Gây tê tủy sống phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn 2 bên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh đã có hơn 18 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực Gây mê – Hồi sức.

Gây tê tủy sống phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn 2 bên là một phương pháp vô cảm hiện đang được sử dụng rộng rãi với hiệu quả cao và ít tai biến, biến chứng trước, trong và sau cuộc mổ.

1. Gây tê tủy sống phẫu thuật thoát vị bẹn là gì?

Gây tê tủy sống phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn 2 bên là phương pháp vô cảm gây tê vùng bằng cách tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện để ức chế tạm thời dẫn truyền xung thần kinh đi qua tủy sống, từ đó đáp ứng được nhu cầu vô cảm trong quá trình phẫu thuật thoát vị bẹn và giảm đau sau mổ.

Phương pháp vô cảm này được áp dụng trong các trường hợp cần phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn 2 bên cũng như giảm đau sau mổ. Tuy nhiên, kỹ thuật này vẫn có những chống chỉ định bao gồm:

Thuốc gây tê
Bệnh nhân dị ứng thuốc gây tê chống chỉ đjnh thực hiện thủ thuật

2. Cần chuẩn bị gì trước khi gây tê tủy sống điều trị thoát vị bẹn 2 bên

Người thực hiện gây tê tủy sống

  • Bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức đã được đào tạo kỹ thuật gây tê tủy sống
  • Điều dưỡng chuyên khoa gây mê hồi sức.

Các phương tiện cấp cứu, theo dõi bệnh nhân

  • Phương tiền hồi sức: oxy nguồn, bóng, mask, phương tiện đặt nội khí quản, máy thở, máy hút đàm, máy sốc điện...
  • Thuốc hồi sức: các loại dịch truyền, adrenaline...
  • Thuốc chống co giật, thuốc giãn cơ.
  • Các máy móc theo dõi dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ, SpO2...

Phương tiện gây tê tủy sống

  • Bơm kim tiêm các kích cỡ.
  • Kim gây tê tủy sống.
  • Găng tay vô trùng, khăn lỗ vô trùng...
  • Thuốc gây tê: Bupivacain (liều từ 3-12mg), levobupivacain (liều từ 5-12mg), ropivacain (liều từ 5-20mg). Giảm liều đối với người già (>60 tuổi), phụ nữ mang thai, bệnh nhân thiếu máu...
  • Thuốc giảm đau họ morphin như morphine, fentanyl, sulfentanyl...
  • Intralipid.
Gây tê tủy sống trong phẫu thuật,
Hình ảnh kim gây tê tủy sống

Chuẩn bị người bệnh

  • Người bệnh và gia đình cần được giải thích rõ kỹ thuật gây tê tủy sống trong phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn 2 bên cũng như những tai biến, biến chứng có thể xảy ra.
  • Đồng ý ký vào bản cam kết chấp nhận rủi ro trong quá trình gây tê tủy sống
  • Được thăm khám toàn diện, đánh giá khả năng gây tê...
  • Vệ sinh vùng gây tê.
  • An thần, tiền mê nếu có chỉ định.

3. Quy trình gây tê tủy sống phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn 2 bên

  • Đặt đường truyền tĩnh mạch có hiệu quả để dự phòng hạ huyết áp (liều từ 5-10ml/kg cân nặng)
  • Tư thế bệnh nhân:

+ Tư thế ngồi: người bệnh ngồi cong lưng, đầu cúi, cằm tì vào ngực, chân duỗi thẳng trên bàn mổ hoặc đặt bàn chân lên ghế.

+ Tư thế nằm: người bệnh nằm nghiêng, cong lưng, 2 đầu gối áp sát vào bụng, cằm tì vào trước ngực.

  • Bác sĩ gây mê thực hiện các thao tác vô trùng hoàn toàn trước khi gây tê tủy sống.
  • Sát trùng vùng chọc kim gây tê, trải khăn lỗ vô khuẩn.
  • Kỹ thuật gây tê tủy sống: đường giữa hoặc đường bên

+ Đường giữa: Chọc kim gây tê tủy sống vào khe giữa 2 đốt sống, vị trí từ L2-L3 đến L4-L5.

+ Đường bên: Chọc kim gây tê tủy sống vào cách đường giữa 1-2cm, hướng kim đi vào giữa, lên trên, ra trước.

Gây tê tủy sống
Kỹ thuật gây tê tủy sống có thể được thực hiện theo đường giữa hoặc đường bên

+ Hướng mặt vát của kim gây tê song song với cột sống bệnh nhân.

+ Chọc kim vào tủy sống cho đến khi cảm giác mất sức cản khi kim đi được màng cứng tủy sống.

+ Kiểm tra kim gây tê đã vào tủy sống hay chưa bằng cách quan sát có dịch não tủy chảy ra. Sau đó, xoay mặt vát kim về phía đầu bệnh nhân và bơm thuốc gây tê với liều lượng thích hợp.

4. Theo dõi trong quá trình gây tê tủy sống phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn 2 bên

  • Các dấu hiệu sinh tồn cơ bản như tri giác bệnh nhân, nhịp tim, nhịp thở, huyết áp và SpO2.
  • Mức độ phong bế cảm giác và vận động của bệnh nhân do tác dụng của thuốc gây tê.
  • Các tai biến, tác dụng không mong muốn của gây tê tủy sống.

5. Tai biến và cách xử trí

Dị ứng với thuốc gây tê

Đây là tai biến nghiêm trọng nhưng tỉ lệ gặp không cao. Xử trí bằng cách ngừng ngay thuốc tê và sử dụng phác đồ chống sốc phản vệ.

Ngộ độc thuốc tê

Đây là tai biến do tiêm nhầm thuốc tê vào mạch máu. Xử trí nhanh chóng ngừng thuốc tê, bảo đảm tuần hoàn, hô hấp của bệnh nhân. Sử dụng Intralipid nếu ngộ độc thuốc tê nhóm bupivacain và ropivacain.

Hạ huyết áp, nhịp tim chậm

Bù dịch, sử dụng atropin và các thuốc co mạch như adrenalin...

Đau đầu

Xử trí bằng cách bất động tại chỗ, sử dụng các loại thuốc giảm đau hoặc có thể vá màng cứng bằng máu tự thân (Blood Patch)

Gây tê tủy sống toàn bộ

Đây là một biến chứng nguy hiểm do thuốc tê lan vào toàn bộ tủy sống gây ức chế hô hấp, tuần hoàn nặng nề. Xử trí theo phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn, hô hấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan