Dị ứng mủ nhựa: Nguyên nhân, cách xử trí

Một số người bị dị ứng với nhựa mủ, được tìm thấy trong găng tay cao su và các sản phẩm khác, như bao cao su và một số thiết bị y tế. Hiểu về dị ứng nhựa mủ và biết các nguồn chứa nhựa mủ phổ biến có thể giúp bạn ngăn ngừa phản ứng dị ứng.

1. Dị ứng mủ nhựa là gì?

Nhựa mủ cao su (Latex) là một loại nhựa màu trắng đục như sữa từ thực vật như cây cao su nhiệt đới. Nhựa được sử dụng để làm các mặt hàng cao su như găng tay gia dụng và găng tay y tế, giày, lốp xe, bóng bay, bao cao su... Trong quá trình sản xuất, các hóa chất như những chất xúc tác được thêm vào có tác dụng làm cứng mủ cao su và sản phẩm cao su được nung nóng, sau đó được rửa sạch. Thành phẩm tạo ra, ngoài mủ cao su, có thể chứa các protein và hóa chất bổ sung còn lại (không phải latex) và chúng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

2. Nguyên nhân gây dị ứng mủ nhựa

Hầu hết mọi người đều tiếp xúc hàng ngày với các sản phẩm chứa latex nhưng không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, có một số ít người có cơ địa dị ứng mủ nhựa thì hệ thống miễn dịch của bạn xác định latex là một chất có hại và kích hoạt một số kháng thể nhất định để chống lại nó. Lần tới khi bạn tiếp xúc với latex, các kháng thể này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng histamin và các chất hóa học khác vào máu, tạo ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng. Càng nhiều lần bạn tiếp xúc với latex, hệ thống miễn dịch của bạn càng có khả năng đáp ứng mạnh mẽ.

đeo găng tay
Người bệnh bị dị ứng mủ nhựa khi tiếp xúc với vật liệu cao su có chứa latex

Dị ứng latex có thể xảy ra theo những cách sau:

  • Tiếp xúc trực tiếp: Nguyên nhân phổ biến nhất gây dị ứng latex liên quan đến việc chạm vào các sản phẩm có chứa latex, bao gồm găng tay cao su, bao cao su và bóng bay.
  • Hít phải: Các sản phẩm cao su, đặc biệt là găng tay, giải phóng các hạt latex, mà bạn có thể hít vào khi chúng bay vào không khí. Lượng latex trong không khí từ găng tay khác nhau rất nhiều tùy thuộc vào nhãn hiệu găng tay được sử dụng.

3. Triệu chứng dị ứng mủ nhựa

Nếu bạn bị dị ứng với mủ nhựa, bạn có khả năng bị các triệu chứng sau khi chạm vào các sản phẩm cao su latex, như găng tay hoặc bóng bay. Bạn cũng có thể có các triệu chứng nếu bạn hít phải các hạt latex được thải ra không khí khi ai đó tháo găng tay cao su. Triệu chứng dị ứng latex từ nhẹ đến nặng. Một phản ứng phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của bạn với latex và lượng latex bạn chạm hoặc hít vào.

Các triệu chứng dị ứng mủ nhẹ bao gồm:

  • Ngứa
  • Da đỏ
  • Phát ban
Bàn tay
Dị ứng mủ nhẹ khiến da đỏ và ngứa

Triệu chứng nặng hơn bao gồm:

  • Hắt hơi
  • Sổ mũi
  • Ngứa, chảy nước mắt
  • Rát họng
  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Ho

Triệu chứng đe dọa tính mạng: Sốc phản vệ

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất với latex là sốc phản vệ, có thể gây tử vong. Phản ứng phản vệ (anaphylactic) xuất hiện ngay lập tức sau khi tiếp xúc với latex ở những người rất nhạy cảm, nhưng hiếm khi xảy ra lần đầu tiên tiếp xúc.

Các dấu hiệu của sốc phản vệ bao gồm:

  • Khó thở
  • Phát ban hoặc sưng
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Thở khò khè
  • Hạ huyết áp
  • Chóng mặt
  • Mất ý thức
  • Lú lẫn
  • Mạch đập nhanh hoặc yếu.

Cần cấp cứu khẩn cấp nếu bạn đang có hoặc nghĩ rằng bạn đang có phản ứng phản vệ.

Nhận biết sốc phản vệ
Dị ứng latex nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến sốc phản vệ

4. Cách xử trí dị ứng mủ nhựa

Mặc dù việc sử dụng thuốc có thể giảm các triệu chứng dị ứng mủ nhựa, nhưng đó không phải là cách điều trị hoàn toàn. Cách duy nhất để ngăn chặn phản ứng dị ứng nhựa mủ là tránh các sản phẩm có chứa nhựa mủ.

Đối với các phản ứng dị ứng nhẹ, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamin hoặc corticosteroid, bạn có thể dùng sau khi tiếp xúc với latex để kiểm soát phản ứng của bạn và giúp giảm bớt sự khó chịu.

Nếu bạn có nguy cơ bị dị ứng mủ nhựa nặng và đã được kê toa thuốc tiêm tự động adrenaline (epinephrine) (bút adrenaline), điều quan trọng là bạn phải biết cách sử dụng và phải luôn mang nó theo người. Nên hướng dẫn cho những người thường bên cạnh bạn (bạn bè, gia đình, giáo viên và đồng nghiệp...) biết cách sử dụng và nơi lấy bút này khi cần, đồng thời cũng phải thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng của bút.

Những người dị ứng latex cũng có thể dị ứng với trái cây nhiệt đới, đặc biệt là chuối. Tương tự, những người dị ứng chuối có thể dị ứng với latex. Do quả chuối chứa protein rất giống với cây cao su nhiệt đới. Những loại rau và trái cây khác có thể gây ra phản ứng tương tự với latex gồm có bơ, cần tây, vả, hạt dẻ, đu đủ và quả lạc tiên. Do đó, cần lưu ý khi sử dụng những loại thực phẩm này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan