Đột quỵ gây ra bệnh Parkinson

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Một vài nghiên cứu được thực hiện và cho ra giả thuyết đột quỵ gây ra bệnh parkinson nhằm lý giải cho các trường hợp người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh trước đó có thể mắc bệnh parkinson. Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính bệnh lý đột quỵ là nguyên nhân gây tổn thương các tế bào não đảm nhận nhiệm vụ sản xuất dopamin và gây bệnh parkinson.

1. Tổng quan về bệnh parkinson

Bệnh parkinson được phân loại vào nhóm các bệnh lý thoái hóa thần kinh. Nguyên nhân gây bệnh được cho rằng do sự thoái triển của các tế bào thần kinh ở não bộ, đặc biệt ở vùng đảm nhận vai trò sản xuất dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng điều hòa sự phối hợp vận động trong cơ thể.

Bệnh diễn tiến từ từ và trở nên xấu dần theo thời gian. Sự thoái hóa các tế bào thần kinh trong bệnh parkinson không có khả năng phục hồi vì thế việc điều trị hiện nay nhằm mục đích chính giảm nhẹ triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bệnh parkinson không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn.

Bác sĩ người Anh có tên James Parkinson là người đầu tiên phát hiện ra bệnh vào năm 1817, vì thế người ta lấy tên của ông để đặt tên cho căn bệnh này. Bệnh parkinson có thể bắt gặp ở tất cả các vùng lãnh thổ trên thế giới. Người mắc bệnh parkinson chủ yếu là những người trên 60 tuổi. Một số ít các trường hợp ghi nhận ở những độ tuổi trẻ hơn như 50, thậm chí 30 tuổi.

Người mắc bệnh parkinson thường có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng, thay đổi mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo từng giai đoạn bệnh. Trong giai đoạn đầu, người bệnh thường phải đối mặt với triệu chứng run xuất hiện ở cả tay và chân. Run các chi biểu hiện rõ hơn khi bệnh nhân nghỉ ngơi, nghĩa là khi tay chân ngừng hoạt động. Sử dụng tay cầm nắm một vật khiến triệu chứng run thuyên giảm hoặc biến mất.

Run chân tay
Run chân tay là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân Parkison

Tuy nhiên, có khoảng 15% số bệnh nhân parkinson không xuất hiện dấu hiệu này trong suốt quá trình tiến triển bệnh. Khi bệnh parkinson diễn tiến vào giai đoạn muộn hơn, người bệnh thường xuất hiện nhiều triệu chứng khác bao gồm cứng khớp, rối loạn vận động và phối hợp động tác, mất khả năng giữ thăng bằng. Các cơ bắp dần trở nên co rút và các khớp dần trở nên cứng đờ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi di chuyển và thực hiện các động tác sinh hoạt hằng ngày. Khuôn mặt ít biểu lộ cảm xúc, dáng đi khòm hơn bình thường. Các động tác đơn giản như chải tóc, đi giày, cài khuy áo dần trở nên khó khăn hơn.

Người bệnh parkinson cũng rất dễ té ngã hay gặp phải các chấn thương do khả năng giữ thăng bằng không tốt. Một số biểu hiện nặng nề hơn cũng xuất hiện nếu người bệnh mắc bệnh trong thời gian kéo dài như suy giảm trí nhớ, trầm cảm, ảo giác, ảo tưởng, rối loạn giấc ngủ ...

Bệnh parkinson tuy không phải là bệnh lý gây chết người nhưng gây suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh ở mức độ đáng kể. Bệnh diễn tiến âm thầm theo thời gian, các triệu chứng nặng nề dần dần xuất hiện tuy nhiên nhiều người bệnh vẫn có thể duy trì cuộc sống và công việc của mình ở giới hạn bình thường trong nhiều năm nếu tuân thủ tốt việc điều trị.

Sa sút trí tuệ
Bệnh parkinson có thể gây sa sút trí tuệ ở người bệnh

2. Đột quỵ gây ra bệnh parkinson như thế nào?

Đột quỵ là bệnh lý liên quan đến các mạch máu ở não bộ. Hệ thống mạch máu phong phú ở hai bán cầu đại não chịu trách nhiệm cung cấp oxy cho các hoạt động và chuyển hóa tại chỗ. Khi các mạch máu này bị tắc nghẽn hoặc thành mạch bị tổn thương gây xuất huyết nội sọ, bệnh lý đột quỵ xảy ra. Đột quỵ gây ra nhiều gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và gia đình.

Gần đây, nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng bệnh lý đột quỵ cũng được xem như một nguyên nhân dẫn đến bệnh lý parkinson. Các cơn thiếu máu não thoáng qua nghĩa là không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cũng có thể gây ra tổn thương tại các tế bào thần kinh và gây ra bệnh parkinson. Các cơn thiếu máu não thoáng qua được xem là những đợt đột quỵ nhẹ, xuất hiện khi mạch máu não bị tắc nghẽn trong một thời gian ngắn không đủ để gây ra những triệu chứng lâm sàng và người bệnh cũng không nhận biết được.

Tuy nhiên, tác động của những lần thiếu máu não thoáng qua này ảnh hưởng đến việc sản xuất hoạt chất dopamin. Đặc biệt khi các mạch máu bị tắc nghẽn nằm ở khu vực liềm đen của não, đây là nơi chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất dopamin. Dopamine là hoạt chất dẫn truyền thần kinh có nhiệm vụ kết nối và phối hợp thực hiện các động tác khác nhau trong cơ thể.

Thiếu máu thiếu sắt
Các cơn thiếu máu não thoáng qua được coi là nguyên nhân dẫn đến đợt đột quỵ nhẹ

Trước đây người ta không hiểu rõ được nguyên nhân cụ thể gây ra sự sụt giảm trong việc sản xuất hoạt chất dopamine để gây ra bệnh parkinson. Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi cho rằng quá trình lão hóa và các stress là tác nhân chính trong việc này. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các bệnh lý gây tổn thương các tế bào não cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh parkinson. Đây chính là ý tưởng dẫn đến việc thực hiện các nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh lý đột quỵ và parkinson.

Nhiều thử nghiệm gây xuất hiện các cơn đột quỵ nhẹ hay những cơn thiếu máu não thoáng qua trên chuột đã được tiến hành. Kết quả thu được là những tổn thương tại các tế bào não được ghi nhận. Điều này giúp củng cố thêm rằng bệnh lý đột quỵ bao hàm cả những cơn đột quỵ nhẹ cũng có thể là nguyên nhân của bệnh parkinson.

Lợi ích của việc nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc khám phá nhiều hơn về bệnh lý parkinson mà còn nâng cao ý thức của những bệnh nhân đột quỵ hoặc những người có nguy cơ cao đột quỵ.

Người mắc bệnh đột quỵ cần được chỉ định sử dụng các thuốc chống viêm càng sớm càng tốt để giới hạn được vùng tổn thương não. Ngoài ra, cần khuyến khích và giáo dục người dân về những biện pháp giúp phòng ngừa các bệnh lý mạch máu và hạn chế nguy cơ xuất hiện bệnh lý đột quỵ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

893 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan