Điều trị mụn trứng cá ở tuổi teen

Mụn trứng cá tuổi teen là một tình trạng rất phổ biến, tuy nhiên các bạn không cần lo lắng vì hiện tại có nhiều cách hiệu quả giúp điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì.

1. Tình trạng mụn trứng cá tuổi teen

Mụn trứng cá là một tình trạng rất phổ biến ở thanh thiếu niên, xảy ra khi bã nhờn được sinh ra quá nhiều làm tắc nghẽn lỗ chân lông.

Các vị trí thường xuất hiện mụn là mặt, cổ, lưng, ngực và vai. Tuy không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng nếu không được chăm sóc tốt, mụn có thể gây ra sẹo vĩnh viễn. Mụn cũng có thể gây ra tâm lý tự ti ở lứa tuổi mới lớn, làm các em mất tự tin khi giao tiếp.

2. Đặc điểm của mụn trứng cá

Mụn trứng cá
Mụn có thể được chia thành 2 nhóm là mụn do viêm và mụn không do viêm

Mụn trứng cá gồm những dạng như sau:

Những loại mụn không do viêm:

  • Mụn đầu đen: xảy ra khi lỗ chân lông bị tắc do sự kết hợp của bã nhờn và tế bào da chết. Phần trên cùng của lỗ chân lông vẫn mở, nên các tế bào da chết, xác vi khuẩn,... phản ứng với oxy trong không khí tạo nên màu đen của mụn mà chúng ta nhìn thấy.
  • Mụn đầu trắng: Mụn đầu trắng cũng hình thành khi lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi bã nhờn và tế bào da chết. Nhưng không giống như mụn đầu đen, đỉnh lỗ chân lông của mụn đầu trắng đóng lại làm mụn giống như một vết sưng nhỏ nhô ra khỏi da. Do lỗ chân lông bị đóng lại nên việc điều trị mụn đầu trắng khó khăn hơn.

Những loại mụn do viêm: Bên cạnh bã nhờn và tế bào da chết, vi khuẩn cũng có thể đóng vai trò quan trọng làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Vi khuẩn sinh mụn có thể gây nhiễm trùng sâu bên dưới bề mặt da gây ra những loại mụn viêm như:

  • Mụn sần: Mụn sần xảy ra khi tình trạng viêm làm phá vỡ vách xung quanh lỗ chân lông. Khi chạm vào khu vực da có mụn sần, cảm thấy lỗ chân lông cứng, bị tắc. Da xung quanh các lỗ chân lông này thường có màu hồng.
  • Mụn mủ: Mụn mủ cũng hình thành khi vi khuẩn gây tình trạng viêm làm vách xung quanh lỗ chân lông bị phá vỡ. Nhưng khác với mụn sần, mụn mủ thường có đầu màu vàng hoặc trắng trên đầu, bên trong chứa đầu mủ.
  • Mụn bọc: mụn bọc được hình thành khi nang lông bị vỡ ở dưới đáy và đẩy mụn lên bề mặt da. Mụn bọc có đặc điểm là sưng, đỏ, kích thước lớn, sờ vào thấy đau.
  • Mụn dạng nang: có thể phát triển khi lỗ chân lông bị tắc bởi sự kết hợp của vi khuẩn, bã nhờn và tế bào chết. Phản ứng viêm gây tổn thương sâu dưới bề mặt da. Đây là dạng mụn có kích thước lớn nhất, chứa đầy mủ, dễ để lại sẹo.

3. Vì sao xuất hiện mụn trứng cá tuổi teen?

Vì sao xuất hiện mụn trứng cá tuổi teen, vì sao mụn trứng cá xuất hiện ở người này mà không xuất hiện ở người khác?

Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn chưa được giải thích rõ nhưng hormone androgen được cho là đóng vai trò quan trọng. Androgen tăng ở cả bé trai và bé gái trong giai đoạn dậy thì. Androgen làm cho tuyến dầu của da trở nên lớn hơn, tạo ra nhiều bã nhờn hơn gây nguy cơ bít tắc lỗ chân lông gây mụn.

Di truyền cũng có thể có vai trò quan trọng trong sinh mụn trứng cá. Nếu có cha mẹ bị mụn trứng cá, bạn cũng có nguy cơ bị mụn cao hơn.

Sử dụng một số loại thuốc như androgen, lithium, prednisolon,... có thể gây mụn trứng cá.

Ngoài ra, mỹ phẩm với độ đặc nhờn cao cũng có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông, gây mụn. Các loại mỹ phẩm gốc nước sẽ ít gây mụn hơn so với mỹ phẩm gốc dầu.

Một số yếu tố có thể làm tình trạng mụn trứng cá tuổi teen nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Chà xát da quá mức gây ma sát, tổn thương da.
  • Thường xuyên sờ, nặn mụn
  • Mặc quần áo quá chật có thể làm nghiêm trọng hơn mụn ở cổ, lưng, ngực và vai.
  • Nồng độ hormone sinh dục nữ thay đổi trước kỳ kinh nguyệt có thể kích thích gây mụn ở một số người.
  • Tình trạng căng thẳng kéo dài.
Kinh nguyệt ít
Việc thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt cũng là nguyên nhân phổ biến gây mụn trứng cá ở các bạn nữ

4. Điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì như thế nào?

Có nhiều cách điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì bao gồm:

  • Sử dụng các sản phẩm trị mụn không cần kê đơn: các sản phẩm này thường chứa các hoạt chất trị mụn như axit axetic, benzoyl peroxide, axit salicylic, lưu huỳnh. Dạng bào chế các sản phẩm trị mụn trên thị trường rất đa dạng gồm dạng gel, dạng kem, sữa rửa mặt, miếng dán trị mụn,... Hiệu quả trị mụn của các sản phẩm này thường ở mức vừa phải. Phải sử dụng liên tục trong 4-8 tuần làn da mới có sự cải thiện rõ rệt.
  • Điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ: nếu tình trạng mụn trứng cá tuổi teen từ trung bình đến nặng, bạn cần phải khám bác sĩ để được điều trị chuyên sâu. Ngoài thuốc bôi, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh dạng uống. Kháng sinh đường uống giúp kiểm soát sự phát triển của mụn bằng cách kiềm chế sự phát triển của vi khuẩn, giúp giảm viêm. Kháng sinh phải được uống trong thời gian dài, thường là từ bốn đến sáu tháng, sau đó giảm dần và ngưng khi mụn cải thiện.

Isotretinoin là cách điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì khi mụn trứng cá ở mức độ nặng và không đáp ứng với các điều trị khác. Đây là loại thuốc tác động vào cơ chế bệnh sinh gây mụn trứng cá, thuốc giúp làm giảm kích thước của tuyến nhờn để sản xuất ít bã nhờn hơn giúp ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc. Isotretinoin thường được dùng một đến hai lần một ngày, dùng kéo dài từ 16-20 tuần. Thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi nên không được dùng cho phụ nữ mang thai.

  • Điều trị mụn tại phòng khám bác sĩ da liễu: bác sĩ có thể điều trị mụn dạng nang bằng cách tiêm corticoid vào mụn. Liệu pháp ánh sáng đỏ có thể được dùng để giảm viêm và vi khuẩn trên da. Bác sĩ cũng có thể dùng axit salicylic để làm thông thoáng lỗ chân lông trên da. Các phương pháp điều trị mụn chuyên sâu tại phòng khám là cách điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì cho hiệu quả nhanh, nhưng sự thành công phụ thuộc lớn vào chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ.

5. Một số lời khuyên giúp phòng ngừa mụn trứng cá tuổi teen

Rửa mặt
Rửa mặt quá nhiều lần trong ngày cũng là một trong những nguyên nhân dễ gây mụn trứng cá

Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp các bạn tuổi teen kiểm soát hiệu quả tình trạng mụn trứng cá:

  • Không nên rửa mặt quá nhiều và không nên chà xát da mạnh khi rửa mặt. Mụn trứng cá không phải do bụi bẩn, rửa mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ hai lần mỗi ngày là đủ. Rửa mặt quá nhiều có thể khiến da bị kích thích và khô, kích thích tuyến tiết sản xuất ra dầu nhiều hơn, làm tăng nguy cơ nổi mụn.
  • Sử dụng mỹ phẩm không chứa dầu “oil-free” hoặc những loại mỹ phẩm có từ “noncomedogenic” trên nhãn, đây là loại mỹ phẩm không chứa các thành phần gây bít tắc lỗ chân lông, giúp ngăn ngừa nguy cơ sinh mụn.
  • Hạn chế đưa tay sờ mặt, vi khuẩn từ tay có thể lan sang mặt, tăng nguy cơ mụn trứng cá tuổi teen.
  • Không nặn mụn: Nặn mụn sẽ dẫn đến viêm nhiễm nghiêm trọng và gây sẹo vĩnh viễn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan