Đặc điểm thuốc gây mê đường hô hấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Quang - Trưởng đơn nguyên Gây mê - Giảm đau - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Các loại thuốc gây mê đường hô hấp nhìn chung đều có tác dụng gây mê tốt và ít gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Mỗi loại thuốc đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nên ít khi được sử dụng riêng lẻ mà được phối hợp với các loại thuốc khác trong gây mê.

1. Thuốc mê đường hô hấp là gì?

Thuốc mê đường hô hấp có dạng chất khí hoặc chất lỏng bay hơi. Thuốc gây mê được hấp thụ bằng cách đi vào đường hô hấp qua phổi rồi được khuếch tán vào máu đến hệ thần kinh trung ương gây tác dụng ức chế. Khi nồng độ thuốc được gây mê qua đường hô hấp đạt ngưỡng sẽ làm xuất hiện trạng thái mê.

Tốc độ xâm nhập của thuốc gây mê vào phổi phụ thuộc vào nồng độ thuốc mê hít vào và sự thông khí ở phổi. Sự xâm nhập của thuốc mê từ phổi vào máu phụ thuộc vào sự chênh lệch nồng độ giữa phổi và máu, tính thấm của màng phế nang, quan trọng nhất là tính hòa tan của thuốc mê trong máu.

Thuốc gây mê Isofluran
Thuốc gây mê đường hô hấp được khuếch tán vào máu qua đường hô hấp

2. Tác dụng chung của các loại thuốc gây mê đường hô hấp

  • Tác dụng gây mê: Mức độ gây mê của thuốc phụ thuộc vào nồng độ tối thiểu của thuốc trong phế nang (MAC). Thuốc mê có chỉ số MAC càng thấp thì hoạt tính gây mê càng cao.
  • Tác dụng trên hô hấp: Hầu như các loại thuốc gây mê đường hô hấp đều gây ức chế hô hấp ở các mức độ khác nhau, trong đó mạnh nhất là isoflurane và enfluran.
  • Tác dụng trên não: Thuốc gây mê làm giảm tốc độ chuyển hóa ở não nhưng tăng lưu lượng máu não nên tăng áp lực sọ não, đặc biệt là trên bệnh nhân chấn thương vùng đầu hoặc u não.
  • Tác dụng trên hệ tim mạch: Thuốc gây mê halothan có tác dụng ức chế tim, giãn mạch và hạ huyết áp. Một số loại thuốc khác như isoflurane, methoxyflurane và enfluran có thể làm tăng nhịp tim thông qua phản xạ cường giao cảm.
Hạ huyết áp là một trong những tai biến có thể gặp phải sau khi gây mê nội khí quản
Thuốc gây mê đường hô hấp có tác dụng ức chế hạ huyết áp
  • Tác dụng trên cơ: Các thuốc gây mê đường hô hấp hầu hết đều có tác dụng giãn cơ.
  • Tác dụng trên thận: Các thuốc gây mê đều làm giảm tốc độ lọc cầu thận và lưu lượng máu qua thận do tăng sức cản mạch thận ở các mức độ khác nhau.

3. Các giai đoạn gây mê đường hô hấp

  • Giai đoạn 1: Thời kỳ giảm đau

Gây mê đường hô hấp làm ức chế trung tâm cao cấp ở vỏ não làm người bệnh mất dần cảm giác đau, cảm giác nóng và lạnh.

  • Giai đoạn 2: Thời kỳ kích thích

Thuốc gây mê không tác động đến trung tâm vận động dưới vỏ não nên gây các trạng thái kích thích như la hét, giãy dụa, nôn, ho, tăng tiết đờm. Thời kỳ kích thích chỉ kéo dài 1- 2 phút nhưng lại dễ gây tai biến. Do đó, thuốc gây mê sẽ được phối hợp để qua nhanh thời kỳ này.

Gây mê nội khí quản
Ở giai đoạn gây mê thời kỳ kích thích rất dễ xảy ra tai biến
  • Giai đoạn 3: Thời kỳ phẫu thuật

Thuốc gây mê ức chế xuống vùng dưới vỏ và tủy sống gây mất ý thức, mất phản xạ, giãn cơ, phù hợp để bắt đầu phẫu thuật.

  • Giai đoạn 4: Thời kỳ liệt hành tủy

Thuốc gây mê làm tim đập chậm, yếu, mạch yếu, rối loạn hô hấp, có thể gây ngừng tim, ngừng hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ chết sau 3 – 4 phút. Vì vậy, bác sĩ gây mê luôn cố gắng không để gây mê vượt quá giai đoạn 3.

Khi ngừng thuốc gây mê, hoạt động của các trung khu thần kinh trong cơ thể được hồi phục dần dần theo thứ tự ngược lại.

4. Các loại thuốc gây mê đường hô hấp thường được sử dụng

  • Ether

Liều ether thường được sử dụng là từ 120 – 150mL/ lần gây mê. Ether có tác dụng gây mê mạnh, giảm đau và giãn cơ tốt, tuy nhiên lại có thời kỳ khởi mê kéo dài, dễ gây kích thích. Ở liều gây mê, thuốc có thể gây tăng nhẹ nhịp tim, huyết áp, giãn mạch não và tăng áp lực sọ não.

Đối với cơ quan hô hấp, thuốc gây tăng tiết đờm dãi, gây phản xạ co thắt thanh quản, nôn. Thuốc có tác dụng giãn cơ vân và được phối hợp với các thuốc giãn cơ như các thuốc giãn cơ loại cura chống khử cực, kháng sinh nhóm aminosid, lincosamid.

Sau khi gây mê hoàn thành, có khoảng 2 – 3% thuốc được chuyển hóa ở gan thành acetaldehyd, alcol, acid acetic rồi thải ra qua đường nước tiểu, 85-90% thuốc thải trừ qua đường hô hấp ở dạng chưa chuyển hóa.

Thuốc mê ether chống chỉ định trong các trường hợp bệnh tăng áp lực sọ não, tiểu đường, suy gan, suy thận nặng, sốt cao.

  • Halothan

Thuốc halothan được sử dụng với hàm lượng 125mL và 250mL. Khởi mê dùng liều từ 1- 2,5% sau đó duy trì ở nồng độ 0,5- 1,5% (thường phối hợp với nitrogen oxyd và oxy).

Halothan có tác dụng gây mê tương đối nhanh, êm dịu, tỉnh nhanh, không gây kích thích nhưng giãn cơ và giảm đau kém nên thường phải phối hợp thêm với các thuốc giảm đau và giãn cơ.

Thuốc làm giảm lưu lượng hô hấp nên nếu gây mê sâu dễ gây thiếu oxy cho mô, gây toan máu và ngừng thở. Thuốc làm giảm sức co bóp của tim, chậm hoặc loạn nhịp tim, giãn mạch, hạ huyết áp, tăng áp lực sọ não. Thuốc gây giãn cơ vân yếu, nhưng giãn cơ trơn mạnh, tác dụng giãn cơ trơn tử cung làm chậm chuyển dạ và chậm cầm máu sau khi sinh.

Tác dụng phụ thường gặp của halothan là hạ huyết áp, chậm nhịp tim hoặc loạn nhịp, tăng áp lực sọ não, đặc biệt là độc với gan. Ngoài ra, thuốc gây đáp ứng miễn dịch, vì vậy nếu phải dùng nhắc lại thì phải cách nhau ít nhất 3 tháng.

Thuốc được chống chỉ định trong trường hợp sốt cao ác tính, không nên gây mê bằng halothan trong sản khoa trừ trường hợp cần giãn tử cung, không phối hợp vối thuốc ức chế MAO.

viem-gan-c-co-lay-qua-duong-ho-hap-khong-2
Thuốc halothan có tác dụng tỉnh nhanh nhưng lại dễ gây độc cho gan

Enfluran và đồng phân isofluran đều là dẫn xuất halogen của ether. So với các thuốc gây mê có halogen khác, enfluran và isoflurane ít chuyển hóa nên ít gây độc với gan và thận, thải trừ chủ yếu qua đường hô hấp.

Thuốc có tác dụng gây mê mạnh tương tự halothan, khởi mê nhanh, êm dịu, tỉnh nhanh. Đối với hệ tim mạch, thuốc gây hạ huyết áp do giãn mạch vành, gây tăng nhẹ lưu lượng máu não, lưu lượng tim tương đối ổn định, không làm tăng nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim nên ít gây loạn nhịp tim hơn halothan. Đối với chức năng hô hấp, thuốc gây ức chế hô hấp mạnh, làm giảm trương lực phế quản, tăng tiết dịch nên dễ gây co thắt thanh quản, có thể gây ngừng thở.

Thuốc mê được coi là khá an toàn khi sử dụng. Tuy nhiên, việc thiếu hiểu biết về thuốc cũng như dùng không đúng liều lượng thuốc sẽ dẫn đến những tác dụng ngoài mong muốn, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, cần hết sức lưu ý và cẩn trọng khi sử dụng thuốc mê qua đường hô hấp nói riêng và thuốc mê nói chung.

Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Thạc sĩ. Bác sĩ Tôn Thất Quang đã có hơn 15 năm kinh nghiệm công tác trong ngành Gây mê - Hồi sức. Bác sĩ Quang nguyên là bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Khánh Hòa kiêm giảng viên tuyến tỉnh Hồi sức cấp cứu trong sản khoa trước khi là Bác sĩ Gây mê hồi sức tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Để đăng ký khám và điều trị nhanh nhất, Quý khách có thể liên hệ hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan