Chấn thương tủy sống liệt 2 chi dưới

Liệt 2 chi dưới (liệt 2 chân) là một hội chứng thường gặp trong thần kinh gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đi lại và vận động. Khi điều trị cần phân biệt làm rõ hai dạng liệt mềm, liệt cứng và các nguyên nhân dẫn đến chấn thương tủy sống liệt 2 chi dưới để đề ra hướng xử lý phù hợp.

1. Vai trò của tủy sống

Tủy sống là hệ thống dẫn truyền thần kinh từ não bộ xuống các bộ phận khác còn lại bao gồm tứ chi và các nội tạng. Tủy sống bao gồm tủy cổ, tủy ngực và tủy thắt lưng, có nhiệm vụ dẫn truyền thần kinh rất quan trọng mà tủy sống phải được bảo vệ bởi:

  • Hệ thống cột sống: cổ, thắt lưng, ngực (được bảo vệ trong đốt sống và đĩa đệm).
  • Các thần kinh ngoại biên (bảo vệ trong các bao thần kinh).
  • Các nhân đệm: có tính chất đàn hồi giúp kết nối các đốt sống để thực hiện các động tác linh hoạt, đồng thời bảo vệ tủy sống bên trong.

Tuy nhiên khi có vấn đề tác động đến phần xương, đĩa đệm, dây chằng bao quanh đĩa đệm sẽ làm cho tủy sống bị ảnh hưởng. Tùy mức độ nặng hay nhẹ mà có thể gây ra các dạng liệt khác nhau.

2. Các loại chấn thương tủy sống liệt 2 chi dưới

Hội chứng liệt 2 chi dưới (hạ liệt) là tình trạng suy giảm hay mất khả năng vận động tự chủ của hai chân, thường đi kèm với rối loạn cảm giác. Nếu loại trừ nguyên nhân yếu liệt do đột quỵ thì liệt 2 chân thường do tổn thương ở cột sống ngực và thắt lưng. Có 2 dạng liệt chính: liệt cứng hai chi dưới và liệt mềm.

2.1. Liệt mềm

Một số đặc điểm của liệt mềm hai chi dưới:

  • Khởi đầu đột ngột.
  • Giảm hoặc mất hẳn phản xạ gân xương.
  • Giảm trương lực cơ giảm.
  • Giảm hoặc mất vận động 2 chi dưới, dễ teo cơ do không vận động.

Liệt mềm thường bắt đầu đột ngột hoặc cấp tính, có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng nếu liên quan đến tủy sống thì sẽ do các nguyên nhân sau:

  • Viêm tủy cắt ngang: diễn ra đột ngột, thường do siêu vi hay giang mai.
  • Viêm tủy thị thần kinh (bệnh Devic): tổn thương dây thần kinh thị giác kết hợp với dấu hiệu viêm tủy.
  • Tai nạn, vết thương gây cắt ngang tủy sống.
  • Viêm tuỷ cấp rải rác: có các ổ tổn thương nằm rải rác ở tuỷ sống
  • Chảy máu tủy: thường xuất hiện đột ngột, chọc sống lưng thấy dịch não tủy có máu.
  • Viêm tủy do nhiễm khuẩn khác: tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn hay trực khuẩn lao...
  • Nhũn tủy: do xơ vữa, viêm mạch máu tủy do lao hoặc giang mai, sau tiêm thuốc tê, chèn ép động mạch tủy do u...
  • Chấn động tủy, choáng tủy sau chấn thương: nếu tiên lượng tốt có thể tự phục hồi sau 2-3 tuần.
  • Bệnh Werdnig-Hoffmann: teo cơ tủy sống loại I rất nặng, mất phản xạ gân xương.
Viêm tủy cắt ngang có thể gây liệt 2 chân
Viêm tủy cắt ngang có thể gây liệt 2 chân

2.2. Liệt cứng

Một số đặc điểm của liệt cứng hai chi dưới:

  • Tổn thương các nơron vận động trung ương.
  • Diễn tiến từ từ, thường phát hiện ở giai đoạn muộn.
  • Tăng trương lực cơ kiểu tháp.
  • Thường không teo cơ.
  • Rối loạn cơ vòng, gây khó khăn trong đại tiểu tiện.
  • Phản xạ gân xương tăng.
  • Có thể nguyên phát nhưng cũng có trường hợp thứ phát (xảy ra sau liệt mềm).

Một số nguyên nhân chèn ép tủy gây liệt cứng có thể kể đến:

  • Lao cột sống: bệnh hủy cột sống do lao. Dấu hiệu là đau 1,2 cốt sống khi sờ, khó cúi người, cột sống thường lồi ra và đau, thường dễ phát hiện ở trẻ em hơn là người lớn.
  • Ung thư đốt sống: thường là bệnh thứ phát sau các loại ung thư khác (tuyến tiền liệt, cổ tử cung, dạ dày, vú, phổi...). Ban đầu liệt cứng 2 chi dưới sau chuyển qua liệt mềm.
  • Áp-xe ngoài hoặc dưới màng cứng: có dấu hiệu nhiễm trùng kèm đau vùng cột sống khi ho, hắt hơi, vận động, ấn mạnh..., tắc nghẽn dịch não tủy, tiêu xương, chụp hình ảnh thấy mất giới hạn bề ngoài đốt sống.
  • U ngoại tủy: là u dây thần kinh (Neurinome) với dị cảm hay đau rễ khu trú một bên, tiến triển rất chậm nhưng tiên lượng tốt nếu phẫu thuật sớm.
  • U nội tủy: ít gặp hơn, thường gặp nhất là u tế bào ống nội tủy và u tế bào hình sao. Khó nhận biết do dấu hiệu không điển hình.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống: chủ yếu là thoát vị một bên gây chèn ép tủy sống cùng bên, do chơi thể thao, tai nạn. Bệnh cũng có thể tự phát ở những người bị loạn dưỡng sụn.
  • Viêm màng nhện dày dính: do lao hoặc giang mai. Vừa có triệu chứng ngoại biên rải rác lẫn triệu chứng trung ương, nhưng thường không đối xứng.

Nói chung, từ liệt mềm chuyển sang liệt cứng là dấu hiệu tủy có hồi phục, tiên lượng tốt. Còn từ liệt cứng 2 chi dưới chuyển sang liệt mềm là tiên lượng xấu, tủy đã bị ảnh hưởng nặng. Nếu là tổn thương trung ương cần làm rõ đó là do chèn ép tủy sống hay viêm tủy, vì điều này liên quan mật thiết đến điều trị nội hay ngoại khoa và đề ra hướng xử lý phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan