực) ; IV: tiêm tĩnh mạch; O2: oxy; LLĐ: lưu lượng thở ra đỉnh; FEV1: thể tích thở ra gắng sức 1 giây đầu; SABA: Short-acting beta-2 Agonist (thuốc đồng vận beta giao cảm tác dụng ngắn); LABA: Long-acting beta-2 Agonist (thuốc đồng vận beta giao cảm tác dụng kéo dài), SAMA: Short acting muscarinic antagonists ( thuốc kháng muscarinic tác dụng ngắn).

Tài liệu tham khảo: Quyết định số 1851/QD-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 24/04/2020 về tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em trên 12 tuổi”; GINA 2019.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan